Góc tâm hồn

Bên cánh đồng xanh non

(Dân trí) - Những năm học đại học, tranh thủ lúc nghỉ ôn thi học kỳ là bạn tôi đạp xe về quê cùng gia đình gặt lúa. Sau khoảng một tuần trở lại thành phố với bạn bè, ngồi vào bàn và cày sách, cày vở cho đến lúc thi.

Hình ảnh bạn với vầng trán một nửa trắng và một nửa đỏ do nắng cháy cứ ám ảnh tôi. Cái vết nám của bạn do nắng mà chiếc nón không che hết đã làm cho những người không làm nông phải mường tượng về một không gian vất vả mà mỗi con người chân lấm tay bùn phải gánh chịu.

Quê tôi lúc đó cũng vào mùa lúa mà tôi như một kẻ ngoài cuộc. Mọi việc lớn nhỏ từ ruộng vườn cho đến bếp núc đều một tay ba mạ đảm đương.

Bên cánh đồng xanh non



Nhớ những mùa gặt thời chưa xa. Cả nhà phải huy động tổng lực để gặt cho kịp. Nhà nhà đều gặt, chẳng ai làm thay cho ai. Tháng năm nắng như rang. Ông bà, ba mạ phải dậy từ 4 giờ sáng, ăn uống chuẩn bị để lên đồng gặt. Gặt cho đến 9 giờ sáng là về nhà nghỉ ngơi. Đó là cách trốn cái nắng như đổ lửa của dải đất miền Trung. Buổi chiều 4 giờ mới bắt tay vào gặt cho đến lúc khuya mới về. Gặt ban đêm trời mát rượi, có trăng sáng như một đặc ân của đất trời đúng vào mùa gặt. Bà ngoại tôi là người không phải lên đồng mà ở nhà nội trợ lo cơm nước cho cả nhà. Mỗi lần đến bữa ăn dặm giữa giờ (khoảng 7 giờ sáng hay 6 giờ chiều) là bà cho ăn chè đậu đen. Thứ chè nấu với đường bánh đen xì mà ngọt kỳ lạ. Mỗi lúc thấy bụng đói và thèm chè là anh em tôi cứ đợi chiếc nón lá của bà nhấp nhô trên con đường cái dẫn ra đồng.

Mạ tôi thường đi nhặt những cành lúa rơi để gom lại. Mạ bảo cả năm chăm nom giờ có hạt rồi mà không đem hết về nhà thì tiếc lắm. Nghe mạ nói tôi nghĩ về từng thớ đất rồi đến những hạt lúa, đó là cả một công trình mà chỉ những người đổ mồ hôi xuống đồng mới thấu hiểu. Để rồi những hạt lúa như thế trải ra khắp đất nước, len lỏi vào từng ngôi nhà làm thành những bát cơm đầm ấm. Và đâu chỉ có thế, những hạt lúa từ những bãi bùn, sình lầy đó có khi qua tận bên kia đại dương để phục vụ những con người của bao nhiêu màu da.

Đó là cái thời còn ở làng. Giờ đi học thì công việc đó không được làm nữa. Ba mạ như sợ những con người được học hành như chúng tôi bắt tay vào những việc đó sẽ đánh rơi hết chữ nghĩa trên đồng. Vậy nên mỗi lúc về nhà đúng mùa cày bừa, nài nỉ lắm ba mới cho trèo lên chiếc máy cày lòng vòng. Có chiếc máy cày con người giảm thiểu được những vất vả, rút ngắn thời gian nhưng cái kiếp nhà nông thì vẫn thế: quanh năm cái gì cũng đợi nơi hạt gạo. Mà gạo thì giá thấp, chỉ những tay mua đi bán lại mới có đồng ra đồng vào. Và như thế, mất mùa thì đói nhưng được mùa thì chẳng được lợi là bao. Cha ông bảo phi thương bất phú nghiệm ra chẳng sai tý nào.

Bây giờ về quê không còn cảnh gặt chạy như hồi xưa. Máy móc liên hợp làm dịch vụ đến tận từng nhà. Nông thôn mới vắng đi những con trâu, cái cày bừa và những chiếc máy truốt lúa đạp bằng chân. Quảng đường từ cánh đồng đến nhà không còn xa mấy vì lúa chẳng phải gánh, đôi vai như thế cũng hết dần chai sạn.

Nhưng trên những nét mặt của bà con nhà nông, đâu đó còn những nếp nhăn, vết chân chim mà không phải do tuổi tác. Đó là những nếp nhăn của lo toan thiên tai dịch bệnh sẽ giáng xuống thành quả của họ. Buồn vui, lo toan và nhàn hạ cứ như cột rơm khô trong vườn mỗi nhà, đầy rồi lại vơi theo mùa vụ.

Nhịp sống cứ vậy, như thoi đưa đến lúc người nọ đưa người kia ra đồng, ngủ giấc ngủ vĩnh hằng bên những thửa ruộng xanh non dài mãi đến vô cùng.

Yên Mã Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm