Mùa cưới
Chạy đua... cưới
Để lấy "tiếng thơm" và "trả nợ miệng", nhiều gia đình ở xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Tây) gắng làm đám cưới cho con với 400-600 mâm cỗ, mời trên 3.000 khách làng trên, xóm dưới, để rồi thất thểu "bù lỗ" nhiều chục triệu đồng.
Ngày 25/10 vừa qua, chị Nguyễn Thị Hiền (Cát Quế, Hoài Đức, Hà Tây) làm đám cưới cho con trai. Nhà nghèo nên gia đình chỉ làm cỗ hạng xoàng, nhưng quanh cảnh chuẩn bị vẫn khiến người ở tỉnh khác về hoa mắt:
1 tạ giò chả được xếp kín một góc nhà, hơn 5 tạ thịt lợn chình ình giữa sân, 2 tạ su hào chất thành những đống cao ngất, 300 mớ rau cải; chưa kể hàng chục rổ lớn đựng xúp lơ, cà rốt, hành tây… Rồi còn gà, bò; vị chi hơn 7 tạ thịt các loại.
Trong sân, ngoài ngõ, một đội quân khoảng 40 người nhộn nhịp đi lại phục vụ đám cưới. Đây đều là bà con họ hàng, láng giềng đến giúp nhà chị Hiền, với nhiệm vụ nấu 500 mâm cỗ và phục vụ khoảng gần 3.000 thực khách.
Trong không khí nhộn nhịp của ngày vui, mặt chị Hiền buồn so. Chị tâm sự: “Ở quê, cưới xin vẫn còn nặng nề lắm. Nhà nào có tiền còn đỡ, không thì cố mà đi vay. Không có tiền thì dù con cái đến tuổi, vẫn phải lùi cưới lại vài năm”.
Ở xã này, không hiếm nhà "tụt hạng" kinh tế sau cưới con. Chị Lê Thị Oanh vừa từ hàng “trung lưu” xuống hàng... “tay trắng”. Chẳng là có mỗi cậu con trai độc nhất, anh chị quyết tổ chức cưới thật hoành tráng. Đã đi ăn cưới của cả làng, giờ cưới con mình, không mời đầy đủ thì “họ cười cho”. Thế là ngoài mời anh chị em thân thích, chị Oanh tính nhẩm, hàng xóm láng giềng lẫn khách khứa thập phương phải đến hơn 3.000 người.
Thế nhưng, 600 mâm cỗ cho hơn 3.000 khách mà chị tính vẫn là... cỗ thiếu! 7 con lợn được làm lông, pha thịt, mâm bát bày kín 20 nhà, nhiều khách vào vẫn phải ngồi chờ cỗ. Cả nhà phải đôn đáo vét thực phẩm chợ trên, chợ dưới, nấu vội thêm gần 100 mâm nữa, mới lấy được "tiếng thơm chu đáo" của làng trên xóm dưới.
Cỗ cưới ở Cát Quế, Hoài Đức, Hà Tây đôi khi còn là nơi thể hiện "đẳng cấp" gia đình. Anh Nguyễn Hữu Huân, làm cỗ cưới cho con, ngoài các loại thực phẩm như mọi nhà, còn đặt thêm 25 con lợn quay. Khách nào cũng hỉ hả, chỉ tội gia chủ mặt như mếu: “Nhiều mâm quá nên đành bày mỏng. Nếu làm dày thì còn chết tiền”.
Hội chứng... sợ cưới
"Nặng nợ" như vậy nên nhà nào ở Cát Quế cũng... sợ cưới.
Theo chị Hiền, chị Oanh, chi phí một đám cưới hàng thường ở xã này thường lên tới 60 triệu (ít nhất 400 mâm). Nhưng tiền mừng thu về chẳng đáng là bao. Các cụ già thì bỏ phong bì khoảng 10.000 đồng, gọi là... cho các cháu. Cả "đại gia đình" đến ăn cỗ cưới chỉ mừng 20 - 30 nghìn; hãn hữu lắm mới có người mừng 100 nghìn.
Chị Hiền vẫn buồn rầu khi nhắc lại món nợ cưới: "Tiền thu về không được bằng 1/3 tiền bỏ ra. Tôi đành đi vay nặng lãi với lãi suất 3,5%, rồi cứ lấy ô nọ đập ô kia. Chẳng biết bao giờ mới trả được tiền gốc, trong khi lãi mẹ đẻ lãi con”.
Còn chị Oanh, sau khi làm cỗ cưới 700 mâm, thu về vẻn vẹn gần 20 triệu đồng. "Khổ nỗi, bạn bè của con không mừng, chỉ đến ăn. Anh em hàng xóm đã bỏ việc nhà đến nấu cỗ giúp nên cũng không mừng. Gia đình nào “sang” thì mừng 2 chục" - chị than thở.
Tính sơ, nhà chị Oanh vừa phải "bù lỗ" 50 triệu đồng cho đám cưới, đủ làm chao đảo lâu dài cuộc sống kinh tế vốn ổn định của gia đình.
Không chỉ phụ huynh, thanh niên Cát Quế cũng nghĩ đến cưới là toát mồ hôi hột.
Thu Trang, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức Hà Nội, ngấp nghé tuổi “băm” nhưng vẫn chưa cưới. Nhà có 5 anh em, dưới Trang có hẳn 3 em không được học hành nên đều... cưới sớm. Sau mỗi đám cưới của các em, bố mẹ Trang lại lo sốt vó vì tiền. Trang trở thành người "kéo cày" trả nợ giúp gia đình, chẳng dám nghĩ đến bản thân.
Cùng xã quê Trang, đôi bạn Quân (kiến trúc sư) và Hằng (phóng viên tập sự báo địa phương), để quyết định đi đến cưới xin, đã phải chuẩn bị và tiết kiệm trong 4 năm trời.
Hằng tâm sự: “Chẳng ở đâu làm cỗ cưới to như ở quê mình, nhà nhiều lên tới 600 mâm. Tiền nợ sau cưới phải mấy chục triệu”.
Bao giờ hết "cưới... nợ"?
Cả xã Cát Quế, ai cũng thừa hiểu cái hay của việc cưới đơn giản, tiết kiệm (cả thời gian và tiền bạc) theo nếp sống mới, nhưng rất ít gia đình dám vượt qua dư luận làng xóm để cưới theo hình thức này.
Ông Nguyễn Trọng Long - Phó chủ tịch UBND xã, phụ trách văn hóa xã cho biết: “Chính quyền địa phương luôn cố gắng tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tổ chức cưới theo nếp sống mới. Từ đầu năm đến giờ đã có 4, 5 đám tổ chức theo nếp sống mới. Nhưng cưới xin rườm rà như hiện nay đã “ăn sâu” vào người dân từ bao năm nay. Nhiều đám cũng đã được cán bộ địa phương đến vận động nhưng vẫn tổ chức… hoành tráng".
Theo ông Long, để thay đổi thói quen lạc hậu này, cần rất nhiều thời gian.
Không biết đến bao giờ dân Cát Quế mới có thể dũng cảm vượt qua rào cản của thói quen - hủ tục, mạnh dạn tổ chức cưới đơn giản, tiết kiệm, để nạn "trả nợ miệng", đang gây bao nỗi khổ cho các gia đình, bị xoá bỏ vĩnh viễn?
Theo Đỗ Hợp
Vietnamnet