Những nội dung bất thường trong thương vụ "triệu đô" giữa VPF và Next Media

(Dân trí) - Câu chuyện bản quyền truyền hình V-League đang tạo nên tranh cãi giữa VPF và Next Media. Hợp đồng được ký từ thời nhiệm kỳ cũ của VPF, trong khi nhiệm kỳ mới của VPF nhận định bản hợp đồng này có quá nhiều bất cập, khiến cho VPF toàn… “nắm đằng lưỡi”.

Công việc đầu tiên mà nhiệm kỳ 3 của VPF làm sau khi nhận nhiệm vụ là ra soát lại một loạt các hợp đồng thương mại trước đó giữa tổ chức này với các đối tác. Trong quá trình rà soát, nhiệm kỳ mới của VPF phát hiện ra một số bất hợp lý liên quan đến một số hợp đồng đã ký, trong đó có hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác bản quyền truyền hình cho Next Media.

Bất cập đầu tiên, được phía VPF chỉ ra, đó là bản thân VPF chỉ được giao quyền tổ chức, khai thác V-League cho đến hết năm 2018, trong khi hợp đồng cũ của VPF với Next Media về việc khai thác bản quyền truyền hình V-League kéo dài đến tận năm 2022.

Điều này khiến cho một thành viên trong Hội đồng quản trị (HĐQT) của VPF nhận định nhiệm kỳ cũ của tổ chức này đã bán sản phẩm chưa (hoặc không) thuộc về mình.

Theo VPF, dù V-League các năm trước liên tục lên sóng truyền hình, nhưng tổ chức này không được lợi gì từ thương vụ đã ký với Next Media (ảnh: Gia Hưng)
Theo VPF, dù V-League các năm trước liên tục lên sóng truyền hình, nhưng tổ chức này không được lợi gì từ thương vụ đã ký với Next Media (ảnh: Gia Hưng)

Về tính chất, VPF trong vai trò nhà tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam chỉ tương tự như một công ty tổ chức sự kiện. VPF được VFF giao quyền tổ chức V-League có thời hạn.

Do đó khi hết thời hạn được giao quyền, về lý thuyết, VPF không còn quyền tổ chức và khai thác các giá trị thương mại liên quan đến giải đấu này, nên họ cũng không còn quyền chuyển nhượng các giá trị thương mại của giải V-League cho đối tác khác.

Thành ra, đặt trường hợp sau năm 2018, VFF chọn được một công ty tổ chức sự kiện tốt hơn, (có thể là thông qua đấu thầu như cách hoạt động của các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới), không phải là VPF, thì việc Next Media được chuyển nhượng bản quyền truyền hình từ phía VPF “lố” đến 4 năm liệu có còn giá trị?

Lấy ví dụ, mới đây, khi ký hợp đồng nhận tài trợ từ Nutifood cho giải V-League, VPF cũng chỉ có thể ký đến hết năm 2018, tức là trong hạn mà họ vẫn còn được uỷ quyền tổ chức và khai thác giải V-League từ VFF.

Sau khi phát hiện ra những động thái đi ngược lại cam kết trong hợp đồng đã ký trước đó, VPF đã tạm dừng hợp đồng khai thác bản quyền truyền hình với đối tác Next Media (ảnh: H.D)
Sau khi phát hiện ra những động thái đi ngược lại cam kết trong hợp đồng đã ký trước đó, VPF đã tạm dừng hợp đồng khai thác bản quyền truyền hình với đối tác Next Media (ảnh: H.D)

Cả VPF hiện tại và nhà tài trợ đều muốn một hợp đồng dài hơn, ít nhất là 3 năm, nhưng cả 2 phía VPF và Nutifood đều trả lời rằng không thể, cho đến trước khi VPF đàm phán xong với VFF xem liệu VPF có tiếp tục được tổ chức giải V-League tính từ sau năm 2018 hay không?

Bất cập thêm nữa mà VPF lên tiếng, đó là liên quan đến bản hợp đồng khai thác bản quyền truyền hình mà VPF nhiệm kỳ cũ chuyển nhượng cho Next Media, bản thân VPF cho đến thời điểm hiện tại vẫn mờ mịt về mặt tài chính, nên không thể nắm được doanh thu, cũng như không hiểu được lợi nhuận của hợp đồng này như thế nào? VPF trong vai trò là đối tác được chia sẻ lợi nhuận đến đâu?

Nói theo lời của một số thành viên trong HĐQT VPF hiện nay, thì VPF toàn “nắm đằng lưỡi”: Bản quyền truyền hình đã chuyển giao cho đối tác, trong khi ngay ở VPF hiện tại, họ cũng không rõ họ được lợi gì từ bản hợp đồng này?

Chủ tịch đương nhiệm của HĐQT VPF, kiêm Tổng giám đốc Trần Anh Tú cho hay, sau khi phát hiện ra những bất cập này, VPF đã có thiện chí đàm phán lại với phía Next Media, nhưng không đi đến kết quả.

Cộng thêm việc Next Media bị VPF “tố” rằng không thực hiện đúng cam kết trong bản hợp đồng vừa nêu, nên VPF buộc phải đi đến quyết định tạm dừng hợp đồng với Next Media, đòi lại quyền lợi cho giải V-League.

Kim Điền

Những nội dung bất thường trong thương vụ "triệu đô" giữa VPF và Next Media - 3