Con dâu "vàng mười" biếu nhà chồng 500 nghìn sắm Tết
Tết nhất chẳng ai như con dâu tôi, hai vợ chồng thu nhập mỗi tháng 100 triệu đồng, đi nước ngoài nước trong như đi chợ, vậy mà năm nào, cô con dâu vàng mười cũng chỉ biếu hai vợ chồng tôi 500 nghìn…
Hai vợ chồng tôi hiếm muộn, mãi mới có một mụn con trai nên dành hết tâm trí, sức lực nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Lúc đói khổ cũng nhịn ăn nhịn mặc cốt sao cho con bằng bạn bằng bè.
Sự hi sinh, vất vả của vợ chồng tôi cũng được bù đắp khi con trai tôi tốt nghiệp đại học, được một công ty nước ngoài mời làm với mức lương, thưởng hấp dẫn.
Đi làm, con trai chăm lo cho vợ chồng tôi rất chu đáo, thỉnh thoảng đưa đi du lịch dưỡng già. Với vợ chồng tôi, cuộc sống như vậy là viên mãn rồi.
Ngày con lấy vợ, tôi lặng lẽ khóc, giọt nước mắt âm thầm của hạnh phúc. Con dâu tôi - một cô gái thời thượng, xinh đẹp, gia đình có điều kiện, nề nếp, học hành đỗ đạt cao, coi như cũng là cô con dâu "vàng mười" trong thời buổi hiện nay.
Cưới xong, hai vợ chồng con trai mua nhà ra riêng, phần muốn con thoải mái, phần tránh va chạm mẹ chồng - nàng dâu, lại khổ con trai mình nên tôi vui vẻ đồng ý.
Năm đầu về làm dâu, gần Tết, con dâu cáo bận, đi công tác liên miên, nên những ngày 23 tháng Chạp, cúng bái tổ tiên, chăm sóc mồ mả ở quê tôi đều một tay làm hết. Mà những việc này lẽ ra là dâu trưởng, con dâu tôi phải có trách nhiệm mới đúng lễ giáo.
Tôi có nhắc khéo, con dâu tôi cũng dửng dưng, coi như không phải việc của mình, con trai kêu bận suốt nên tôi không dám nói gì với nó, chỉ biết than thở với chồng.
Đã thế, cô con dâu "vàng mười" của tôi lại keo kiệt, bủn xỉn. Tết nhất không đỡ đần gia đình chồng việc thờ cúng cũng chẳng biết quà cáp lễ nghĩa cho bố mẹ chồng tử tế.
Vợ chồng tôi đúng là không giàu có, dư dả nhưng lương hưu của hai vợ chồng cũng đủ tằn tiện chi tiêu, không đến nỗi quá khó khăn. Tôi chẳng phải đòi hỏi con cái phải mâm cao cỗ đầy hay xét nét con dâu về đối nhân xử thế, nhưng ít ra cũng phải có, gọi là tấm lòng của con cái với bố mẹ.
Ngày 30 Tết, con trai đi công tác về, hai vợ chồng qua nhà tôi ăn cơm, xong con dâu lấy ra tờ 500 nghìn, dõng dạc nói: “Tết hai vợ chồng con nhiều việc không đi mua sắm được gì, con biếu bố mẹ mấy đồng tiêu Tết”.
Vợ chồng nó đến ăn bữa cơm rồi biếu tiền như thể đi ăn nhà hàng vậy, tôi miệng méo xệch vẫn phải cười cảm ơn con dâu, ông nhà tôi chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Con trai tôi lên chức giám đốc, thường xuyên đi nước ngoài, vài ba tháng mới về. Nên những việc đối nội, đối ngoại ít khi để ý đến, phó thác hết cho vợ. Năm ngoái, còn hơn tháng nữa mới đến Tết, thế mà cuối tuần sang thăm nhà ông bà thông gia, đã thấy bà thông gia hớn hở khoe con gái biếu cho ông bà chiếc tủ lạnh mới, Tết đựng đồ ăn cho khỏi hỏng. Nghe đến đây mà tôi thấy nghẹn lòng.
Mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, nuôi con ăn học thành tài, lấy vợ, vợ nó cũng chỉ biết vun vén cho bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng thì coi như khách. Cỗ bàn tuyệt nhiên không bao giờ có mặt, cả năm sang nhà chồng đôi ba lần vì sợ phải biếu bố mẹ chồng tiền. Tết Cổ truyền thì cứ sát ngày 30 Tết con dâu mới sang nhà, thăm hỏi lấy lệ rồi rút 500 nghìn ra biếu.
Năm nay, Tết đến gần, nhân thể con trai sang chơi, tôi gọi con vào, than thở chuyện con dâu đối nhân xử thế, bên nặng bên nhẹ giữa hai nhà thông gia. Con trai động viên tôi, nói khéo do con dâu tôi học nước ngoài về nên tư tưởng khác với truyền thống.
Bản thân tôi lại nghĩ, dù học hành ở nước ngoài nhưng đang sống ở Việt Nam, là người Việt Nam vẫn phải giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Không thể lấy đó làm lý do bao biện cho cách sống và cư xử của con dâu được.
Sau hôm đó, con trai tôi về nói chuyện lại với vợ thì con dâu tôi vùng vằng, lu loa với ông bà thông gia rằng mẹ chồng khắt khe, tham tiền, nói xấu con dâu với chồng để gia đình nó lục đục. Ngày giỗ ông nội chỉ con trai về thắp hương, còn con dâu nhất định cáo ốm không sang.
Mong mỏi mãi mới có thằng con chống gậy, giờ nó lấy vợ thì nó thành con thiên hạ còn vợ chồng tôi sống trong cảnh tuổi già neo đơn…
Theo Lê Nga (Hải Phòng)
Vietnamnet