Chuyện ăn của trẻ
(Dân trí) - Cảnh thường thấy buổi chiều ở mỗi khu chung cư là các bà các mẹ, các cô oshin tất tả chạy theo trẻ khắp sân, doạ nạt, van nài, chúng ăn từng muỗng cơm thìa cháo. Có ông bố còn ăn mặc kỳ quái, đóng vai hề hay cướp biển, nhảy nhót tưng bừng để dụ con ăn. Ấy là “công cuộc nhồi nhét” của người lớn.
Trang Nhung, chuyên viên Tài chính, buổi trưa chỉ được nghỉ làm 1 tiếng rưỡi. Thay vì nghỉ ngơi, cô tất tả phóng xe 4km từ Bà Triệu về Quỳnh Mai cho con ăn vì lo người giúp việc ở nhà không chu đáo.
Đánh vật với đứa con gái 1 tuổi để nhồi xong một tô cháo lớn, một miếng phomai và nửa cốc nước cam, cô chỉ còn kịp ăn qua quýt bát cơm nguội hay mì úp rồi lại tất tả giữa trưa nắng quay về văn phòng.
Thanh Huyền, giáo viên tiểu học quận Cầu Giấy, có một đứa con trai, cu Nhắng 15 tháng được cưng như trứng mỏng. Sinh thiếu tháng nên cu cậu không được bụ bẫm như mấy đứa trẻ hàng xóm. Cô lùng sục đủ loại vitamin, thuốc bổ có mặt trên thị trường cho thằng bé uống. Nghe bà lang trên Yên Bái có bài thuốc gia truyền chữa chán ăn hiệu nghiệm, cô tất tả nhờ bạn bè dạy hộ, bắt xe đi ngay. Nghe mọi người mách, cô còn cất công lùng những đồ quý hiếm như yến sào, vi cá mập… để tẩm bổ cho con trai nữa.
Khốn nỗi, càng nhồi nhét thì thằng bé càng còi cọc và hay nôn trớ. Lần nào ăn, cu Nhắng cũng “cho ra sản phẩm” đến 3, 4 lần.
Có lần con vừa ăn xong, chồng đi công tác về, Huyền nhất định không cho chồng chơi với con sợ nó cười rồi trớ. Anh chồng nhớ con cứ sán đến nựng nịu chơi đùa. Thằng bé cười như nắc nẻ rồi nôn phọt qua cả đường mũi! Huyền xót con, tiếc công cứ thế mắng chồng té tát. Đáng lẽ chồng về phải vui vẻ thắm thiết thì hai vợ chồng quay lưng lại với nhau cả đêm, cũng chỉ vì chuyện ăn của con!
Đối lập với phương pháp cho ăn theo kiểu “cổ truyền”, tức phải làm mọi cách để trẻ ăn càng nhiều càng tốt, các bà mẹ tiên tiến thường xuyên đọc sách lướt net ngày nay nhiều người đã thấm nhuần chủ trương “không ép buộc ăn”. Phượng Nga, 33 tuổi, sau nhiều chuyến công tác ở Châu Âu đã tập cho con tự xúc ăn từ lúc chưa đầy một tuổi.
Lúc đầu quả thật rất mất thời gian và sốt ruột. Bé Nhím lúc đầu làm đổ tung tóe và bôi trát đầy người, cho miệng ăn một, cho mũi ăn hai, nhưng sau ba tháng đã tiến bộ hơn hẳn và tự xúc lấy một mình. Nhưng từ khi hai vợ chồng vì hoàn cảnh phải chuyển về ở cùng với bố mẹ chồng thì mọi chuyện khác hẳn.
Mẹ chồng Nga là giáo viên Đại học, nhưng bà rất xót cháu vì “Con mẹ nó lười không chịu xúc cho con ăn làm thằng bé cứ còi cọc trông tội quá!”. Bà vẫn nể Nga, để cô tự chế biến đồ ăn cho con, nhưng nhất định xúc cho Nhím và ép cháu ăn “hết bát hết đĩa”.
Bà còn mua thêm bánh kẹo, hoa quả. Bốn tháng về ở với bà, cu Nhím tăng được tám lạng làm bà mát ruột mát gan. Cả nhà chồng hớn hở vui mừng, còn Nga chẳng biết làm thế nào để tiếp tục “chiến dịch tự xúc” của con theo ý mình.
Phương pháp bố mẹ cho ăn uống cũng thể hiện quan điểm giáo dục của phụ huynh và có ảnh hưởng đến nhân cách sau này của trẻ. Phụ huynh Tây phương khi con nói ăn no là có thể rời bàn ăn mà không bị bố mẹ bắt ép van nài ăn thêm. Chủ trương cuộc sống của trẻ, dù còn nhỏ vẫn là của chính chúng, nên họ đề cao khả năng sống và tư duy độc lập, bố mẹ chỉ góp ý và định hướng. Hình ảnh những em bé tròn trịa tay chân hàng chục ngấn là niềm hãnh diện của “xứ ta” thì lại là nỗi sợ nơi “xứ người”.
Quan niệm Á Đông cho rằng cha mẹ phải thay con quyết định trong mọi vấn đề, do đó trẻ em ít có cơ hội chọn lựa, ngay cả trong chuyện ăn uống. “Con phải ăn cái này vì nó bổ, nó nhiều vitamin”, “Không ăn thịt thì suy dinh dưỡng như cái chú quảng cáo sữa gầy trên T.V đấy, sợ không?”.
Ngay cả các bà mẹ chủ trương theo quan điểm “Tây hoá” hầu như cũng ít khi theo được đến cùng. Đọc sách báo thấy hình ảnh các bé ngoan ngoãn tự ăn để bố mẹ làm việc khác, Thu Phương cũng vạch ra một kế hoạch “hoành tráng” nhưng sau ba tuần cô tự động bỏ cuộc vì “thấy xót quá”.
Thằng bé tất nhiên lúc đầu không tự ăn, mẹ quát thì la khóc, ở trường các cô mẫu giáo cũng phàn nàn, bà ngoại cháu thì trách móc… bản thân ý chí của Phương cũng lung lay, thế là “kế hoạch hoành tráng” tạm dừng vô thời hạn!
Cho dù nuôi dưỡng theo “chủ trương” nào thì bữa ăn cũng có một nhiệm vụ quan trọng là giáo dục trẻ. Ở mọi nơi, việc giáo dục trẻ em “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” - sự ý tứ và nếp văn hoá lúc ăn vẫn luôn là quan trọng.
Sử dụng dao nĩa thuần thục, không cười nói ầm ĩ trong bữa ăn… cũng như “kỹ năng” dùng đũa cả xới cơm, đánh cơm cẩn thận, mời ông bà cha mẹ trước khi ăn… đều cần phải được phụ huynh dặn dò nhắc nhở kỹ lưỡng.
Qua cách ăn uống cũng thể hiện nề nếp của gia đình, vì thế các cử chỉ, lời nói… của cha mẹ luôn phải để ý để trẻ noi theo.
Hạnh Chi