Phản hồi bài "Bố mẹ chồng cho nhà, vợ không được đứng tên":
Cho con trai nhà, con dâu không được đứng tên: Của cho không bằng cách cho
(Dân trí) - Người phụ nữ tâm sự chị buồn lòng việc nhà chồng cho con trai tài sản mà không để con dâu cùng đứng tên. Trong khi đa số bạn đọc chê cười chị "tham" thì lại xuất hiện một ý kiến có phần trái ngược...
Xin giới thiệu đến quý độc giả bức thư phản hồi của bạn đọc này như sau:
"Chào chị,
Đọc tâm sự của chị, tôi hiểu nỗi lòng của chị luôn vì đó cũng là nỗi lòng của tôi khi một người cô trong họ nhà chồng tôi cho anh ấy nhà, cũng với điều kiện tôi không phải người đứng tên cùng sở hữu.
Cô ấy không chồng không con, quá lứa lỡ thì nên ở vậy trên đất tổ tiên để lại cho cô ấy. Khi chúng tôi cưới nhau về thì bố mẹ chồng tôi "khoán" rằng vợ chồng tôi sau này hãy chăm lo cho cô ấy, ngược lại, cô ấy coi chồng tôi như con nên nếu cô mất thì tài sản của cô sẽ cho chồng tôi thừa kế.
Khi ấy tôi chỉ mới ngoài 20 tuổi, mới ra trường đi làm tiền trăm triệu còn chưa có nên chẳng thể hình dung có trong tay cả ngôi nhà thì làm gì, nên tôi chẳng quan tâm. Tôi chỉ nghĩ một điều, cô ấy không chồng không con, sống với vợ chồng tôi thì tôi sẽ chăm lo cho cô như bố mẹ trong nhà.
Bao nhiêu năm chúng tôi sống với cô như vậy chẳng có điều tiếng gì, tôi còn nghĩ là cô chồng rất yêu quý mình vì tôi chăm sóc cô chu đáo, hay mua quần áo mặc nhà tặng cô, cô ốm tôi đưa cô đi cắt thuốc mang về uống, lúc nào rảnh tôi vẫn dành thời gian nói chuyện với cô, thỉnh thoảng có những vấn đề gì hơi lớn chút tôi cũng mang ra hỏi ý kiến cô, thứ nhất là để tỏ ra mình tôn trọng ý kiến người lớn, thứ nữa là để cô không cảm thấy chạnh lòng vì các cháu tự quyết định mà không hỏi ý kiến cô.
Thế nhưng đến khi cô tuổi cao và bắt đầu yếu hơn thì cô nói đến chuyện trao tài sản. Cô không nói với tôi nhưng nói với chồng tôi.
Anh ấy lại kể lại cho tôi rằng anh bảo cô đừng lo xa, bao giờ gần đất xa trời thì tính chứ giờ còn khỏe lo cái nỗi gì. Cô lại bảo rằng khi cô mất, nhà của cô sẽ cho chồng tôi trước giờ trong nhà không ai bàn cãi, nhưng vẫn nên làm thủ tục giấy tờ từ sớm, lỡ lúc cô đau ốm rồi dại mồm đột ngột ra đi... Cuối cùng chồng tôi cũng bảo nếu cô cứ muốn vậy thì làm. Nhưng đến khi đi làm thủ tục giấy tờ, tôi mới biết là cô không hề có ý định cho tôi đứng tên cùng chồng trên giấy tờ nhà.
Nói thật là tôi rất tủi thân. Nhiều người sẽ không tin khi chị nói chẳng tơ tưởng tài sản gia đình chồng nhưng chị buồn lòng, còn tôi thì tin chị, vì tôi cũng như vậy, buồn lòng lắm.
Chồng tôi an ủi vợ, bảo đừng nghĩ nhiều, sau khi nhận thừa kế anh làm tiếp thủ tục chuyển tài sản riêng của anh thành tài sản chung của vợ chồng là được. Tôi biết chồng tôi trước giờ luôn coi hai vợ chồng là một, tôi cũng thế. Bản thân tôi không phòng bị gì chuyện ly hôn vì chưa bao giờ hình dung chúng tôi sẽ bỏ nhau. Nhưng các cụ quyết định cho tài sản mà còn phân biệt dâu rể, đề phòng sự khác máu tanh lòng, giữ của cho ruột thịt, thì tôi thấy sự đối đãi chân thành, tình cảm của mình dành cho những người không phải ruột thịt nhưng mình đã xem như ruột thịt nó không được người ta ghi nhận đó.
Cứ bảo rằng "tài sản là của tôi, tôi cho ai là quyền của tôi", thì đúng rồi, nhưng nếu các cụ ốm đau ra đấy, thì người chăm các cụ, đổ bô cho các cụ liệu sẽ là con trai các cụ, hay lại đến tay mình? Khi đó chẳng lẽ mình bảo ai nhận thừa kế người đó đi mà chăm hay sao? Đã là gia đình, phân biệt như vậy để làm gì nữa.
Tài sản có nhiều đến mấy chết đi rồi cũng không mang theo được, cho con cho cái nhiều đến mấy mà chúng không hạnh phúc, không biết bảo ban nhau làm ăn cần kiệm thì tiền bạc cũng đội nón ra đi. Của cho không bằng cách cho là vậy".
Phản hồi của độc giả Hòa Lê
Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, phù hợp sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính. Trân trọng!