Nhung nai, thuốc quý từ trời
Nhu cầu sử dụng nhung nai để làm thuốc ngày càng tăng trên thị trường quốc tế. Hiện nay, nhiều quốc gia như New Zealand, các nước Bắc Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… đã đưa nai vào chăn nuôi, khai thác nhung, sản xuất nhung nai để làm nguyên liệu cho các loại dược phẩm.
Suốt hơn 2.000 năm qua, nai và các bộ phận của nai luôn là nguồn dược phẩm quý của phương Đông. Sau này, việc sử dụng nhung nai trong điều chế dược phẩm được ứng dụng ở cả phương Tây.
Dược liệu quý ở cả Đông y lẫn Tây y
Các trường hợp có thể dùng dược phẩm chiết xuất từ nhung nai để chữa trị bao gồm: thiếu máu, viêm khớp, mất ngủ, hay quên, bị thương, đau nhức…
Trong y học truyền thống phương Đông, nhung nai còn chữa chứng bất lực ở nam giới và thiếu sức sống ở nữ giới. Trong các loại thuốc chữa trị các chứng bệnh liên quan đến tình dục và sinh con, nhung nai giữ một vai trò vượt trội. Ngoài ra, nhung nai còn được dùng để tăng sức đế kháng, tạo hồng cầu, nhất là trong trường hợp thiếu máu, lưu thông khí huyết, tăng sức mạnh cơ bắp và giúp tỉnh táo tinh thần. Nhung nai không chỉ có thể dùng cho người lớn; ước tính có khoảng 10% nhung nai Hàn Quốc được dùng để phòng bệnh và phục hồi sức khỏe cho trẻ em.
Theo truyền thống, do thành phần dinh dưỡng tập trung ở mỗi phần mỗi khác nên các phần khác nhau của sừng nhung được dùng cho những trường hợp khác nhau. Cụ thể, phần đỉnh và phần giữa được dùng làm thuốc bổ cho trẻ em, phần trên và phần giữa được sử dụng cho các trường hợp viêm thoái hóa, chẳng hạn như viêm khớp và viêm tủy xương, phần đế thì dành cho người cao tuổi để tăng lượng canxi, phòng ngừa các bệnh tuổi già do thiếu hụt canxi…
Các bằng chứng thực nghiệm và một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy nhung nai có thể giúp hạ huyết áp, kích thích miễn dịch, kháng viêm, chống lão hóa, tăng cường trao đổi chất, bảo vệ và trẻ hóa cơ thể. Ngày nay, nhung nai được xem là một phương thuốc để chữa chứng viêm khớp xương mãn tính, ngừa ung bướu, tăng sức mạnh và độ dẻo dai cho cơ thể, đặc biệt là trong thể thao, ở cả Đông y và Tây y.
Tốt cho cả nam lẫn nữ
Nghiên cứu đầu tiên về nhung nai được thực hiện ở Nga vào thập niên 1930, các nhà khoa học và dược sĩ đã nỗ lực cung cấp bằng chứng khoa học về hiệu quả của việc chữa trị bệnh nói trên. Kết quả là hơn 250 bài báo đã được công bố về việc sản xuất, thành phần cấu tạo và hiệu quả sinh hóa của nhung nai. Thông tin về loại dược phẩm thiên nhiên này đã được các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga công bố và kết quả nghiên cứu thường trùng khớp với nhau.
Ở Trung Quốc, nhung nai được xem là phương thuốc để phòng ngừa. Về thuộc tính, nó mang tính dương và là một kích thích tố nam. Để hiểu khái niệm “dương” của Trung Quốc và khái niệm này liên quan đến sức khỏe như thế nào, cần lưu ý rằng y học Trung Quốc rất khác với Tây y ở chỗ nó nhấn mạnh việc phòng ngừa hay phục hồi, trái ngược với Tây y - nhấn mạnh việc loại trừ tác nhân gây khó chịu.
Trong tài liệu y học uy tín nhất của Trung Quốc, bao gồm các nguyên tắc và triết lý, là Bản Thảo Cương Mục, được viết vào thế kỷ thứ 16, có thảo luận về việc sử dụng nai và nhung nai ở dạng bột, viên, chiết xuất, rượu và thuốc mỡ. Trong nhiều trường hợp, nhung nai lại được kết hợp với những thảo dược khác để tăng khả năng điều trị. Nhung được xem là một loại thuốc bổ phổ biến, nhưng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong danh sách các dược phẩm giúp cường dương.
Người Trung Quốc và Hàn Quốc suốt nhiều thế kỷ luôn xem nhung của nai sừng tấm và nai đỏ là một trong những thành phần dược liệu quan trọng nhất. Ở Hàn Quốc, nó vẫn được công nhận là có giá trị trong phương pháp chữa trị thiếu máu, kích thích hệ thống miễn dịch, điều trị vô sinh và bất lực, để cải thiện lưu thông khí huyết ở những bệnh nhân bị bệnh tim, cải thiện cơ bắp, tăng cường chức năng tuyến nội tiết, phòng ngừa ung thư phổi, và chức năng thần kinh.
“Sừng vàng” của y học phương Tây
Ở phương Tây, việc sử dụng nhung nai trong y học Nga có từ cuối thế kỷ 15. Thời đó, nhung nai được gọi là “sừng vàng”. Danh tiếng và hiệu quả của hầu hết các loại sừng động vật với vai trò là một loại thuốc kích thích, bao gồm nhung nai, đã xuất hiện từ thời xa xưa, tạo ra nhu cầu sử dụng cao, dẫn đến nghề nuôi hươu, nai.
Các trang trại nuôi hươu, nai có mặt ở Nga từ thập niên 1840. Thời đó, nai đỏ Caspian là loài cho sản phẩm nhung được yêu thích nhất. Nhìn chung, ba loài thường được nuôi để lấy nhung là: nai sừng tấm (Cervus Nippon hortulorus Swinhoe), nai đỏ (Cervus elaphus sibiricus Sev.) và nai Canada (Cervus elaphus xanthopygus Milne-Eds., hay wapiti). Việc nghiên cứu có hệ thống nhung nai để làm nguyên liệu thô điều chế thuốc đã được Liên bang Xô Viết tiến hành từ năm 1931, khi pantocrin, một chiết xuất chế biến từ nhung nai, lần đầu tiên được phát hiện.
Các nghiên cứu cho đến nay đã cho thấy vai trò của nhung nai chính là một phương thuốc cho nhiều căn bệnh. Các hiệu quả về sinh học đã được thí nghiệm và chứng minh. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định hoạt tính, tác dụng phụ, khả năng tương tác với các loại thuốc và chống chỉ định.
Ca Dao (tổng hợp)