Ấm ức với mẹ chồng tương lai, "xả" với bạn trai lại càng thêm chán
(Dân trí) - Trên một diễn đàn, cô gái sắp kết hôn chia sẻ về mối quan hệ giữa mình và mẹ chồng tương lai, cùng cả người mà cô sắp lấy. Sự việc khiến cô phải suy nghĩ nhiều và cảm thấy rất khó xử.
Cô gái viết như sau:
"Mình 24 tuổi, người yêu mình 33, cả hai yêu nhau được gần 1 năm và xác định tháng 9 năm nay cưới. Mới đầu mọi thứ rất đẹp, rất vui vẻ và sau đó thì mọi chuyện bắt đầu.
Mẹ anh tiết kiệm, hay soi xét và để ý từng câu từng chữ. Có 1 lần duy nhất mình sắp về, đến sân mình mới chào. Sau đó bác cứ nói đi nói lại mãi chuyện đó. Cứ gặp là bác lại nói, nếu như nói vấn đề đó ít thì không sao nhưng nói quá nhiều, nhắc đi nhắc lại khiến mình khó chịu.
Thức ăn thì bác mời con dâu tương lai ăn "đồ cũ". Mình từng ăn và chiều phải mua thuốc gấp.
Có lần mình mua 3 cốc chè sang cho bác ăn giải nhiệt thì bác bảo hoang phí, như thế sau này chồng con ăn gì.
Mình có nói chuyện với anh. Anh ấy bảo thủ và nghe mẹ, luôn cho rằng mình sai. Anh nói mình thế này thế nọ: "Tiết kiệm cho em chứ cho ai".
Hai gia đình cũng đã qua lại rồi mà tính người yêu với mẹ anh ấy như thế này, mình khó xử quá".
Chia sẻ vấn đề với mình giữa mẹ chồng tương lai cùng bạn trai mong tìm cách tháo gỡ, và mong anh có thể góp ý được với mẹ, nhưng những lời cô gái nhận được chỉ là sự bênh vực đối với mẹ và chỉ trích bạn gái của người bạn trai. Anh này chỉ có một chủ ý rằng hai người "không hợp nhau", "chưa hiểu nhau", "chưa cưới còn thế này thì cưới về sẽ thế nào nữa", "thấy mệt mỏi", "thôi em ăn cơm đi anh ăn đây"...
Trong đoạn chat được công khai lên mạng xã hội giữa hai người, cô gái nói rất nhiều, gọi bạn trai bằng các từ ngữ như "trẻ con", "không bao giờ nhận ra sai, không biết mình muốn gì", "hèn lắm", "chỉ biết mình, chỉ biết mẹ thôi", và phân tích, rao giảng về ứng xử cho bạn trai: "như người ta" phải thế này, "đằng này" anh lại thế này...
Các chuyên gia về hôn nhân gia đình cho rằng trong câu chuyện này, yếu tố mẹ chồng tương lai tiết kiệm quá mức dẫn đến xung đột với con dâu tương lai là một yếu tố nhỏ, nếu khéo léo ứng xử thì vẫn "chữa" được, vấn đề giữa cô gái với người yêu mới là chuyện lớn.
Đàn ông sợ nhất lấy về một người vợ lắm lời, thích rao giảng cuộc sống, dạy chồng phải thế này thế kia, chưa gì đã muốn... làm mẹ anh ta. Có thể thấy người bạn trai 33 tuổi đã sớm nhìn thấy những xung đột khó tránh khỏi giữa mẹ và vợ tương lai từ tính cách của hai người, cũng như việc vợ tương lai của mình không thể khéo léo xử lý mọi việc nên có ý "muốn rút lui".
Lo lắng "chưa cưới còn thế này không biết cưới rồi còn thế nào" của anh ta không phải là không có cơ sở khi cô bạn gái nói quá nhiều, nâng tầm quan điểm từ một chuyện không lớn, muốn bạn trai bênh mình, nhận mẹ sai trong khi trong nóng giận thúc ép chồng bênh vợ - chỉ trích mẹ là một điều tối kỵ nếu muốn gia đình êm ấm.
Nhiều người cho rằng cô gái rõ ràng đã bộc lộ những điểm không hòa hợp với nhà chồng tương lai, lại không nhận được sự đồng thuận từ người mình sẽ lấy làm chồng thế này thì tốt nhất nên giải tán, không nên chỉ vì hai nhà đã qua lại rồi mà cố làm đám cưới.
Bản thân cô nếu vẫn yêu và muốn kết hôn với người bạn trai thì cần biết sửa lại cách ứng xử cho khéo léo hơn. Dù với người đàn ông nào cũng vậy, đặt mình vào vị trí của anh ta ở giữa để hiểu, cảm thông và có giải pháp mềm mại hơn mới mong đạt được những gì mình mong đợi.
Về phần người bạn trai, "nếu yêu thì tìm cách, hết yêu sẽ tìm lý do", chiểu theo nguyên lý này thì có thể thấy người bạn trai không còn yêu thương cô nhiều đủ để sẽ thấu hiểu và cùng cô vượt qua mọi khó khăn nếu bắt đầu cuộc sống hôn nhân nữa. Kết hôn hay không, cô gái nên bình tĩnh và sáng suốt đưa ra quyết định đúng cho mình.