Vị thế khác biệt của đội tuyển Việt Nam với Thái Lan ở sân chơi châu Á
(Dân trí) - Thái Lan hay Việt Nam, đâu mới là đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á hiện tại? Rất khó có câu trả lời ngay lập tức, vì đôi bên chưa đụng nhau. Chỉ biết một điều rằng đội tuyển Việt Nam là đại diện duy nhất của Đông Nam Á còn hiện diện tại tứ kết Asian Cup.
Việc đội tuyển Thái Lan thất bại tại AFF Cup 2018 có thể chưa phản ánh đúng thực lực của họ, bởi đấy là giải đấu mà Thái Lan vừa không tập hợp được lực lượng mạnh nhất, mà còn không thi đấu với tinh thần tốt nhất, do nhiều cầu thủ bất mãn với HLV Rajevac.
Chính vì thế, rất nhiều người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á chú ý đến Asian Cup 2019, nơi đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan đều cố gắng vươn mình ở sân chơi châu lục.
Cả 2 đội bóng đều thi đấu tốt. Thái Lan là đội đầu tiên thuộc khu vực Đông Nam Á giành quyền lọt vào vòng đấu knock-out, với tư cách đội nhì bảng A. Đội tuyển Việt Nam nối bước đội bóng đất Chùa Vàng, giành vé đi tiếp với tư cách một trong bốn đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất tại các bảng.
Đối thủ của đội tuyển Việt Nam lẫn đội tuyển Thái Lan không phải các đối thủ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran hay Saudi Arabia, bởi có lẽ không còn đội nào dễ đá hơn so với Trung Quốc (đối thủ của đội tuyển Thái Lan) và Jordan (đối thủ của đội tuyển Việt Nam, không phải đại diện mình ở khu vực Tây ) tại vòng 1/8.
Kết quả là đội bóng của HLV Park Hang Seo giành vé đi tiếp, còn đội bóng của HLV tạm quyền Sirisak thì không, và Việt Nam trở thành đội duy nhất của bóng đá Đông Nam Á có mặt tại vòng tứ kết, vòng đấu dành cho 8 đội mạnh nhất châu lục.
Đấy là một bất ngờ, nhưng đó là bất ngờ có thể lý giải, và là bất ngờ xứng đáng. Những gì mà đội tuyển Thái Lan từng thực hiện trong các trận đấu với Bahrain và UAE, cũng được đội tuyển Việt Nam lần lượt thực hiện trong các trận đấu với Yemen và Jordan: Tức là hướng đến chiến thắng, hay chí ít là hướng đến việc giành điểm bằng lối chơi tấn công chủ động.
Đội tuyển Việt Nam chính là người thách thức hàng đầu vị trí của Thái Lan tại Đông Nam Á
Lối chơi vừa nêu là sự thay đổi lớn về vị thế của các đại diện đến từ Đông Nam Á, vì lâu nay người ta thường quen với cảnh các đội bóng Đông Nam Á khi bước ra sân chơi châu lục, chọn lối đá phòng ngự số đông, hạn chế bàn thua hơn là tấn công chủ động và hướng đến chiến thắng.
Từ chỗ chỉ mong hạn chế bàn thua, tiếp cận các trận đấu theo hướng phòng ngự số đông, sang hướng tấn công chủ động, rõ ràng bóng đá Thái Lan và đặc biệt là bóng đá Việt Nam đã có sự vươn mình đáng kể, không còn e ngại sân chơi châu lục.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chất lượng kỹ thuật của các cầu thủ hiện tại đã tiến bộ hơn so với các thế hệ trước.
Sau vòng 1/8 Asian Cup năm nay, vẫn chưa thể khẳng định bóng đá Việt Nam đã vượt qua Thái Lan hay chưa? – Bởi, cho đến giờ đôi bên vẫn chưa đối đầu trực tiếp, và chiếc vé vào tứ kết của đội tuyển Việt Nam vẫn chỉ là tương đối, so với việc Thái Lan bị loại ngay trước vòng tứ kết.
Nhưng có một điều có thể chắc chắn, các đại diện của bóng đá Việt Nam, đội tuyển Việt Nam hiện thời nếu đụng độ đội tuyển Thái Lan sẽ không còn ngán như trước nữa, không còn ra sân với tâm lý sợ thua như trước. Hiện tại, đội tuyển Việt Nam nếu gặp Thái Lan sẽ đá với tâm lý cạnh tranh tư thế anh cả của bóng đá Đông Nam Á!
Trọng Vũ