1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Sau AVG, đến lượt VPF khẳng định “chủ quyền” phát sóng Super League

(Dân trí) - 2 ngày trước trận khai mạc Super League, căng thẳng giữa VPF và đơn vị sở hữu bản quyền AVG tiếp tục “leo thang”. Sau khi AVG lên tiếng khẳng định chỉ ngồi đàm phán với VFF, đến lượt VPF thẳng tay ký công văn cho phép VTV và VTC được truyền hình trực tiếp…

Công văn số 20CV/VPF/2011 do Phó chủ tịch HĐQT của VPF, ông Nguyễn Đức Kiên vừa ký ngày hôm nay (29/12) nêu rõ: “Căn cứ nghị quyết số 426/QN – LĐBĐVN do Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ ký ngày 28/12, VPF được quyền quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam gồm: Giải bóng đá Ngoại hạng QG (Super League), giải hạng Nhất QG, Cup QG và trận Siêu Cup QG từ năm 2012…”.
 
Sau AVG, đến lượt VPF khẳng định “chủ quyền” phát sóng Super League - 1
 "Bầu" Kiên và các đồng đội bắt đầu "phản pháo" - Ảnh: Quang Thắng
 
Cùng với lời khẳng định về “chủ quyền” khai thác hình ảnh các giải đấu, trong công văn Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên đã lên tiếng xác nhận việc cho phép VTV, VTC và các đơn vị trực thuộc VTV được tuyên truyền, truyền hình trực tiếp các trận đấu do VPF quản lý và tổ chức cho đến khi VPF ra thông báo mới về vấn đề bản quyền truyền hình 4 giải đấu hàng đầu do VPF quản lý.
 
Sau AVG, đến lượt VPF khẳng định “chủ quyền” phát sóng Super League - 2
 Văn bản VPF gửi đi ngày 29/12
 

Dựa trên những gì VPF nêu trong công văn gửi VTV và VTC, đơn vị này đã chính thức “tuyên chiến” với AVG, đối tác đang sở hữu bản hợp đồng 20 năm ký kết với VFF (2010) để nắm giữ bản quyền phát sóng các giải đấu QG từ mùa giải 2011. Bất chấp việc AVG đã lên tiếng khẳng định quyền sở hữu hợp pháp bản quyền, đồng thời tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán lại hợp đồng với VFF, không cho phép VFF tự ý chuyển giao hợp đồng đã ký kết với AVG cho VPF sau buổi làm việc chiều 28/12:

 

“AVG chỉ xem xét việc thay đổi liên quan tới Hợp đồng và đàm phán với VFF về việc này khi và chỉ khi VFF cam kết và bảo đảm VFF vẫn là đơn vị nắm quyền sở hữu bản quyền truyền hình như đã được quy định trong Điều lệ của VFF và trong Hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG, đồng thời VFF vẫn là đơn vị đồng chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan trong Hợp đồng.

 

AVG yêu cầu VFF và các bên có liên quan khác (trong trường hợp này là VPF) tiếp tục thực hiện đúng theo các nội dung của Hợp đồng đã ký cho tới khi có thỏa thuận khác được thống nhất giữa các bên. Không một bên nào có quyền hủy ngang bất kỳ nội dung nào, vì bất cứ lý do gì.

 

Mọi thỏa thuận của VFF với VPF có liên quan tới Hợp đồng đã ký với AVG cần được cung cấp dự thảo bởi VFF cho AVG trước khi VFF tiến hành ký kết, ra các văn bản chính thức liên quan.
 
Sau khi có một thỏa thuận mới ba bên giữa AVG, VFF và VPF, Ban lãnh đạo VPF sẽ được quyền tiếp cận các nội dung của hợp đồng đã ký giữa AVG và VFF. Nếu VFF đơn phương đàm phán, chuyển giao hợp đồng đã ký với AVG cho VPF trước khi nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của AVG, AVG sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình...”.
 
Trước thông tin VPF gửi công văn đến VTV và VTC, đại diện AVG - Phó TGĐ Hoàng Xuân Bắc phát biểu: "Nếu việc gửi công văn là có thật, đây là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng công ước quốc tế về vấn đề bản quyền...". Đại diện AVG cũng khẳng định sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ bản quyền đang sở hữu.

 

Cho đến 17h00 chiều nay, 2 nhà đài nhận được công văn của VPF là VTV và VTC cũng chưa lên tiếng bình luận về sự việc này.

 

Chí Thành