1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

“Cuộc chiến” bản quyền bóng đá nội

VFF lần đầu lên tiếng vấn đề bản quyền Super League

(Dân trí) - Trước diễn biến ngày càng căng thẳng liên quan đến vấn đề bản quyền phát sóng 4 giải đấu chuyên nghiệp, hôm nay (30/12) VFF đã nêu ra quan điểm của mình. VFF yêu cầu VPF tiếp quản và tuân thủ đầy đủ bản hợp đồng có thời hạn 20 năm VFF ký với AVG…

Nội dung công văn VFF gửi VPF nêu rõ việc ký kết hợp đồng với AVG là hợp pháp và được pháp luật cho phép: “Căn cứ khoản 7, Điều 71 Luật thể dục thể thao. Căn cứ điều lệ VFF được Bộ nội vụ phê duyệt, VFF đã ký hợp đồng độc quyền khai thác bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp với Công ty cổ phần viễn thông và truyền thông An Viên…”.
 
VFF lần đầu lên tiếng vấn đề bản quyền Super League - 1
 VFF khẳng định AVG nắm bản quyền truyền hình hợp pháp - Ảnh: Minh Phương
 

Lãnh đạo VFF yêu cầu VPF, với tư cách là đơn vị tiếp quản công tác tổ chức 4 giải đấu: Super League, hạng Nhất, Cup QG, Siêu Cup cần tuân thủ đúng những điều khoản về bản quyền truyền hình mà VFF đã ký kết với AVG giai đoạn 2011- 2030. Tất cả các đài truyền hình muốn phát sóng giải đấu phải nhận được sự đồng ý của AVG, đơn vị đang nắm giữ quyền hợp pháp các giải đấu chuyên nghiệp.

 

Trước đó, mối quan hệ giữa VPF và AVG đột ngột căng thẳng khi AVG tuyên bố “chỉ chấp nhận đàm phán với VFF” vào chiều 28/12. Chưa đầy 24 giờ sau, đến lượt VPF “phản đòn” bằng công văn số 20 CV/VPF/2011 gửi sang VTV xác nhận việc sở hữu bản quyền phát sóng 4 giải đấu Super League, hạng Nhất, Cup QG, Siêu Cup. Đồng thời xác nhận đề VTV, các đơn vị trực thuộc VTV và VTC vào cuộc phát sóng trực tiếp các giải đấu, bất chấp việc AVG đang là đối tác nắm giữ bản quyền.

 

Công văn mà Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên gửi đến VTV đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ AVG. Phó chủ tịch AVG Hoàng Xuân Bắc khẳng định, VPF vi phạm nghiêm trọng quy ước bản quyền quốc tế. Cùng lúc, Chủ tịch Phạm Nnật Vũ cũng tuyên bố “AVG sẽ gửi đầy đủ chứng lý đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp”.

 
VFF lần đầu lên tiếng vấn đề bản quyền Super League - 2
Công văn của Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên
 

Đáp lời AVG, “bầu” Kiên khẳng định việc VPF đưa ra đề nghị VTV truyền hình trực tiếp các trận đấu mà VPF quản lý là đúng luật với lý do: “VPF là đơn vị tổ chức điều hành giải, việc cho đài nào vào sân quay là quyền quyền của VPF. Nếu AVG có ý kiến đó là việc của AVG với VFF. VPF làm đúng chức năng, tuân thủ đúng pháp luật…”.

 

Trong lúc mối quan hệ giữa  VPF và AVG chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”, người hâm mộ đang phải đối diện nguy cơ không được theo dõi vòng đấu khai mạc Super League và hạng Nhất, dù VPF và AVG đều đã gửi văn bản đề nghị các nhà đài vào cuộc tuyên truyền cho giải đấu.

 

Diễn biến “cuộc chiến” bản quyền giữa VPF và AVG

 

Tháng 12/2010, VFF bán độc quyền cho AVG với thời hạn 20 năm để đối tác này khai thác hình ảnh 4 giải đấu: V- League (Super League), hạng Nhất, Cúp QG, Siêu Cup.

 

Ngày 8/9/2011, “bầu” Kiên lên tiếng phản đối việc VFF ký hợp đồng có thời hạn 20 năm cho AVG, đồng thời yêu cầu VFF phải xem xét lại hợp đồng.

 

Ngay sau lễ ra mắt VPF ngày 14/12, “bầu” Kiên tuyên bố VPF sẽ đàm phán lại hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG.

 

Ngày 23/12/2011, VPF gửi công văn đề nghị đàm phán với AVG về những vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình. Nhưng cuộc họp đã không diễn ra do lãnh đạo AVG bận đi công tác.

 

Ngày 28/12/2011 AVG tuyên bố chỉ nhấp nhận đàm phán với VFF, đơn vị đã ký hợp đồng với AVG.

 

Chiều qua (29/12), Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên ký công văn cho phép VTV và các đơn vị trực thuộc truyền hình trực tiếp cả 4 giải đấu.

 

Quang Vinh