Bị mẹ chồng chì chiết vì không có của hồi môn

24 tuổi, chị Hoa (Tứ Kỳ, Hải Dương) đi lấy chồng. Ngày đó, ai cũng mừng cho chị bởi một cô gái tỉnh lẻ quê mùa chân chất mới ra trường chưa xin được việc làm lại lấy một anh chàng cao ráo đẹp trai, công việc ổn định, lại là trai thành phố.


Bị mẹ chồng chì chiết vì không có của hồi môn



Những ngày đầu làm dâu, chị còn được mẹ chồng đon đả và yêu quý lắm. Bà chạy đôn chạy đáo mọi nơi để lo cho chị một công việc ổn định và biên chế nhà nước. Thế nhưng, khi công việc đã ổn, bà mới gọi chị vào dò hỏi số tiền của hai vợ chồng… “Thế là từ đó, những mâu thuẫn bắt đầu nổ ra, lúc âm ỉ, lúc mãnh liệt khiến tôi quay cuồng trong khổ sở” - Chị Hoa nhớ lại.

Nghĩ mẹ chồng gần gũi, nên tôi không giấu giếm bà bất cứ điều gì mà tâm sự hết ruột hết gan. Tôi bảo: “Bố mẹ con nghèo. Dưới con còn hai em cũng đang học đại học, đứa năm thứ ba, đứa năm đầu, nên lúc đi lấy chồng, quả thật mẹ con cũng bảo cho cái kiềng 5 chỉ gọi là của hồi môn nhưng con kiên quyết không lấy. Bởi đeo trên người vàng bạc mà để bố mẹ còng lưng gánh nợ thì con không đành lòng được. Xe máy mẹ mua cho, con cũng không mang theo vì muốn để lại làm phương tiện cho em khi nó ra trường. Con đi lấy chồng rồi, không muốn là gánh nặng cho bố mẹ nữa”.

Không ngờ sau lần tâm sự ấy, bà thay đổi thái độ với tôi ra mặt. “Ngày cơm lành canh ngọt thì không sao chứ cứ hễ làm phật ý là bà lại đem chuyện của hồi môn ra để mà kể lể. Đã vậy, lúc cả nhà bàn bạc chuyện gia đình, bà còn chỉ vào mặt tôi mà tuyên bố thẳng thừng: “Không đem được gì đến nhà này, thì không được phép lên tiếng ở đây”.

Ở nhà có 2 cô con dâu, nên bà thường so sánh tôi với chị dâu về chuyện tiền bạc.

Chị ấy con nhà khá giả, bố mẹ công nhân viên chức hết. Sướng từ trứng sướng ra. Lấy chồng, chị ấy mang về nhà chồng nào vàng bạc, nào đất đai, nào xe cộ. Nhưng tất cả những cái đó, vợ chồng chị ấy hưởng chứ có cho chúng tôi đâu.

Hai vợ chồng anh chị ấy ở xa, cách nhà mẹ chừng 50km. Thỉnh thoảng mới về thăm mẹ một lần. Mỗi lần về lại mua cho mẹ chồng tôi nay cái này, cái khác. Bà lấy làm hỉ hả vui mừng lắm. Đi đâu cũng khoe, trong khi vợ chồng tôi ở cùng, mỗi lần bà ốm đau, vợ chồng tôi cơm bưng nước rót, nâng giấc cho bà từng li từng tý, bà vẫn không hài lòng.

Ngày cưới cô em gái út của chồng, bà bắt vợ chồng tôi lo cỗ bàn, đình đám và hồi môn cho cô ấy. Bà bảo “Con gái lớn đi lấy chồng, phải có hồi môn cho nó. Tao mua cho nó cái xe ga rồi, cho nó ăn học rồi, giờ tao cho nó một cây nữa. Chúng mày là các anh trai của nó, cho em vài chỉ làm của hồi môn. Nay mai vợ chồng nó có làm nhà thì cho em nó một ít. Con gái đi lấy chồng mà bố mẹ anh chị em không cho cái gì nó tủi thân, gia đình chồng nó khinh cho… Nói rồi, liếc mắt nhìn tôi như thể muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Tôi uất ức lắm mà không biết phải làm sao.

Tâm sự với chồng thì chồng không những động viên vợ mà còn cho rằng đàn bà lắm chuyện, hay suy nghĩ linh tinh, rồi gạt phắt đi. Từ đó, tôi không còn muốn tâm sự nữa. Những lúc ấm ức quá, chỉ biết ôm con khóc một mình. Lâu dần, những sự ấm ức kìm nén không thể giãi bày đã khiến tôi trở nên lầm lì ít nói hẳn đi. Thậm chí có những thời gian tôi còn rơi vào trạng thái trầm cảm nặng phải nhập viện. Vậy mà, khi trở về, bà vẫn chứng nào tật nấy!

Theo Thanh Hoa
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm