Chăm vợ đẻ đêm giao thừa

Con gái! Vợ tôi nhắm mắt, ngả đầu xuống gối. Bà bác sĩ túm hai chân đứa bé dốc ngược.

Cả người nó trắng phớ như phủ một lớp phấn. Tiếng oe oe bật ra.

 

Bà bác sĩ lấy khăn mềm lau sạch mình mẩy cho nó rồi đặt nó lên cân. “Ba ký tư” - bà reo lên. Tôi mừng không thốt nên lời.
 

 

Chăm vợ đẻ đêm giao thừa - 1


Chuyện xảy ra cách đây đã vừa tròn ba chục năm. Hồi ấy vợ chồng tôi công tác mỗi người một nơi. Tôi làm việc ở Hà Nội, còn vợ tôi dạy học ở H. - một huyện miền biển của tỉnh N. Từ Hà Nội về cái trường cấp 3 nơi vợ tôi dạy học (và ở luôn tại đó) ngót 150 cây số.

 

Thời bấy giờ tàu xe đi lại rất khó khăn, mỗi lần về thăm vợ tôi vẫn thường phải đạp xe đạp. Một năm cũng chỉ về được một, hai lần, mỗi lần dăm ba ngày. Lần nào về thằng con đầu cũng lạ bố mất vài ngày, đến khi “quen hơi bén tiếng” được một chút thì bố lại “khăn gói” ra đi.

 

Khi vợ tôi chuẩn bị sinh đứa con thứ hai cũng là vào dịp cuối năm. Hai bên nội ngoại đều neo người, lại ở xa, không thể nhờ cậy được. Cuối năm công việc bộn bề, thế mà tôi phải xin nghỉ phép về nhà chăm vợ đẻ! Cơ quan thương tình, tìm đủ cách để tôi nghỉ thêm ít ngày.

 

Tôi căn lịch, về trước được dăm hôm. Buổi sáng ngày 30 Tết, tầm 9 giờ, vợ tôi có dấu hiệu chuyển dạ. Vội vàng soạn ra mấy thứ cần thiết cho vào túi xách, rồi hai vợ chồng dẫn nhau lững thững đi bộ ra nhà hộ sinh (cách trường khoảng một cây số). Ra đến nơi, vào phòng chờ, mới biết trong số những người đi chăm nom chỉ có mỗi mình tôi là đàn ông.

 

Trời lạnh, gió đông hiu hắt. Chị em mang bầu chờ sinh nhăn nhó nằm ngồi ngổn ngang. Có chị bò cả xuống đất ôm lấy chân giường. Cảm xúc của tôi lúc đó thật khó tả. Vừa ngượng ngùng, vừa thương cảm, vừa xót xa cho cảnh nghèo khó, thiếu thốn.

 

Nhìn những thoáng nhăn trên mặt vợ, biết là cô ấy đau lắm nhưng cố kìm nén để khỏi bật ra tiếng kêu rên. Những cơn đau dường như tăng dần. Đến tầm hai giờ chiều, đột nhiên cô ấy nhỏm dậy, giục: "Anh đi gọi bác sĩ cho em"! Tôi bổ nháo bổ nhào chạy xuống căn phòng ở gần đó, nơi bà bác sĩ đỡ đẻ đang nghỉ trưa. Cùng lúc ấy, mấy bà mấy chị đến trông người nhà đã nhanh nhảu bế thốc vợ tôi lên bàn đẻ.

 

Bà bác sĩ thấy tôi hớt hải bước vào, liền quát to trấn an: "Từ từ! Nhắng hết cả lên"! Nhưng khi lên đến phòng đẻ, thấy vợ tôi đã nằm trên bàn, bà phát hoảng, quay ra mắng sa sả: "Giời ạ! Ai cho lên mà đã lên? Sao dại dột thế? Lỡ đứa bé ra sớm, rơi tọt xuống đất thì sao, hả"? Mọi người biết lỗi im thin thít. Thôi, trăm sự nhờ bà. Bà ấy tiếng thế nhưng đỡ đẻ giỏi nhất ở đây đấy.

 

Bà bác sĩ đeo găng tay, bỏ tất cả dao kéo, dụng cụ ra một cái khay lớn rồi đổ cồn vào, xoè diêm. Ngọn lửa xanh loang loáng. Xong, bà quay ra vợ tôi: "Nào, cố lên tí nữa. Sắp ra rồi". Mọi người xung quanh không bỏ ra ngoài mà lại xúm vào xem. Tôi cũng đứng ngay bên, hồi hộp thắt tim, chả biết ngượng là gì. Vợ tôi gồng người, nín hơi hai, ba lần. Đến khi đứa bé ra hẳn, nằm gọn trên tay bà bác sĩ, cô ấy còn ngóc đầu lên nhìn...

 

Con gái! Vợ tôi nhắm mắt, ngả đầu xuống gối. Bà bác sĩ túm hai chân đứa bé dốc ngược. Cả người nó trắng phớ như phủ một lớp phấn. Tiếng oe oe bật ra. Bà bác sĩ lấy khăn mềm lau sạch mình mẩy cho nó rồi đặt nó lên cân. “Ba ký tư” – bà reo lên. Tôi mừng không thốt nên lời.

 

Nhưng phải nhanh tay làm nốt công việc của mình đã. Đầu tiên là bế vợ về giường nằm. Chuyện nhỏ! Lúc này thừa sức thẳng lưng bế cô ấy đi cùng trời cuối đất... Một chị ẵm giùm đứa bé đưa lại cho mẹ nó. Để hai mẹ con nằm yên vị, tôi đi xách mấy xô nước về làm vệ sinh cái sàn nhà lát xi-măng của phòng đẻ. Xong, chạy băng băng về nhà nấu cơm cho thằng con đầu ba tuổi ăn.

 

Lại băng băng xách cặp lồng ra quán phở phố huyện mua cho vợ bát phở. Dọc đường nhớ tạt vào chợ kiếm quả chanh, mấy lát cam thảo, một chén con mật ong... Đêm hôm ấy, trong nhà hộ sinh chỉ có hai vợ chồng tôi và đứa con mới sinh chưa đầy một ngày tuổi. Những người chưa đẻ, gia đình tranh thủ xin về đón giao thừa ở nhà.

 

Cả ngày chạy đi chạy lại, tôi ngả lưng trên chiếc giường bên cạnh, định nghỉ một lát, không ngờ thiếp đi lúc nào không hay. Chỉ đến khi nghe tiếng con gái oe oe khóc đòi bú, tôi mới giật mình tỉnh dậy. Bên ngoài pháo nổ ran, năm mới đã sang từ lúc nào.

 

Sáng mùng 1 Tết, tôi chuẩn bị chiếc võng, lồng hai đầu vào thân một cây tre dài, nhờ anh bạn giáo viên thân quen cùng trường đi đón hai mẹ con cô ấy.

 

Vợ tôi ở nhà tập thể trong trường. Võng vợ con tôi có thằng con trai ba tuổi "hộ tống", về đến sân trường anh chị em đồng nghiệp ùa ra chia vui với chúng tôi. Có người còn chu đáo chuẩn bị bao lì xì cho con gái của chúng tôi mới được một ngày tuổi!

 

Tôi ở lại trường để chăm vợ con hơn mười ngày nữa. Ngày nào cũng chợ búa cơm nước cho cả nhà. Ngày nào cũng một chậu chất ngất quần áo, tã lót của mấy mẹ con. Thấy tôi khệ nệ mang đồ đi giặt ngoài giếng, mấy bà cụ ở quê đến bế con cho các cô giáo cũng phải lắc đầu: "Chưa thấy có bác đàn ông nào như cái nhà bác này"!

 

Nhưng tôi không thấy khổ, không thấy mệt. Tất cả đến với tôi thật tự nhiên, và tôi cũng đón nhận một cách vui vẻ, nhẹ nhõm. Hơn thế, tôi hạnh phúc. Làm sao bạn không cảm thấy hạnh phúc, mỗi khi xong công việc, vào nhà khe khẽ vạch màn ra và nhìn thấy đứa con gái bé bỏng, kháu khỉnh đã bú no và đang ngủ say trong vòng tay âu yếm của mẹ nó?

Sau này, khi hai đứa con tôi trưởng thành, chỉ duy có câu chuyện này mỗi khi tôi kể lại là chúng không chê "xưa", không chê ông khốt “khoái kể chuyện đời xưa"! Cả hai đứa đều có vẻ thích nghe, nhất là con gái tôi...

 

Theo Phụ nữ thủ đô