Chẳng lẽ đàn ông nào cũng có “máu dê” trong người?
Mỗi lần tôi kể về “sự tử tế của các anh, các chú” thì mẹ tôi lại bảo: “Cẩn thận nghe con. Đàn ông nào cũng có máu dê trong người”.
Tốt nghiệp đại học, tôi may mắn tìm được việc việc làm ngay nhờ mối quan hệ rộng của ba mẹ. Công ty tôi làm có môi trường làm việc rất tốt, mọi người thân thiện, cởi mở. Vì tôi nhỏ tuổi nhất nhưng làm được việc nên trong phòng ai cũng cưng chiều; nhất là các anh, các chú lớn tuổi.
Những ngày đầu mới đi làm, chiều về tôi hay kể cho mẹ nghe mọi chuyện ở công ty. Mẹ tôi chăm chú lắng nghe, góp ý cho tôi mọi chuyện từ cách đi đứng, nói năng và cả công việc chuyên môn.
Đặc biệt, mỗi lần tôi kể về “sự tử tế của các anh, các chú” thì bao giờ mẹ tôi cũng bảo: “Cẩn thận nghe con. Đàn ông nào cũng có máu dê trong người”. Tôi nghe riết rồi thấy mắc cười đến nỗi sau mỗi câu chuyện kể của mình, tôi tự nói luôn: “Phải coi chừng, đàn ông nào cũng có máu dê phải không mẹ?”. Mẹ tôi nghiêm mặt: “Mẹ nói thật chớ không có giỡn đâu”.
Tôi biết mẹ nói thật nhưng tôi nghĩ đàn ông cũng có người vầy, người khác chứ không phải “100% đều có máu dê” như mẹ tôi nhìn nhận. Thực tế là tôi vào làm việc đã hơn 2 năm mà các anh, các chú vẫn đối xử đàng hoàng; một số anh đôi khi đùa giỡn quá lố, có những cử chỉ như nắm tay, bá vai, đụng chạm mỗi khi có dịp vui đùa; thế nhưng tôi không nghĩ đó là hành vi quấy rối tình dục hay nói nôm na như mẹ tôi là “có máu dê” trong người. Tôi nghĩ đó chỉ là vui đùa mà thôi.
Suy nghĩ đó của tôi kéo dài cho đến cách nay 2 tuần. Hôm đó tôi được sếp trưởng phòng phân công đi công tác ở Nha Trang. Mới đầu, trong danh sách đi có 3 người nhưng vào giờ chót, chị đồng nghiệp dự kiến đi cùng có việc bận đột xuất, vậy là chỉ còn lại mình tôi với sếp.
Hai ngày đầu tiên ở Nha Trang không có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi làm xong mọi việc và tranh thủ ra đảo tham quan. Lúc ngồi trên thuyền, tôi thấy sếp bỗng quàng tay ngang eo mình. Tôi giật mình ngồi dịch ra xa. Lát sau sếp lại xích gần, khi nói chuyện, sếp kề sát, chạm cả vào mặt tôi. Lập tức, tôi nhớ tới lời mẹ dặn, vội quay mặt đi. Từ lúc đó, tôi bắt đầu dè chừng.
Buổi tối cuối cùng ở Nha Trang, tôi đi ngủ sớm và cài chặt cửa phòng. Khoảng 22 giờ, sếp gọi điện thoại. Mới đầu tôi không nghe. Sếp lại gọi. Đến lần thứ ba tôi mới bắt máy. Sếp nói lúc trưa đi nắng lại uống nhiều bia nên nhức đâu, nhờ tôi xuống lễ tân khách sạn xin thuốc.
Tôi bần thần giây lâu rồi cũng phải dậy thay quần áo đi xuống lễ tân tìm thuốc cho sếp. Có thuốc rồi, tôi lại tần ngần hồi lâu mới dám gõ cửa phòng sếp. Tôi định sẽ đứng ở cửa đưa thuốc rồi đi ngay nhưng sếp đã kéo tôi vào phòng. Chưa kịp hoàn hồn tôi đã bị sếp ôm chầm...
Ơn trời, cuối cùng tôi cũng thoát ra được và chạy về phòng mình. Đêm đó tôi gần như không ngủ, cũng không nghe điện thoại. Sáng ra tôi thấy cả chục cuộc gọi nhỡ của sếp... Tôi vô cùng bối rối, không biết sẽ đối diện với sếp thế nào...
Thế nhưng, trái với suy nghĩ của tôi, sếp vẫn tỉnh bơ. Ông nói rằng hôm qua uống hơi nhiều, nếu có gì quá lố, mong tôi bỏ qua. Sau đó, sếp vẫn nói cười, đùa giỡn bình thường như không có chuyện gì xảy ra.
Trở về Sài Gòn, tôi không dám nói với ai, kể cả mẹ về chuyện đã xảy ra trong chuyến công tác. Nhưng từ đó, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về những điều mẹ nói.
Tôi vốn xem sếp trưởng phòng như bậc cha chú, tôi kính nể cả về tuổi tác, chức vụ lẫn chuyên môn và nghĩ một người đáng kính như thế sẽ không bao giờ có những suy nghĩ, hành động suồng sã với nhân viên. Tôi đâu ngờ ông cũng chỉ là một người đàn ông tầm thường. Tôi thấy lấn cấn trong cách xử sự với ông và không còn tinh thần để làm việc như trước.
Chẳng lẽ “đàn ông nào cũng có máu dê trong người” như lời mẹ tôi nói? Nếu vậy thì tôi phải làm sao để sau này không còn lặp lại những điều như đã từng xảy ra? Hay là tôi phải nghỉ việc để đi tìm một nơi khác bình yên hơn? Mà có nơi nào thật sự bình yên không hay nơi nào cũng thế?
Theo Hải Yến
Người Lao Động