Bà nội giành cháu ngày hè, con nói mấy câu khiến tôi choáng váng
(Dân trí) - Hè tới, mẹ chồng liên tục gọi điện bảo vợ chồng tôi đưa cháu về quê để bà chăm sóc. Dù không muốn, tôi vẫn phải làm theo vì sợ chồng phật ý, mẹ chồng không hài lòng.
Mỗi năm đến dịp hè, tôi đều có ý định gửi cháu về bà ngoại. Không phải vì tôi không tin tưởng bà nội, mà vì biết ông bà bận công việc cửa hàng nên không muốn phiền ông bà. Vả lại, ở nhà ông bà có ao, dù đã rào chắn kỹ càng, tôi vẫn không yên tâm.
Tôi chỉ thích cho con về ngoại vì mẹ tôi là giáo viên về hưu, có thời gian ở nhà cả ngày chăm cháu. Gửi con cho mẹ, tôi có muốn con ăn gì, nhờ vả mẹ làm những việc theo ý mình cũng tiện hơn. Còn mẹ chồng, muốn nhờ tôi cũng phải khéo léo, lựa lời nhưng chưa chắc mẹ đã làm theo.
Nhưng hè năm nay, dù tôi đã lên kế hoạch cho con về ngoại, mẹ chồng vẫn một mực không chịu. Bà gọi cho tôi không được thì gọi cho con trai, yêu cầu chúng tôi phải đưa cháu về nhà bà chăm.
Bà muốn có công chăm sóc các cháu ngày hè, càng muốn thể hiện với hàng xóm là mình được các cháu quý mến. Điều quan trọng là bà muốn thể hiện với gia đình nhà ngoại, muốn giành quyền, ra oai với thông gia. Và hơn hết, bà không muốn tôi được toại nguyện.
Cãi nhau nhiều ngày, cuối cùng người "xuống nước" là tôi. Tôi đành phải cho hai đứa con về với ông bà nội. Ngày nào tôi cũng gọi điện về hỏi han tình hình khiến bà khó chịu. Ban đầu, mẹ chồng còn nghe nhưng sau đó, tôi gọi mải miết, mẹ cũng không nghe máy.
Mẹ gọi lên mắng tôi: "Ở nhà với ông bà nội cô còn không yên tâm à mà gọi kiểm tra suốt ngày. Cháu tôi, tôi không lo thì ai lo?".
Tất nhiên không phải tôi không yên tâm mà tôi muốn mình phải trách nhiệm, không thể bỏ bê con cái cho ông bà là xong. Nhưng mẹ chồng lại không nghĩ như vậy. Tôi bảo bà mua món này, món kia cho cháu ăn thì bà khó chịu ra mặt. Mẹ chồng không thích tôi chỉ đạo bà.
Biết ý nên bẵng đi hai tuần tôi không gọi điện hỏi han con cái. Ngày tôi và chồng về chơi, thấy con gầy rộc đi, người đen nhẻm, tôi xót ruột vô cùng. Đứa nào đứa nấy nhìn thấy mẹ thì khóc tu tu, kể bà không cho gọi điện cho mẹ. Con gái út khóc lóc vì không có gì chơi, chỉ quanh quẩn trong nhà.
Hỏi con sao không đi chơi với bà, theo bà sang hàng xóm thì con kể, ở nhà bà bắt xem tivi cả ngày, không cho ra ngoài. Cứ hễ muốn ra đồng chơi thì bà cấm, bảo ở đó bẩn và bà không có sức đưa đi.
Ban ngày, bà ra cửa hàng nhưng không cho các cháu đi theo vì sợ ra đó quấy rối, bà không làm được việc. Chúng lại được bà vứt cho mỗi đứa một cái điện thoại, ngồi xem đến mỏi mắt.
Tối nào bà cũng đi tập văn nghệ với mấy cô trong xóm, không cho các cháu đi cùng. Thế là hai đứa cứ ở nhà tự chơi, tự xem tivi. Bố chồng tôi thì khái tính và cũng yếu, đi ngủ từ 8h tối, không thể trông cháu.
Nghe các con nói, tôi xót hết cả ruột. Trong lòng bốc lên lửa giận, tôi lên phòng nói thẳng mọi chuyện với mẹ chồng. Lúc này, bà mới giải thích rằng, trẻ con ở nhà là an toàn nhất, cho ra ngoài lại mắt trước mắt sau đã chạy mất. Đi đâu bà cũng khóa cửa, bắt hai đứa ở trong nhà.
Thấy mẹ chồng nói vậy, tôi lập tức nổi giận. Hai đứa trẻ trong nhà, nhỡ có hỏa hoạn thì hậu quả sẽ thế nào?
Tôi bức xúc nói với mẹ chồng: "Mẹ đã không trông được các cháu thì mẹ nhận các cháu về nhà làm gì ạ? Con tưởng các cháu về quê là có môi trường chạy nhảy, chứ ở nhà xem tivi, điện thoại cả ngày, thà con cho chúng lên thành phố.
Từ hôm nay, con đón các cháu lên và năm sau con cũng không cho các cháu về quê nội nữa. Con mong mẹ thông cảm. Mẹ thương các cháu thì mẹ lên chơi với chúng vài ngày, gác lại công việc. Mẹ đừng giành cháu với bà ngoại rồi lại để cháu thế này, con không chịu nổi".
Hôm đó, tôi vô cùng giận mẹ chồng, giận luôn sang chồng. Chồng cũng hiểu mẹ hơi quá đáng nên "xuống nước" với tôi. Quả thực, tôi không hiểu nổi tại sao mẹ chồng lại ích kỷ như vậy. Thật may tôi phát hiện kịp, nếu không con tôi sẽ có một mùa hè ám ảnh.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.