1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chiến lược nâng tầm ngành chăn nuôi:

Chọn “size” cho ngành chăn nuôi Việt

Trong thời gian tới, Việt Nam xác định chăn nuôi (CN) theo hướng trang trại là xu hướng phát triển tất yếu. Tỷ trọng sản lượng thịt lợn hơi sẽ giảm trong khi tỷ trọng sản lượng thịt gia cầm, trâu, bò sẽ tăng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chuyển dần sang chăn nuôi trang trại

Hiện, cả nước có khoảng 10.000 trang trại CN lớn, ngoài ra còn có vài chục ngàn gia trại. Sản phẩm của CN trang trại càng ngày càng lớn, hiện chiếm khoảng 30-35% tổng sản lượng thực phẩm trong cả nước.

“Việc phát triển kinh tế trang trại là một xu hướng tất yếu chung của cả thế giới không phải chỉ ở Việt Nam. Định hướng trong thời gian tới, ngành CN tham mưu cho Bộ NN&PTNT và Chính phủ chuyển dần từ quy mô CN nhỏ lẻ sang quy mô CN gia trại, trang trại để cung cấp sản phẩm cho xã hội. Trong thời gian tới, CN trang trại là một trong những chủ trương và mục tiêu định hướng của rất nhiều tỉnh và hiện nay nông dân các tỉnh cũng có xu hướng phát triển CN trang trại rất mạnh mẽ,” ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nói.

Chăn nuôi trang trại là xu hướng phát triển tất yếu (Ảnh minh họa)
Chăn nuôi trang trại là xu hướng phát triển tất yếu (Ảnh minh họa)

Theo ông Vân, trước đây, theo Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT, cơ sở CN có tổng doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên được coi là trang trại CN, kèm theo một số tiêu chí khác. Tuy nhiên, quy định này chưa hợp lý, nên trong thời gian qua Cục đã tham mưu cho Bộ ra một thông tư mới về tiêu chí trang trại CN và sẽ được ban hành trong thời gian tới.

Song song với phát triển CN trang trại, CN nông hộ vẫn đóng vai trò quan trọng trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Việt Nam sẽ giảm dần chăn nuôi nông hộ, và theo tính toán mỗi năm sẽ giảm 800.000 hộ CN. Năm 2014 cả nước có 11,4 triệu hộ CN và dự kiến năm 2015 sẽ giám xuống còn xấp xỉ 10 triệu hộ.

“Từ nay cho đến năm 2020-2025, CN nông hộ vẫn là định hướng phát triển bền vững. Cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ đảm bảo sinh kế của người nông dân ở khu vực xa trung tâm. Trên cơ sở phát triển kinh tế hộ CN, cần tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm của họ, đưa khoa học và công nghệ vào và hướng dẫn họ CN đảm bảo vệ sinh và môi trường sinh thái,” ông Vân khẳng định.

Giảm tỷ trọng sản lượng thịt lợn hơi

Ông Vân cũng cho biết: Trong tái cơ cấu ngành CN, tỷ trọng thịt hơi lợn sẽ giảm từ 70% hiện nay xuống còn 60% trong thời gian tới. Nhưng điều đó không có nghĩa là sản lượng thịt hơi lợn sẽ ít hơn. Hiện nay, sản lượng thịt lợn hơi là 2,8 triệu tấn, và trong tương lai sẽ tăng lên 4 triệu tấn, trong đó dự kiến xuất khẩu sang các nước khoảng hơn 1 triệu tấn, còn lại là tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, tỷ trọng thịt gia cầm sẽ lên, tập trung tăng sản lượng gà lông màu. Đồng thời, tăng sản lượng thịt trâu, bò – tỷ trọng thịt bò sẽ tăng từ 6,2% hiện nay lên hơn 10% đến 2020.

Theo ông Vân, để đạt được mục tiêu này, nước ta sẽ duy trì CN lợn theo hướng trang trại, các công ty liên doanh, liên kết. Với đại gia súc, sẽ thành lập các tập đoàn lớn và quy hoạch vùng sản xuất trọng điểm để thúc đẩy và tạo điều kiện cho các DN phát triển. Trong tương lai gần, khoảng 30% trong tổng số 5-6 triệu con bò sẽ được nuôi công nghiệp. Tỷ lệ nuôi gia công sẽ tăng, đồng thời sẽ đẩy mạnh nhập khẩu các giống mới có chất lượng cao hơn. Với gia cầm, sẽ khuyến khích phát triển CN gà lông màu. Mấy năm gần đây, chuyển dịch cơ cấu gà lông màu rất nhanh, tăng từ hơn 20% lên gần 50% trong thơi gian gần đây, và trong tương lai sẽ tiếp tục tăng.

Sẽ giảm tỷ trọng sản lượng thịt lợn hơi và tăng tỷ trọng sản lượng thịt gia cầm, nhất là gà lông màu (Ảnh minh họa)
Sẽ giảm tỷ trọng sản lượng thịt lợn hơi và tăng tỷ trọng sản lượng thịt gia cầm, nhất là gà lông màu (Ảnh minh họa)

Để đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản lượng thịt như dự kiến, ngành CN đã xây dựng quy hoạch CN theo vùng. Cụ thể là, CN lợn phát triển mạnh ở vùng ven Hà Nội, vùng Đồng bằng Sông Hồng và 6 tỉnh Đông Nam Bộ ven TPHCM. CN đại gia súc phát triển ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh trung du bắc Bộ và Tây Nguyên. CN gia cầm phát triển mạnh ở các vùng bán sơn địa, trải dài từ Thanh Hóa, Nghệ An, ra đến Bắc Giang, Bắc Ninh, một số tỉnh quanh TPHCM. CN vịt chủ yếu khu vực quanh HN và ĐBSCL phát triển cả vịt thịt và vịt trứng. Các tỉnh căn cứ quy hoạch vùng để lên quy hoạch chi tiết và cụ thể.

Ông Vân cũng cho biết, theo Đề án TCC ngành CN đã được phê duyệt, vùng Bắc Bộ, tỷ trọng lợn sẽ giảm từ trên 37-38% xuống khoảng 32%; gia cầm giảm từ 28-31% hiện nay xuống 25% trong tương lai và sẽ đẩy vào khu vực Thanh Hóa, Nghệ An ở miền Trung. Con đại gia súc như trâu chủ yếu ở phía Bắc, bò rải rác chủ yếu quanh HN và TPHCM, và sắp tới sẽ tăng tỷ lệ ở miền Trung và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng: Hiện nay chất lượng giống vật nuôi ở nước ta chưa cao nên tỉ lệ hao hụt cao, khả năng cạnh tranh kém và lợi nhuận chưa cao.

The ông Sơn, nếu cải thiện chất lượng giống vật nuôi tốt có thể làm tăng năng suất trong CN lên từ 10-50%. Vì thế, trong thời gian tới, song song với nhập khẩu giống chất lượng tốt của nước ngoài, cần tăng cường công tác chọn lọc và lai tạo giống để nâng cao chất lượng đàn giống vật nuôi của cả nước.

Nguyên An