Chẳng ai muốn thành bà vợ cau có

(Dân trí) - Cuối tuần, những tưởng nhà mình sẽ đầy ắp tiếng cười vui, quây quần bên nhau cho thỏa những ngày bận rộn. Vậy mà, em mới chỉ góp ý với anh về việc tối qua, anh đã găng lên, bỏ đến nhà anh bạn nào đó như mọi lần.

 
Chẳng ai muốn thành bà vợ cau có - 1


Anh chị hàng xóm làm đầy năm cho con, em đã mua tặng bé bộ quần áo xinh xắn, sao anh phải mua cho cháu thêm bộ đồ chơi búp bê hiện đại làm gì. Tiền anh khác tiền em sao?

 

Món tiền để mua đồ chưa hẳn là quan trọng nhất, cốt lõi em muốn chỉ ra cho anh thấy rằng đó là sự vô lý hết sức buồn cười, do thiếu đồng thuận, bị chồng chéo giữa hai vợ chồng, khi đang ở chung một mái nhà. Song anh đã không hiểu và cho rằng anh có quyền tiêu tiền của mình tùy ý, rồi bỏ đi. Em chẳng rõ mình đã nói gì sai.

 

Em đã có một chiếc USB, thi thoảng mới dùng đến. Vậy mà anh cũng không chịu kém cạnh khi phải đi mượn vợ, nên mua một cái khác với lý do anh có tiền thì mua, đâu cần phải bàn với em. Rồi anh lại đòi sắm máy tính xách tay để tiện cho việc học tập, làm việc và cả thư giãn, vì anh suy bì, em có, cớ sao anh lại không?

 

Anh khiến em không thể bình tĩnh nổi. Anh thừa biết cái máy tính của em là chiếc “cần câu cơm” kia mà. Mọi báo cáo, mọi dữ liệu làm việc em đều để hết vào đó, tài liệu của công ty này thì không được để chung hay bị lẫn vào máy tính của công ty khác, đó là yêu cầu tối thiểu về bảo mật, vì làm thêm nên em mới cần thêm một chiếc nữa. Thế mà anh cũng tị nạnh và tất nhiên em đành chào thua.

 

Tiếp theo là anh đòi mua chiếc máy tập thể dục đa năng, được vài bữa thì anh chán, lại vứt xó, và giờ anh đang ao ước có một bộ đồ câu cá “xịn” cho bằng bạn bằng bè...

 

Em vốn không muốn chỉ trích, vì có nói thì anh lại tự ái. Nhưng anh xem lại anh đi. Vợ nói nhiều song đã tiếp thu được cái gì chưa? Chẳng ai ưa nặng lời làm gì, em cũng đâu muốn nhăn nhó, cáu giận suốt ngày. Vợ chồng đi miết, tối về lại cãi cọ thì thật chẳng ra sao. Song anh có biết, những mâu thuẫn lớn đều do được tích tụ, ứ đọng từ những xích mích vặt vãnh?

 

Đừng để quá sức chịu đựng khiến em thở dài và buộc mình phải buông tay đầu hàng. Em hi vọng anh hiểu cho những suy nghĩ có phần căn cơ, chặt chẽ của em, chỉ vì em thấy nó là lãng phí, không đáng, không nhất thiết phải có thì đâu cần phải cố mua, em thiết tha mong anh hãy cân nhắc cẩn thận hơn cho mỗi hành động của mình. Có gia đình rồi không thể sống cho riêng bản thân, cần biết nghĩ cho các thành viên khác nữa.

 

Rồi lại cả cái tính bất cẩn và chủ quan của anh. Em không thể chịu được cảnh đi làm về thấy cửa chỉ gài hờ không khóa, gẩy nhẹ là ra, anh thì không có ở nhà. Gọi điện mới hay: “Anh đi đánh cầu lông sớm một chút, biết em sắp về nên anh mới để sẵn cửa!”. Anh có hiểu “ba mươi sáu cái tiện thể” như anh nguy hiểm thế nào không?

 

Em có cảm giác, mình còng lưng đi làm, thậm chí mười tiếng đồng hồ mỗi ngày để mong gia đình không bị thiếu trước hụt sau đều là vô nghĩa. Dường như việc em cố gắng vun vén cho tổ ấm đều như dã tràng xe cát. Tỉ mẩn được một tí thì anh tiến đến vô tình hay hữu ý hắt cả đi. Tức vì công cốc thì ít mà ức cái thái độ vô trách nhiệm của anh thì nhiều.

 

Vợ chồng mình chưa đến mức khủng hoảng, cãi cọ nhau vì kinh tế khó khăn, nhưng ai dám đảm bảo sẽ không có một ngày mình rơi vào hoàn cảnh ấy? Vậy nên chẳng thừa khi biết lo xa.

 

Em đâu thể phủ nhận được những đức tính, những điểm mạnh của anh và dù anh có thói xấu em cũng sẽ cố gắng thích nghi, hòa hợp. Song em muốn có cả sự hợp tác từ phía anh. Một bờ chẳng thể làm nên dòng sông, mình em cố gắng phỏng ích gì?

 

Thảo Nguyên