Chồng “khóc mếu” vì được “vợ yêu”
Vì yêu chồng, nhiều bà vợ chăm nom, săn sóc chồng như chăm sóc một đứa trẻ. Các bà vợ tưởng làm như thế là tốt, ai ngờ càng yêu theo cách đó càng khiến các ông chồng cảm thấy khó thở. Họ thường phản ứng làm ngược lại những điều vợ mình đang “chỉ bảo” như một cách để chứng tỏ bản lĩnh của mình.
Chồng “khóc mếu” kể chuyện được “vợ yêu”
Anh Nguyễn Thành ở Lạc Long Quân, Hà Nội kể rằng, vợ chồng anh yêu nhau từ thời sinh viên. Hai người sẵn sàng từ bỏ mọi tham vọng trong cuộc sống chỉ để được gần bên nhau. Ngày đó, người yêu anh, tức vợ anh bây giờ được một suất du học sang Úc. Vì yêu anh nên chị từ chối suất học bổng đó, không đi du học mà ở nhà lấy chồng. Đến bây giờ, vợ chồng họ lấy nhau đã được 10 năm, có hai cậu con trai kháu khỉnh, thông minh và ngoan ngoãn. Nhìn chung hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Anh Thành và chị Uyên đều cảm thấy mãn nguyện về quyết định của mình. Duy chỉ có một điều anh Thành cảm thấy nhiều lúc “phát bực” vì cách yêu chồng của vợ. Nhiều khi trước tình yêu bao la của vợ, anh Thành cảm thấy mình bị vợ coi như một đứa trẻ. Chuyện anh kể có sự hài hước của một người chồng yêu vợ nhưng đó là nụ cười ra nước mắt, là ngầm chứa sự phản kháng mạnh mẽ của cái gọi là “bản lĩnh” đàn ông.
Anh Thành kể rằng, vợ anh rất đảm đang, cả công việc ngoài xã hội cũng như trong gia đình. Anh thấy mình thật hạnh phúc khi có được một người vợ như vậy. Anh không dám phàn nàn gì, duy chỉ có điều nhiều khi vợ anh chăm anh như chăm một đứa trẻ, khiến anh không tránh khỏi có lúc bị ức chế. Ví dụ như, khi vào bếp chẳng hạn, chị Uyên lúi húi cả tiếng đồng hồ, nấu nấu nướng nướng rồi mang cả hoa lá cành ra để trình bày ra đĩa cho đẹp mắt. Lúc bê mâm cơm ra, chị Uyên ngồi gắp thức ăn vào bát của chồng rồi giục “Anh ăn đi”. Cứ thế chị cứ ngồi chăm chú nhìn chồng ăn, nhìn từ lúc anh nâng đôi đũa lên, nhìn anh gắp thức ăn, nhìn thức ăn anh cho vào mồm… rồi hồi hộp hỏi: “Có ngon không?”, “ngon không anh?”. Anh Thành mà ậm ừ không nói gì là chị Uyên cứ ngồi đó hỏi đi hỏi lại cho đến khi chồng nói “ngon” thì mới thôi, mới chịu rời mắt khỏi chồng, mới chịu cầm bát cơm lên ăn. “Nhiều khi ức chế lắm ấy. Mình ăn uống thì đơn giản. Đến bữa chỉ cần bát cơm canh, có tí thịt cá mặn mặn là xong. Thế mà bà vợ cứ bày biện, bắt chồng ăn, bắt chồng khen cho bằng được. Nhiều lúc mình cảm thấy vợ mình coi mình như con, thế mới đau chứ!”, anh Thành vừa cười vừa kể lại chuyện yêu của vợ mình.
Trên thực tế những người vợ yêu chồng theo cách của chị Uyên là không hiếm. Không phải ông chồng nào cũng được vợ yêu thương và quan tâm như vậy. Tuy nhiên, về mặt tâm lý, yêu chồng theo cách đó đôi khi lại phản tác dụng, làm cho người bạn đời rơi vào sự ức chế về mặt tâm lý. Tình yêu, hôn nhân vì thế khó đạt tới sự hòa hợp để có được hạnh phúc một cách trọn vẹn như cả hai cùng mong muốn.
Đừng áp đặt cách yêu thương
Theo các chuyên gia tâm lý, sở dĩ xảy ra chuyện “ông chẳng, bà chuộc” như câu chuyện trên là bởi giữa đàn ông và phụ nữ không hiểu tâm lý của nhau dẫn đến sự không hòa hợp nhau trong hôn nhân. Nhiều người cũng có quan niệm rất sai lầm về sự hòa hợp, cho rằng vợ chồng hòa hợp là vợ chồng có tính cách giống nhau. Thực tế thì đàn ông và phụ nữ đã là hai người hoàn toàn khác nhau, không chỉ khác về hình thể mà còn khác cả về mặt tâm lý.
Nhà tâm lý học John Gray cho rằng: “Đàn ông và đàn bà - hai người đó không bao giờ giống nhau cả. Chừng nào chúng ta nắm được đặc điểm tâm lý khác nhau của mỗi giới mới có thể hy vọng tìm thấy sự hòa hợp lứa đôi. Bởi vì hai người luôn suy nghĩ và hành động khác nhau, họ có những thói quen và sở thích khác nhau. Mong muốn người này giống người kia để hòa hợp nhau là ảo tưởng. Tốt hơn hết hãy xem họ khác nhau như thế nào để sống chung với sự khác nhau đó. Nghĩa là biết chấp nhận để hòa hợp với nhau”.
Theo nhà báo Vũ Hà (Báo Lao động Xã hội), nhiều khi chỉ vì không hiểu đặc điểm tâm lý của nhau mà đàn ông và phụ nữ thường gây cho nhau những thương tổn không đáng có. Đàn ông luôn cho rằng mình đúng, điều đó đã là một sự xúc phạm, vì người phụ nữ cảm thấy mình bị chồng coi thường. Trái lại khi người phụ nữ yêu một người đàn ông, họ thường tự cho mình có trách nhiệm giúp đỡ anh ta trong việc trưởng thành để sao cho anh ta làm mọi việc tốt hơn. Họ thường lập ra một "ủy ban cải tạo'' ở nhà và dĩ nhiên người chồng trở thành mục tiêu chính. Họ nghĩ rằng, họ đang chăm nom, săn sóc chồng, trong khi người đàn ông lại cảm thấy mình bị điều khiển như đứa trẻ con. Và để tỏ rõ bản lĩnh đàn ông, họ làm ngược lại những "chỉ bảo" của vợ. Thực ra, đàn ông không thích sự điều khiển đó, họ chỉ muốn được vợ chấp nhận.
Ngay cả cách thức yêu thương của đàn ông và đàn bà cũng không giống nhau. Đàn ông nói chung mong muốn một tình yêu mà trong đó người phụ nữ tin tưởng, chấp nhận và đánh giá cao về họ. Còn trong tiềm thức, phụ nữ lại cần một kiểu tình yêu mà trong đó họ được quan tâm. Chính vì thế, không nên "đốt cháy giai đoạn tiền hôn nhân". Để có được hạnh phúc lứa đôi cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về nhiều mặt và nhất là nhận dạng được con người đó thuộc "kiểu người" nào, không phải để xem có giống mình không, mà để xem đó có phải mẫu người mà mình chấp nhận được không. Và khi yêu thương nhau, bạn hãy yêu thương theo cách mà người kia cần chứ không phải theo cách mà mình muốn mới có được hôn nhân trọn vẹn.
Cách thức yêu thương của đàn ông và đàn bà không giống nhau. Để có được hạnh phúc gia đình cả hai cần có sự tìm hiểu kỹ về nhiều mặt và nhất là nhận dạng được con người đó thuộc "kiểu người" nào, không phải để xem có giống mình không, mà để xem đó có phải mẫu người mà mình chấp nhận được không. Và khi yêu thương nhau, bạn hãy yêu thương theo cách mà người kia cần chứ không phải theo cách mà mình muốn mới có được hôn nhân trọn vẹn.
Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội