1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Phòng vệ trước thép Trung Quốc, doanh nghiệp nào hưởng lợi?

(Dân trí) - Việc Bộ Công Thương đưa ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ giúp hạn chế thép Trung Quốc nhập khẩu và những doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên là những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng tự chủ phôi thép, song không phải tất cả doanh nghiệp thép đều có lợi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Như đã đưa tin, ngày 7/3/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu. Quyết định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 22/03/2016, có hiệu lực trong vòng 200 ngày, tức là đến hết ngày 7/10/2016. Biện pháp tự vệ tạm thời sẽ chấm dứt hiệu lực trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.

Theo đó, thuế suất nhập khẩu phôi thép hợp kim và không hợp kim sẽ ở mức 23,3% và thép dài hợp kim và không hợp kim là 14,2%.

Cập nhật cụ thể hơn về chính sách này, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, biện pháp tự vệ này chủ yếu nhằm vào thép Trung Quốc, khi khoảng 60% thép nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc.

Một số quốc gia thuộc ASEAN được loại trừ trong danh sách áp dụng biện pháp tự vệ và sẽ vẫn tiếp tục được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định thương mại ASEAN – Trung Quốc.

Ngoài mức thuế nhập khẩu hiện hành, các mặt hàng nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ chính thức phải chịu thêm mức thuế nhập khẩu bổ sung (thuế tự vệ). Do đó thuế nhập khẩu đối với phôi thép Trung Quốc sẽ lên 33,3% và thép dài ở mức 29,2% - BVSC cho biết.

Hiện tại, mức thuế suất nhập khẩu vào phôi thép hợp kim từ Trung Quốc là 0% theo hiệp định ACFTA, thuế nhập khẩu các loại phôi thép không hợp kim đang ở mức 5- 10%, và thuế nhập khẩu thép dài từ Trung Quốc phổ biến ở mức 15%.


Mức thuế đối với thép nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời

Mức thuế đối với thép nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời

Ngoài ra, việc áp thuế đồng nhất giữa phôi thép hợp kim và không hợp kim sẽ xóa bỏ tình trạng lách luật của Trung Quốc khi trộn thêm yếu tố Bo, Crom vào phôi thép để được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi dành cho thép hợp kim.

Nhìn chung, theo BVSC, biện pháp tự vệ tạm thời sẽ có tác động tích cực đến ngành thép Việt Nam.

Tổng công suất sản xuất thép Trung Quốc ở mức 1.170 triệu tấn, dư thừa khoảng 300 triệu tấn so với nhu cầu tiêu thụ (đã bao gồm cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu), khiến hiệu suất sử dụng toàn ngành chỉ đạt khoảng 65%.

Tình trạng dư thừa công suất và nhu cầu tiêu thụ nội địa suy yếu do kinh tế tăng trưởng chậm lại đã khiến Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu thép. Sản lượng xuất khẩu giai đoạn 2014 - 2015 của nước này đã tăng hơn 65% so với 2012 - 2013.

Trong khi đó, Việt Nam có vị trí địa lý ngay sát Trung Quốc, do đó là điểm đến thuận lợi cho thép Trung Quốc thâm nhập. Sản lượng nhập khẩu phôi thép và thép dài từ Trung Quốc trong năm 2015 đã tăng tương ứng 214% và gần 50% so với năm 2014.

BVSC nhận định, việc Bộ Công Thương đưa ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ giúp hạn chế thép Trung Quốc nhập khẩu, cũng như ổn định giá thép trên thị trường Việt Nam.

Cụ thể, những doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên là những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng tự chủ phôi thép bao gồm Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), Việt Ý (VIS), Pomina (POM), Gang thép Thái Nguyên (TIS), Dana-Ý (DNY) do giảm bớt lo ngại về phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp không sở hữu nhà máy phôi và phải mua ngoài toàn bộ như Ống thép Việt Đức VG Pipe (VGS) sẽ bị thiệt hại đầu tiên khi thuế nhập khẩu phôi tăng lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như Hoa Sen (HSG), Thiên Long (TLG), Nam Kim (NKG), Hữu Liên Á Châu (HLA) sẽ không được hưởng lợi gì từ quyết định này.

Bích Diệp

Phòng vệ trước thép Trung Quốc, doanh nghiệp nào hưởng lợi? - 3