Chuyện gì xảy ra đằng sau biểu hiện "thích chống đối" của trẻ?
(Dân trí) - Trẻ thích chống đối thực chất là một dạng rối loạn tâm lý đáng lo ngại mà nhiều bậc phụ huynh thường xem nhẹ.
Rối loạn thách thức chống đối (ODD) là gì?
Rối loạn thách thức chống đối là một dạng rối loạn tâm thần thường khởi phát từ thời thơ ấu và có thể kéo dài tới quá trình trưởng thành. Trẻ bị dạng thức rối loạn tâm lý này thường có các hành vi thách thức cha mẹ và giáo viên.
Nếu biểu hiện thách thức của trẻ chỉ là nhất thời thì đó có thể coi là một phản ứng tự nhiên. Tuy vậy, nếu tình trạng này kéo dài thành một thói quen, thậm chí tạo thành một phần tính cách của trẻ thì quả thực vô cùng đáng lo ngại.
Các nghiên cứu cho thấy cứ 16 trẻ nhỏ thì lại có một trẻ mắc chứng rối loạn thách thức chống đối. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự hiểu rõ về tình trạng này.
Dấu hiệu cụ thể
Thông thường thì rối loạn thách thức chống đối sẽ bắt đầu xuất hiện từ khi trẻ còn nhỏ (dưới tám tuổi) và có thể được nhận biết qua các dấu hiệu sau:
- Cảm xúc khó chịu: Trẻ dễ cáu kỉnh và thường xuyên thấy bị làm phiền bởi những việc làm của người khác.
- Cư xử bướng bỉnh: Trẻ kiên quyết và chủ động từ chối nghe theo các quy tắc hay những hướng dẫn được đưa ra.
- Hung hăng: Trẻ thường thích tranh cãi với người lớn, đặc biệt là những người “quyền lực” hơn mình, ví dụ như cha mẹ, giáo viên hay bảo mẫu.
- Trốn tránh trách nhiệm: Trẻ không chịu trách nhiệm cho hành động của mình mà luôn luôn đổ lỗi cho người khác.
- Có thái độ trả đũa: Trẻ dễ nổi giận, để bụng và luôn muốn “trả thù” những ai đã làm mình phật lòng.
Khi xem xét thấy con mình có những dấu hiệu trên trong suốt một thời gian dài và không hề phù hợp với tâm lý của những đứa trẻ có cùng độ tuổi, các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi để xác định rõ tình trạng cũng như đưa ra cách giải quyết phù hợp.
Trà Xanh
Theo Mom