1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

VFF nhiệm kỳ mới và giấc mơ giành vé dự World Cup 2030

Trọng Vũ

(Dân trí) - Nhiệm kỳ VFF khóa 9 đối mặt với những nhiệm vụ và mục tiêu chưa từng xuất hiện trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đáng chú ý là tham vọng giành vé dự World Cup 2030.

Mục tiêu đầu tiên của bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ VFF khóa 9 (2022-2026) chính là cạnh tranh suất tham dự vòng chung kết (VCK) World Cup 2026 và nỗ lực giành vé dự World Cup 2030. Khi FIFA nâng số đội dự VCK từ 32 lên 48, số suất của châu Á tăng từ 4,5 lên 8,5 (8 đội vào thẳng, 1 đội đá play-off tranh vé vớt với đại diện của lục địa khác), bóng đá Việt Nam nghiêm túc nghĩ đến việc giành vé dự VCK World Cup.

Để hướng đến nhiệm vụ đó, bóng đá Việt Nam phải chuẩn bị kỹ về mặt lực lượng, phải có kế hoạch cụ thể để tấn công từng giai đoạn của vòng loại World Cup sau đây 4 năm, hoặc sau đây 8 năm. Trong việc chuẩn bị lực lượng cho mục tiêu World Cup 2026 hoặc 2030, việc lựa chọn HLV cho đội tuyển Việt Nam rất quan trọng.

VFF nhiệm kỳ mới và giấc mơ giành vé dự World Cup 2030 - 1

Giấc mơ đội tuyển Việt Nam xuất hiện tại World Cup, luôn là giấc mơ lớn của người hâm mộ (Ảnh: Hữu Khoa).

Hiện tại, hợp đồng giữa HLV Park Hang Seo và đội tuyển Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 31/1/2023, sau đó VFF phải tìm một chiến lược gia khác phù hợp với bóng đá nội, để dẫn dắt đội tuyển Việt Nam sau ngày nói trên, có thể giúp đội tuyển giữ được sự ổn định và tốc độ phát triển như hiện tại.

Nhiệm vụ và mục tiêu tiếp theo là VCK World Cup bóng đá nữ 2023. Đây là kỳ World Cup đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam, nên chúng ta chưa hề có trải nghiệm đối với sân chơi này.

Vì chưa từng dự VCK World Cup bóng đá nữ nên các cô gái của HLV Mai Đức Chung vẫn còn lạ lẫm với không khí của giải vô địch thế giới. Có lẽ mục tiêu của đội ở World Cup chỉ là học hỏi, nhất là khi đối thủ của đoàn quân trong tay HLV Mai Đức Chung là đương kim vô địch (ĐKVĐ) Mỹ và đương kim Á quân Hà Lan.

Mục tiêu và nhiệm vụ lớn còn lại mà bóng đá Việt Nam ở nhiệm kỳ mới là áp dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) cho giải V-League.

VFF nhiệm kỳ mới và giấc mơ giành vé dự World Cup 2030 - 2

V-League cần có công nghệ VAR để giảm thiểu các tranh cãi liên quan đến công tác trọng tài (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Trước đây, bóng đá nội chưa bao giờ áp dụng công nghệ này, với lý do khó khăn về kinh phí. Dù vậy, trong bối cảnh xã hội chuyển động tiến lên, bóng đá cũng không thể đứng ngoài guồng quay chung của xã hội, guồng quay của quốc tế, nên lý do này không còn thuyết phục. 

Chính vì thế, việc áp dụng công nghệ VAR vào sân chơi trong nước gần như là điều phải làm, nhất là trong bối cảnh các quốc gia ở lân cận chúng ta như Thái Lan, Malaysia đã áp dụng công nghệ này. Đồng thời, việc thiếu công nghệ VAR rõ ràng đang gây ra những tranh cãi không đáng có xung quanh công tác trọng tài.

Công bằng mà nói, việc công tác trọng tài tại V-League vẫn còn tạo ra sự nghi ngờ từ phía các đội bóng, một phần nguyên nhân vì giới trọng tài Việt Nam không được trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật như các đồng nghiệp quốc tế, trong đó có trang bị công nghệ VAR. Thế nên, không thể trì hoãn thêm nữa việc áp dụng công nghệ này.

Nhiệm kỳ mới, nhiệm vụ mới và những mục tiêu mới, bóng đá Việt Nam được kỳ vọng sẽ chuyển mình, sẽ phát triển hơn nữa!