Bẫy nợ nần – Làm sao để tránh?

Nhiều người trong một phút bốc đồng, vì muốn sở hữu món hàng mình mong muốn mà đã nhanh chóng ký hợp đồng vay tiền mà không xem xét kỹ lãi suất khoản vay cũng như khả năng tài chính của mình. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người vướng vào bẫy nợ nần.

Bẫy nợ nần, hay còn được hiểu là vòng xoáy nợ nần, hàng ngày vẫn luôn rình rập mọi người. Người vay rất dễ để vướng vào bẫy này, nhưng thật khó khăn nếu muốn thoát ra. Vướng vào bẫy nợ nần không hề dễ chịu chút nào, có thể dẫn đến việc người vay bị tịch biên tài sản để phát mãi, ảnh hưởng uy tín tín dụng, và trước khi những điều này xảy ra thì còn phải đối mặt với hàng tá những khó khăn tài chính lớn.

Các chuyên gia của Công ty Tài chính Home Credit, công ty có trụ sở tại Cộng hòa Séc và là một trong những công ty về cho vay tiêu dùng qua hình thức trả góp tại Việt Nam, đã đưa ra 4 lời khuyên giúp người vay tiền có thể tránh được rủi ro rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Bẫy nợ nần – Làm sao để tránh? - 1

Chuyên gia Home Credit khuyên rằng đọc thật kỹ điều kiện và điều khoản vay là một cách giúp người vay giảm rủi ro rơi vào bẫy nợ nần

 

1. Nghĩ thật kỹ xem bạn có thật sự cần vay tiền

Đầu tiên, hãy thành thật với chính bạn - bạn có thật sự cần phải vay tiền để mua món hàng đó? Chuyên gia Home Credit đưa ra lời khuyên về một quy tắc rất đơn giản, đó là dòng đời của một sản phẩm không nên hay có thể nói không bao giờ được dài hơn kỳ hạn của món vay để mua sản phẩm đó. Điều này có nghĩa là thật không khôn ngoan khi vay tiền để trả cho một bữa tối sang trọng.

Nếu bạn cần tiền, hãy hỏi gia đình hoặc bạn bè trước. Tuy nhiên, luôn luôn phải có một hợp đồng ghi rõ khi nào bạn sẽ hoàn trả tiền và hoàn trả bao nhiêu. Điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi các hiểu lầm có thể ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ của bạn.

2. Đọc thật kỹ các điều khoản và điều kiện

Nếu bạn thật sự cần vay tiền mà không thể vay từ người thân, hãy gõ cửa một vài tổ chức tài chính và xem họ có sản phẩm gì. So sánh thế mạnh của các đơn vị với nhau cũng như tìm hiểu kỹ về các mức phí phạt lẫn lãi suất mà bạn sẽ phải chịu nếu chấp nhận vay.

Có khá nhiều công cụ trên mạng có thể giúp bạn tính được mức lãi suất hàng năm. Các ứng dụng này sẽ chỉ ra cho bạn biết bạn sẽ phải trả tổng cộng cả lãi và gốc là bao nhiêu cho khoản vay của mình, từ đó có thể so sánh và lựa chọn tổ chức tài chính phù hợp với bạn.

3. Kiểm tra độ tin cậy của tổ chức cho vay

Người cho bạn vay có thể là ngân hàng, các công ty tài chính đáng tin cậy, hoặc cũng có thể là những người cho vay không hợp pháp hay còn được gọi là tín dụng đen. Chúng tôi thành thật khuyên bạn nên tránh xa tín dụng đen vì đây thực sự là những mối nguy hiểm hoạt động ngoài tầm giám sát của các cơ quan chức năng. Hãy hỏi xin lời khuyên từ bạn bè hoặc tham khảo thông tin về các tổ chức tài chính trên mạng Internet.

Bạn có thể vào website của Ngân hàng Nhà nước để tìm những tổ chức tài chính đang được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam dưới sự quản lý của NHNN. Ít nhất bạn sẽ được pháp luật bảo vệ nếu chọn vay từ một trong những tổ chức này, và chắc chắn sẽ không bị vướng vào mối quan hệ tín dụng với một tổ chức hay cá nhân cho vay phi pháp.

4. Cân nhắc khả năng trả nợ của bạn

Đừng bao giờ vay tiền nếu bạn đang thất nghiệp hay không có dự trữ tài chính, nếu không bạn sẽ rơi vào tình trạng không có khả năng trả nợ và khoản vay thì ngày càng phình to vì các loại phí phạt lẫn lãi suất nợ trễ hạn.

Bạn nên lấy tổng thu nhập của cả gia đình trừ đi chi phí tiêu xài trung bình hàng tháng của gia đình. Chừa ra một khoản cho những trường hợp cần thiết mà bạn suy nghĩ có thể xảy ra, phần còn lại là phần có thể dùng để chi trả cho các khoản góp hàng tháng.

Mỗi khoản vay đều là con dao hai lưỡi, có thể giúp bạn giải tỏa khó khăn tài chính nhưng cũng có thể đẩy bạn vào vòng xoáy nợ nần. Chuyên gia Home Credit cho rằng người vay nên cân nhắc trước khi vay, đồng thời lựa chọn những tổ chức tài chính đáng tin cậy, quan tâm đến quyền lợi khách hàng hơn là tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá.

PV