Con bạn có hư không?
(Dân trí) - Câu trả lời là “có” nếu bé nhà bạn "dính" một vài trong số các đặc điểm sau:
Không được yêu quý
Bỏ qua tất cả các lời mời tham dự sinh nhật, con bạn không muốn góp mặt trong các hoạt động tập thể như thế này. Bạn bè đồng trang lứa chẳng thích bé bởi bé quá ích kỷ và “tinh vi”. Người lớn cũng không ưa con bạn vì bé thô lỗ và hay đòi hỏi.
Không kiên nhẫn
Bởi vì cái gì cũng dễ dàng có được nên trước những việc không như ý, bé thường tỏ ra thiếu kiên nhẫn, nhất là trong các vấn đề ở trường, nơi bạn bè và thầy cô không bao giờ “chiều” bé như bố mẹ ở nhà.
Thiếu tự tin
Nghiên cứu khoa học đã cho thấy những đứa con cưng, cái gì cũng được đáp ứng thường dễ rơi vào trầm cảm, lo lắng, thiếu tự tin, căng thẳng thần kinh, hay phàn nàn và không có quan hệ tốt với cha mẹ. Bạn hẳn không muốn có một đứa con chẳng lúc nào biết điểm dừng, được cái này lại muốn cả cái kia.
Thiếu cá tính
Trẻ hư thường đánh giá bản thân dựa trên những gì chúng có chứ không dựa trên thực tế chúng là ai, là người như thế nào.
Bạn hãy nhớ một điều, hư hỏng không do gene di truyền, đó là vấn đề nhận thức và học hỏi của bé trong cuộc sống. Có 4 từ có thể mô tả một đứa trẻ hư:
“Không”
Trẻ hư không chịu đựng nổi từ này. Hãy hình dung, con bạn luôn muốn đạt được cái mình thích, và trong mọi trường hợp, bạn đều đáp ứng. Rồi trong tiệm đồ chơi, bé đòi chiếc ô tô mình đã có ở nhà, bạn nói “không”, bé bắt đầu nài nỉ, đòi nặng nặc hoặc giở bài la khóc.
“Con (và chỉ con)”
Bé nhà bạn coi mình là trung tâm của vũ trụ, nghĩ đến mình, nghĩ cho mình nhiều hơn cho người khác. Lớn hơn một chút, bé sẽ nằm khểnh xem TV trong khi mẹ đang hì hụi lau nhà. Có món nào đó bé không thích ăn, bạn sẽ đi làm ngay món khác, và bé thì thấy rằng đó là nghĩa vụ bạn phải làm.
“Cho con…”
Con bạn không đơn giản “nhận” những gì được “cho”, mà “đòi” những cái người khác phải “đáp ứng”. Bạn không thể nghĩ ra sẽ mua tặng con cái gì vào dịp sinh nhật của bé vì bé có mọi thứ rồi.
Cuối cùng con trai bạn muốn được tặng đồ hiệu,con gái tự đánh giá mình qua quần áo nó mặc thay vì nó thực sự là ai. Bạn thấy mình giống máy rút tiền tự động hơn là một vị phụ huynh chứ?
“Bây giờ”
Con bạn không biết chờ đợi, cái gì cũng phải “ngay lập tức”. Bạn thấy nhượng bộ thật dễ dàng hơn nhiều so với cố tình trì hoãn những yêu cầu của con. Ví dụ nếu con muốn ăn bánh snack, bạn sẽ mang lại ngay lập tức mà không dám nhắc con đợi đến lúc ăn cơm xong. Bạn đang nói điện thoại, con bắt bạn dừng cuộc gọi, bạn cũng sẽ dừng ngay.
Có biểu hiện nào ở trên trùng với trường hợp con của bạn? Nếu có, đã đến lúc làm một cuộc “cách mạng” thực sự để thay đổi đứa trẻ này rồi.
Huyền Anh
Theo Ivillage