Tranh cãi về áp thuế tự vệ nhập khẩu thép
Việc áp dụng thuế tự vệ theo quy định mới của Bộ Công Thương với mặt hàng phôi thép đang gây tranh cãi giữa các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phôi thép.
Nhập thép có lợi hơn sản xuất
Mới đây, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 862 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép hợp kim và không hợp kim, các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (bao gồm thép cuộn và thép thanh được làm từ phôi thép nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau vào Việt Nam).
Theo đó, mức thuế tự vệ đối với phôi thép là 23,3%, mức thuế tự vệ tạm thời đối với thép dài là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung, thay cho mức thuế nhập khẩu đối với phôi thép là 10%, thép dài 0% - 5% trước đây. Mức thuế này được áp trong khoảng thời gian từ ngày 22/3/2016 đến hết ngày 7/10/2016 nhằm kiểm soát tình trạng phôi thép ồ ạt nhập về Việt Nam thời gian qua, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước.
Tuy vậy, trái với mong mỏi của các cơ quan quản lý, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc. trong khi họ có nhà máy sản xuất phôi thép và phản đối việc áp thuế tự vệ thương mại đối với mặt hàng phôi thép.
Theo thiết kế, nhà máy sản xuất phôi thép của Công ty Thép Pomina có công suất 1,5 triệu tấn phôi/năm. Tuy nhiên, năm 2015, Thép Pomina lại nhập khẩu khoảng 400.000 tấn phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc và mua hơn 100.000 tấn phôi của các công ty thương mại khác.
Cụ thể, năm 2015, Pomina bán hơn 800.000 tấn thép, trong đó, sản lượng phôi tự sản xuất là 300.000 tấn (theo Hiệp hội thép Việt nam). Như vậy, Pomina chỉ sử dụng được 20% công suất của mình.
Không để lệ thuộc vào phôi thép nhập
Nguyên nhân sâu xa khiến POM lựa chọn nhập khẩu phôi thay vì sản xuất là vì POM đầu tư công nghệ lò điện, so với công nghệ lò cao thì không cạnh tranh được về giá. Thực tế, chi phí luyện phôi theo công nghệ lò cao sử dụng nguyên liệu chính là quặng sắt, than cốc, thấp hơn chi phí luyện phôi lò điện, sử dụng nguyên liệu chính là thép phế liệu khoảng 5-7%.
Theo một số doanh nghiệp trong ngành, POM là doanh nghiệp duy nhất có luyện phôi gửi đơn lên Chính phủ, phản đối áp thuế tự vệ thương mại với phôi thép, nhưng lại “ủng hộ thuế tự vệ đối với thép thành phẩm”. Rõ ràng, nếu phản đối áp thuế phôi vì lợi ích người tiêu dùng , thì việc áp thuế tự vệ đối với thép thành phẩm cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép cho hay, các doanh nghiệp nên tận dụng những cơ hội ví dụ như nguyên vật liệu rẻ, nhưng phải tuân thủ đúng pháp luật.Tuy nhiên, ông Sưa cũng cho rằng, việc nhập khẩu phôi giá rẻ thì giá cạnh tranh hơn đó chỉ là cái lợi trước mắt.
"Về lâu dài khi các nhà sản xuất phôi bị thiệt hại thì họ sẽ đình đốn và đóng cửa, từ đó cả phân ngành này có thể khó lòng tồn tại. Khi ấy, ta lệ thuộc vào nguồi phôi nhập thì khó lường" - ông Sưa nói.
Việt Anh