1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Làn sóng mới của bán lẻ trực tuyến

Nhiều người dân ở các thành phố lớn đã khá quen với hình ảnh những chiếc xe máy với thùng hàng chạy trên đường phố để giao các sản phẩm như giày dép, sách, quần áo … trực tiếp tới tận tay khách hàng.

Bán lẻ trực tuyến đã hình thành ở Việt Nam từ một thập kỷ trước, nhưng năm 2013 đã chứng kiến sự bùng nổ của lĩnh vực kinh doanh này. Nếu như năm 2012 khi nhắc tới thương mại điện tử người ta thường liên tưởng tới mô hình bán hàng theo nhóm hay thậm chí là mô hình kinh doanh đa cấp không lành mạnh thì năm 2013 thương mại điện tử Việt Nam đã chứng kiến một làn sóng mới.

Thương mại điện tử năm 2012: bán hàng theo nhóm

Ngay từ cuối năm 2010, nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam đã nhảy vào kinh doanh lĩnh vực bán hàng theo nhóm. MJ Group triển khai Nhommua.com, Vinabook với Hotdeal, VCCorp đầu tư vào Muachung.vn, Vật Giá khai trương Cucre.vn… Những công ty này đã thực sự đem lại luồng gió mới cho thương mại điện tử Việt Nam, giúp thị trường này bước sang một giai đoạn mới và phổ cập thương mại điện tử tới người tiêu dùng. Cùng với sự phổ biến của mua vé máy bay điện tử và du lịch trực tuyến, rất nhiều người Việt Nam đã thích thú với việc mua sắm trực tuyến.

Giao diện website Muachung.vn của VCCorp.
Giao diện website Muachung.vn của VCCorp.

Nắm bắt thị hiếu của khách hàng và tiềm năng kinh doanh to lớn của mô hình bán hàng theo nhóm, tới cuối năm 2012 đã có tới 100 website lớn nhỏ kinh doanh trực tuyến theo mô hình này. Mặc dù có sự cố xảy ra với các khách hàng của Nhommua.com cuối năm 2012 và sự mất tín nhiệm của một số website có chất lượng dịch vụ không tốt nhưng thị trường bán hàng theo nhóm đã dần đi vào chiều sâu và vẫn tiếp tục được nhiều khách hàng quan tâm.

Năm 2013: Bán lẻ trực tuyến lên ngôi

Hai website bán lẻ trực tuyến Lazada.vn và Zalora.vn bước vào thị trường vài năm trước và đã phát triển đúng nhịp khi nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã ưa thích mua hàng trực tuyến và có đủ kỹ năng cho việc này. Từ đầu năm 2013 hầu hết giới kinh doanh thương mại điện tử ở Việt Nam đều biết tới hai website này. Website bán hàng trực tuyến Lazada.vn mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam một trải nghiệm mua sắm mới mẻ, hiện đại và thuận tiện. Trong khi đó website Zalora.vn tập trung kinh doanh các sản phẩm quần áo, giày dép và phụ kiện thời trang của các thương hiệu nổi tiếng thế giới với nhiều mẫu mã hợp thị hiếu của giới tiêu dùng trẻ tuổi.

Giao diện website Muachung.vn của VCCorp.

Thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đối với mua hàng trực tuyến có sự chuyển biến rõ rệt, nắm bắt được xu hướng thay đổi này nhiều website kinh doanh theo mô hình bán lẻ trực tuyến ra đời, khiến cho thị trường này trở nên sôi động. Mặc dù thời điểm hiện nay mới là nửa đầu năm 2013 nhưng có thể nhận xét những đặc điểm chính của thị trường bán lẻ trực tuyến như sau.

Thứ nhất, nhiều công ty mới đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ trực tuyến nhưng đã chiếm được thị phần đáng kể và được nhiều khách hàng biết tới. Nổi bật nhất là các công ty TNHH Giờ giải lao với website Lazada.vn, công ty TNHH Bán lẻ và Giao nhận Recess với website Zalora.vn, công ty TNHH Gấu trúc Hungry với website Foodpanda.vn, công ty TNHH Giờ giải lao 3 với website Officefab.vn. Đáng chú ý là cả bốn công ty này đều thuộc một nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Một số công ty lớn khác cũng triển khai nhiều website bán lẻ trực tuyến. Chẳng hạn, công ty cổ phần Lana đầu tư vào Beyeu.com, Lamdieu.com, Foreva.vn, công ty VCCorp triển khai hàng loạt các website bán lẻ, bao gồm Solo.vn…

Thứ hai, một số công ty kinh doanh bán lẻ truyền thống đã nhận thức được lợi thế to lớn của mô hình bán lẻ trực tuyến nên đã đẩy mạnh kênh này song song với kênh truyền thống. Chẳng hạn, các công ty bán lẻ điện thoại di động và bán lẻ hàng điện máy hàng đầu Việt Nam như Thế Giới Di Động và Nguyễn Kim đã tăng cường bán hàng trực tuyến trên Thegioididong.com và Nguyenkim.com.

Thứ ba, một số doanh nghiệp bưu chính và chuyển phát nhanh đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng website để trực tiếp bán hàng “online”. Tiêu biểu như trang web cung cấp dịch vụ quà tặng PostGift của Bưu điện TP.HCM tại địa chỉ Postgift.vn bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009.

Bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh tại Việt Nam.
Bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh tại Việt Nam.

Thứ tư, các website bán lẻ trực tuyến đã chú trọng tới hoạt động tiếp thị trực tuyến. Điển hình nhất phải kể tới Lazada. Việc công ty vận hành website này mới xin gia nhập Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng phản ảnh tầm nhìn kinh doanh dài hạn. Với việc Google khai trương sản phẩm mới Display Network tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/5/2013, chắc chắn trong thời gian tới nhiều website bán lẻ tuyến sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tiếp thị trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hình thức kinh doanh trực tuyến giữa các doanh nghiệp với nhau vẫn nổi trội hơn so với hình thức kinh doanh bán hàng trực tuyến giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng.

Đánh giá trên căn cứ theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2012. Báo cáo này được xây dựng dựa trên bốn nhóm tiêu chí bao trùm thương mại điện tử, đó là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giao dịch giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B).

Điểm số cho tiêu chí giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng được xây dựng theo các chỉ tiêu sau: 1) sử dụng email cho các hoạt động bán hàng; 2) xây dựng và vận hành website của doanh nghiệp; 3) tham gia các sàn thương mại điện tử; 4) sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; 5) bảo vệ thông tin cá nhân. Năm 2012 điểm số cho loại hình giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng chỉ đạt trung bình và thấp hơn điểm số cho loại hình giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Kết quả này phản ảnh tỷ lệ các doanh nghiệp chưa có website còn rất cao. Với các doanh nghiệp đã có website thì việc đầu tư cho hoạt động cung cấp thông tin và bán sản phẩm trên website còn hạn chế dẫn tới website hoạt động chưa hiệu quả. Ngoài ra, các yếu tố khác như hệ thống logistics còn lạc hậu hay niềm tin của người tiêu dùng vào việc bảo mật thông tin cá nhân chưa cao cũng hạn chế sự phát triển của bán lẻ trực tuyến.

Với sự xuất hiện của làn sóng mới trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến và sự quan tâm cao hơn của đông đảo doanh nghiệp trên cả nước, năm 2013 có thể là năm bước ngoặt đối với thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) ở Việt Nam.

Theo VECOM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm