Bố chồng tôi
(Dân trí) - Mẹ chồng con dâu thường được mọi người nói đến nhiều chứ bố chồng con dâu lại ít ai nhắc tới. Đối với tôi, những kỷ niêm với bố chồng - cố giáo sư Đinh Xuân Lâm thật đặc biệt và đáng quý. Thỉnh thoảng tôi vẫn thường nói đùa với chồng mình: “ em tìm hiểu về ông trước cả tìm hiểu về anh đấy”.
Mà đúng thế thật, thời đầu tiên khi mới quen nhau tại Budapest, do chênh lệch về tuổi tác và công việc, tôi hầu như chẳng có chút thông tin nào về “ đối tượng” cả, trong khi bấm máy tính và xem trên báo trí lại đầy rẫy những thông tin về giáo sư, Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm - một trong những “tứ trụ” của nghiên cứu sử Việt nam. Những bài viết về ông đã đánh thức trí tò mò lớn trong tôi.
Vốn dĩ là học sinh “ dưới mái trường XHCN” , những kiến thức về môn lịch sử đối vơí tôi rất mơ hồ và khô khan gói gọn trong những con số về ngày tháng, những lần chiến tranh chống giặc xâm lược giết được bao nhiêu lính, bắn được bao nhiêu chiếc xe tăng và máy bay….Tóm lại tôi không thể hiểu nổi tại sao mình lại tốt nghiệp được cấp ba mà chẳng nhớ gì về lịch sử Việt nam lẫn lịch sử thế giới- một môn học mà đối với phần lớn các học sinh thời đó coi là “môn phụ” . Sau này khi đi học ở nước ngoài tôi mới biết lịch sử được đánh giá như “ kiến thức cơ bản”. Sau nhiều lần đã phải nếm trải cảm giác ngượng chín người vì những thiểu hụt trong kiến thức lịch sử của mình, tôi mới thấy trân trọng hơn những người làm nghiên cứu bộ môn này . Khi tiếp xúc với ông Lâm, tôi thấy mình thật nhỏ bé. Ông không bao giờ nói to, nhưng giọng phát âm rất chuẩn, thong thả, dễ nghe. Ngồi cạnh ông cứ như được truyền thêm năng lượng qua những câu chuyện hấp dẫn, vui vẻ mà lại luôn có tính triết lý. Ngay cả khi khen hay chê ai, ông cũng có cách nói để người nghe không thấy quá gay gắt khó chịu.
Do từng trải trong cuộc sống, bất kể một chủ đề gì ông cũng có thể “ lôi ra trong ký ức” những kỷ niệm gắn liền. Một ví dụ nhỏ như khi ông nhắc tôi nhớ đắp chăn cho con khi ngủ, ông kể thầy giáo của ông thời ông học ở Thanh Hoá dặn trò : “ Một: ra đường mà thấy đám tang bao giờ cũng phải dừng lại ngả mũ chào. Hai: Khi đi ngủ bao giờ cũng phải đắp chăn ngang bụng kể cả mùa hè cũng cần cái khăn mỏng che phần rốn ” . Tôi cứ buồn cười bảo ông “ sao thầy của ông dậy những thứ lạ thế, thầy đáng nhẽ chỉ dậy chữ cho trò thôi chứ? “ .Ông lại lắc lắc cái đầu: “ bậy nào, thầy thời xưa là phải dậy trò tất cả mọi thứ từ kiến thức đến cách sống, cách cư xử” . Thật quá khác so với những quan niệm cũ của tôi.
Dẫu đã được biết qua về “ hoàn cảnh gia đình khó khăn” của phía nhà chồng,tôi vẫn không thể hình dung nổi cuộc sống của ông. Bà do một căn bệnh tâm lý nên sống tách biệt trong một thế giới riêng của bà, nơi mà mọi sự kiện về không gian thời gian đã dừng lại từ nhiều năm trước. Ông Lâm sống có vợ mà cũng như không hàng chục năm, ít có được sự chăm sóc của gia đình người thân. May mà công việc giảng dậy nghiên cứu hướng dẫn sinh viên, tham gia hội thảo, viết báo viết sách của ông chẳng ràng buộc về mặt tuổi tác. Ngay cả sau khi về hưu hàng ngày ông vẫn đều đều đi làm đi dậy, tham gia các hoạt động về mặt sử học trong khả năng của mình. Lại được ông Trời phú cho một sức khoẻ dẻo dai, ngay cả những lúc trên 80 tuổi ông vẫn còn rất phong độ: đi lại thoăn thoắt, nói năng mạch lạc, nhớ các dữ liệu không sai một chi tiết nào.
Ảnh chụp Giáo sư , NGND Đinh Xuân Lâm cùng với ông bà thông gia Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh tại Roma 2009
Lúc chúng tôi tổ chức đám cưới tại Hà nội, ông Lâm rất vui, hãnh diện mời tất cả bạn bè thân hữu của ông. Nhìn những mái đầu bạc trắng mừng rỡ ôm nhau, cười nói rôm rả, nâng chén cụng ly, bông đùa kiểu “ có học “ tôi cũng thấy vui theo. Có lẽ tình cảm bạn già, đồng nghiệp như của ông với các giáo sư Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê…trải qua hơn cả nửa thế kỷ không phải trên đời ai cũng có. Thời trẻ ông đẹp trai lại lịch lãm ăn nói có duyên nên chắc hẳn chiếm được nhiều cảm tình của phái nữ. Mấy bà cô họ hàng của bố tôi giờ đã con đàn cháu đống cả rồi mà mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm thời còn là nữ sinh trường Đồng Khánh- Huế, mắt vẫn sáng long lanh miệng cười tủm tỉm “ ôi, anh Đinh Xuân Lâm thì ai chẳng biết!” . Không hiểu do ảnh hưởng của phong cách người Huế ít muốn thay đổi hay do hoàn cảnh xã hội mà ông Lâm cam chịu hoàn cảnh gia đình của mình. Mỗi lần bị gặng hỏi về những “mối tình” của ông, ông chỉ khẽ lắc lắc cái đầu, cười mỉm rồi trầm ngâm như nhớ lại một điều gì đẹp đã trôi qua. Bù lại, ông được rất nhiều thế hệ học trò yêu quý ông như một bậc cha già, thường xuyên đến đón mời ông đi ăn chỗ này chỗ nọ.
Hiếm hoi có dịp vợ chồng tôi đưa được ông đi chơi. Đợt đi Cămpuchia và Myanmar trời nóng nhưng bao giờ ông cũng mặc áo sơ mi dài tay cài kín cổ, chân đi tất đi giầy. Đi tới đâu ông cũng thích hỏi chuyện và về ghi chép lại. Do thói quen phải tự làm lấy mọi thứ, ông thật cảm động nếu đươc tôi chăm sóc, từ những cái rất nhỏ như giúp ông đi và tháo giầy hay đưa cho ông cái khăn mặt ướt lau mồ hôi. Tôi hay đi cùng để giúp ông và nói chuyện với ông nên đến tận mấy ngày cuối cô hướng dẫn viên vẫn tưởng tôi là con gái của ông. Khi được biết tôi chỉ là con dâu, cô ta bảo “ số ông thật may mắn vì có con dâu thế này”. Nhưng với nụ cười hóm hỉnh sẵn có, ông đối đáp lại ngay “ có được con cá to nhưng nó lại bơi ở biển cơ chứ có ở ao nhà đâu mà tôi được hưởng .
Trong hai lần sang Hungary ngắn ngày thăm cháu, chồng tôi kết hợp đưa ông sang Pháp thăm họ hàng và gặp gỡ vài ông giáo sư quen biết từ thời xưa. Tôi để ý thấy ông nói tiếng Pháp rất hay và mặc dù chẳng sống ở Paris ngày nào, ông biết khá tường tận về những danh lam thắng cảnh cũng như các di tích lịch sử ở Paris. Thấy tôi ngạc nhiên, ông giải thích thời đi học trường Pháp ở Việt nam, họ dậy theo giáo trình của Pháp nên trò nào cũng phải biết hết. Chẳng biết thời xưa nhà trường có kiểu dậy gì mà hàng mấy chục năm sau trò vẫn nhớ được mới tài. Khi nghe tin ông ở Budapest, sứ quán Vietnam và một số bạn bè yêu thích văn học lịch sử mời ông giao lưu nói chuyện, ông rất nhiệt tình nhận lời. Hễ có chút thời gian rỗi dãi ông lại ngồi xuống bàn ghi chép, đọc sách đọc báo. Tôi còn nhớ ông viết cảm nhận cho tờ báo “ Nhịp cầu thế giới” của người Việt tại Hungary với nét chữ hơi ngiêng, đều đặn, thẳng tắp. Rượu vang Hungary cũng được ông khen ngon. Một bác quen sau khi mời ông tới nhà ăn cơm đã phải thốt lên : “ Xin bái phục ông Lâm cả về khối lượng kiến thức lẫn tửu lượng rượu vang! “
Mấy năm cuối ở tuổi xấp xỉ 90, nhất là sau một lần bị ngã, sức khoẻ ông suy sụp nhanh chóng. Chỉ đến lúc đó vợ chồng tôi mới thấm thía sự nuối tiếc không được sống gần ông. Cũng đã có lần cách đó vài năm, tôi có ý định về sống ở Việt nam với ông một thời gian dài, để vừa chăm sóc ông và để vừa giúp ông ghi lại tất cả những kỷ niệm trong đời mình như một quyển hồi ký hoàn chỉnh. Nhưng rồi cứ dùng dằng chuyện thu xếp công việc, con cái mà cuối cùng kế hoạch đó cũng chẳng làm được. Những lúc ngồi trong bệnh viện, ngắm gương mặt hốc hác điểm vài nụ cười mỏi mệt của ông, tôi biết chẳng có gì níu kéo lại được một con thuyền sắp rời bến trôi đi.
Năm ngoái, trước khi chia tay tôi, ông nói: “Lần tới con về có khi ông không còn nữa”. Tôi nhớ lúc đó mình oà khóc ôm lấy ông “ không, ông nhất định phải chờ con lại về thăm ông nhé! “. Ông chỉ vỗ vỗ nhè nhẹ lên tay tôi như thầm hứa điều gì. Và ông ra đi đúng một ngày sau khi tôi về lại thăm ông lần cuối… Chẳng biết khi những con thuyền ra đi có còn để lại dấu ấn gì, nhưng những giá trị về phẩm chất và tình cảm ông để lại trong lòng tôi và nhiều người khác chắn chắn sẽ còn mãi.
Bác sĩ Đặng Phương Lan
(Budapest 2017.03.12)