Con “bện” oshin hơn
Từ hôm bác giúp việc về quê, Hòa như gà mắc tóc vì cô con gái nhất định không chịu ăn, đêm thì khóc rấm rứt đòi bác Lành kể chuyện mới chịu ngủ. Dỗ con không được, Hoà phát cáu và nhiều lúc tủi thân ghê gớm.
Một năm trước, được người bạn giới thiệu một chỗ làm mới, lương cao, Hòa đã bỏ công ty cũ để đi làm cho chỗ mới. Lương cao gấp 3 lần đồng nghĩa với việc Hòa bận cuống cuồng.
Sáng đi làm thì con vẫn ngủ, tối về lại phải hoàn thành nốt phần việc dang dở, người mệt phờ nên đã không ít lần, cô gắt ầm lên vì sự nũng nịu hay những câu hỏi vô tận của con gái 2 tuổi. Nhiều lúc nghĩ lại, thương con, Hòa tranh thủ chơi với bé nhưng đầu óc lại vẫn lu bu công việc nên cũng chỉ quấy quá cho xong.
Cô yên tâm vì thấy con bé vẫn ngoan, khỏe mạnh và có vẻ thích nghi rất nhanh với sự bận rộn của mẹ, không mè nheo, bám riết như trước.
Nhưng hai hôm nay, bác oshin có việc phải về quê, Hòa mới nhận ra, con gái đã trở nên quá xa cách với mình. Cố gắng xin về sớm để đón con từ nhà bà nội, Hòa thấy con bé cứ ngơ ngẩn và luôn miệng hỏi bác giúp việc tên Lành. Nó nhất quyết không chịu ăn khi mẹ xúc cơm và đêm đến thì khóc rấm rứt vì "nhớ bác Lành lắm".
"Không hiểu bà giúp việc cho ăn 'bùa" gì mà con bé lại bện thế. Mình vừa tủi thân, vừa ức, có lúc còn muốn cho bà ấy nghỉ việc nhưng nghĩ làm thế thì ích kỷ và vô lý quá. Có lẽ lỗi là ở mình. Có khi lại đi tìm việc khác dù ít tiền nhưng có nhiều thời gian hơn cho con", Hòa đang băn khoăn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, giảng viên khoa tâm lý, Đại học sư phạm Hà Nội, nhiều người nghĩ rằng con cái yêu bố mẹ là điều tất nhiên nhưng thực tế không phải vậy. Sự hình thành tình cảm cũng theo một quy luật, nó nảy sinh từ những xúc cảm qua sự tiếp xúc thường xuyên.
Nếu như bố mẹ yêu thương, lo lắng cho con là thứ tình cảm vô điều kiện bởi đó là một phần máu thịt của họ thì trẻ không phải bao giờ cũng vậy. Nó thường dành tình cảm, gắn bó với những người gần gũi, chăm sóc, tạo cho nó cảm giác được yêu thương, được an toàn. Vì thế, nếu bố mẹ không gần gũi, quan tâm, chăm sóc đến trẻ thì việc con trở nên xa cách cũng là điều dễ hiểu.
Tiến sĩ Mùi cho biết, trẻ thường đón nhận tình cảm của bố mẹ theo kênh trực tiếp thông qua việc chăm sóc, trò chuyện, ôm ấp, vỗ về... Nhưng không phải khi nào cha mẹ cũng có điều kiện ở gần con cái. Và lúc ấy, hình ảnh của họ hiện hữu qua lời kể của những người hay ở bên trẻ sẽ chính là kênh gián tiếp để hình thành tình cảm của các em đối với bố mẹ.
Nếu bố mẹ không có nhiều thời gian chăm con, lại có mối quan hệ không tốt với "kênh gián tiếp" thì càng khó tạo dựng tình cảm gắn bó với trẻ. Những trường hợp các nàng dâu trẻ bận rộn, giao con cho ông bà nội nhưng lại bất hòa với bố mẹ chồng là một ví dụ.
Tuy nhiên, cũng có những người chưa sẵn sàng tâm lý làm cha mẹ nên khi gặp khó khăn trong quá trình nuôi con như con ốm đau, quấy khóc, phá bĩnh, họ sẽ chán nản, muốn trao trách nhiệm cho người khác.
Trâm ở Đống Đa, Hà Nội là một người mẹ như thế. Lấy chồng khi đã bụng bầu lùm lùm, Trâm không lường trước được khi chăm con lại stress đến thế. Vì vậy, sau 4 tháng nghỉ sinh, được đi làm, Trâm như thấy nhẹ người. Con được gửi sang nhà bà ngoại, Trâm rảnh rang đi làm, học thêm rồi còn tụ tập với bạn bè như thời còn son. Nhưng gần đây, cô giật mình nhận ra, có mình ở nhà cũng như không, con bé ăn sữa ngoài, chỉ theo bà ngoại và dì, dửng dưng khi mẹ về.
Muốn được con yêu thương, cha mẹ phải “đầu tư”
Tiến sĩ Mùi cho rằng, khi trẻ không quấn cha mẹ, bản thân bé là người chịu thiệt thòi. Bởi tình mẫu tử, phụ tử là thứ tình cảm lớn lao, thiêng liêng nhất mà bé lại không cảm nhận được. Cha mẹ khi ấy cũng cảm thấy hụt hẫng vì "núm ruột" lại xa cách với mình.
Nhưng nếu muốn được con yêu thương, cha mẹ phải "đầu tư". Dù bận rộn đến đâu, bạn cũng cố gắng thu xếp công việc, cân đối các mối quan hệ để có thời gian cho con và dù ít, đó phải là "thời gian chất lượng".
Tức là, khi bên con, bạn hãy toàn tâm toàn ý, gác mọi việc khác lại để lắng nghe, hiểu những nhu cầu, mong muốn của con. Còn nếu có nhiều thời gian bên con, nhưng bạn chỉ hiện diện để chứng tỏ vai trò làm cha mẹ của mình bằng những yêu cầu, mệnh lệnh với trẻ hay có mặt cho đủ thì cũng không tạo dựng được tình cảm gắn bó.
Ngoài ra, dù có người giúp đỡ, bạn cũng không nên giao phó hoàn toàn việc chăm sóc con cho oshin hay ông bà mà cố gắng tự làm lấy những việc như khi còn nhỏ thì cho con ăn, tắm hay ru bé ngủ... Và khi làm những việc ấy, bạn nên cố gắng trò chuyện với con càng nhiều càng tốt.
Chính những khoảng thời gian giao lưu ấy, giúp trẻ cảm nhận được tình cảm của cha mẹ và cũng là cơ hội để bạn hiểu con hơn. Khi con lớn hơn, bố mẹ có thể cùng chơi, hướng dẫn con những trò chơi phát triển sức khỏe, trí tuệ và kỹ năng xã hội, khuyến khích con học tập và hình thành tính tự tin. Quan trọng nhất, hãy luôn để con biết rằng bạn lúc nào cũng yêu chúng và có thể gác lại mọi việc khác để chia sẻ, giúp đỡ chúng.
Có rất nhiều ông bố bà mẹ dù bận rộn nhưng vẫn luôn tạo cho con được cảm giác yêu thương, tin cậy và gần gũi. Như chuyện anh Thành ở Long Biên, Hà Nội. Làm kinh doanh, anh bận rộn suốt ngày, có khi tối về rất muộn, lúc các con đã đi ngủ. Nhưng anh luôn cố gắng dậy sớm để ăn sáng, hỏi chuyện các con. Nếu hôm nào tối về sớm, anh lại tranh thủ bày trò chơi với con, rồi đọc truyện cho hai đứa trước giấc ngủ.
Anh có nguyên tắc: Dù bận rộn mấy cũng để dành riêng ngày chủ nhật cho hai nhóc: Dẫn chúng đi chơi công viên, thăm ông bà hay đơn giản là ở nhà làm ngựa cho cậu con bé cưỡi hay hướng dẫn cô con gái lớn gấp các hình thù khác nhau bằng giấy…Chính vì vậy hai đứa con anh lúc nào cũng nhắc tới bố, tự hào về bố.
Theo Minh Thùy
VNExpress
* Tên nhân vật đã được thay đổi