1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

VFF có giải quyết được vấn nạn trọng tài ở V-League?

Kim Điền

(Dân trí) - Một lãnh đạo VFF cho biết vấn đề trọng tài sẽ được đưa ra mổ xẻ tại Đại hội thường niên VFF dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8 tới đây. Nhưng trọng tài có thay đổi về bản chất hay không vẫn là dấu hỏi?

Trọng tài đang khiến cho V-League dậy sóng, với không ít quyết định đổi trắng thay đen, làm sai lệch kết quả một số trận đấu, cũng như có nguy cơ sai lệch kết quả toàn giải.

Bức xúc với công tác điều hành trọng tài, đã có ít nhất 2 CLB yêu cầu thay trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền là Nam Định và CLB TPHCM.

Cũng thông tin từ phía CLB TPHCM, không lâu sau khi đội này phản ánh những bức xúc liên quan đến vấn đề trọng tài tại vòng 11 LS V-League 2020, sau trận thua CLB Hà Nội 0-3, mà CLB TPHCM cho rằng họ bị từ chối 2 quả phạt đền, lãnh đạo VFF đã tiết lộ rằng theo quan điểm của VFF, trọng tài có sai sót trong trận đấu nói trên.

VFF có giải quyết được vấn nạn trọng tài ở V-League? - 1
VFF cần giải quyết triệt để vấn nạn trọng tài, tránh những phản ứng xấu hơn nữa có thể xảy ra tại V-League (ảnh: Anh Hải)

Khả năng VFF sẽ có hướng xử lý Ban trọng tài, bởi nếu cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam không có động thái cụ thể, V-League đối diện với nguy cơ dậy sóng, thậm chí có thể vỡ giải, bởi đã có đội rục rịch nói chuyện bỏ cuộc.

Nhưng xử lý Ban trọng tài như thế nào là vấn đề không hề đơn giản đối với chính VFF? Thật ra thì giữa vòng 8 V-League, VFF đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh công tác trọng tài, đặc biệt là khâu phân công phân nhiệm trọng tài ở từng vòng đấu, từng trận đấu.

Thế mà mọi chuyện đâu lại vào đấy, khi người được phân công điều khiển trận CLB TPHCM – CLB Hà Nội dự báo là cực căng lại là trọng tài Trần Văn Trọng vốn chuyên môn yếu và bản lĩnh quá non.

Tức là ngoài năng lực của bản thân trọng tài điều khiển trận đấu nói trên cần được xem xét lại, thì trách nhiệm của người phân công trọng tài, cụ thể là của trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền cũng phải được xem xét, như phản ánh của các CLB Nam Định và TPHCM.

Điều này hoàn toàn nằm trọng quyền hạn của VFF, bởi họ là cơ quan cấp trên trực tiếp của Ban trọng tài. Không thể có chuyện cấp dưới làm việc yếu kém, gây bất bình trong dư luận, mà cấp trên để yên được! Cấp trên không có biện pháp xử lý cấp dưới gây bất bình được!  

Khâu phân công trọng tài càng không thể là chuyện riêng của Ban trọng tài hoặc ông trưởng Ban trọng tài, mà VFF có quyền và có nghĩa vụ giám sát, thậm chí can thiệp, phủ quyết, yêu cầu Ban trọng tài phân công lại danh sách trọng tài làm nhiệm vụ ở từng vòng đấu, nếu phát hiện ra bất cập trong khâu này.

Ngoài ra, khâu kỷ luật trọng tài cũng không thể là chuyện của riêng Ban trọng tài nữa. Động thái mới đây của VFF, tăng gấp đôi án “treo còi” trọng tài Mai Xuân Hùng (mắc lỗi nặng trong trận Sài Gòn FC – Nam Định ở vòng 10 V-League), từ 3 lên 6 trận, là việc làm đáng hoan nghênh.

Không thể có chuyện trọng tài mắc lỗi khiến một CLB điêu đứng với nguy cơ rớt hạng, chỉ bị “treo” 3 trận rồi được làm tiếp! Thế thì khác nào giới trọng tài xoa dịu lẫn nhau. Phải là án phạt nặng để trọng tài nhìn vào đó mà làm việc nghiêm túc hơn, biết tôn trọng nghề nghiệp của chính mình hơn. Ban trọng tài không thực hiện được các biện phát mang tính răn đe kịp thời thì cấp trên của Ban trọng tài, tức VFF, có trách nhiệm phải làm!

Bàn về khâu trọng tài ở Đại hội thường niên VFF, cũng nên bàn về phương án kiểm tra, giám sát và cấp phép hành nghề của các trọng tài ở các giải bóng đá trong hệ thống bóng đá quốc gia, theo hướng phải đào tạo và sử dụng được đội ngũ trọng tài có chất lượng tốt hơn đội ngũ trọng tài hiện nay.

Đây là chuyện mà cho đến giờ có thể thấy rõ là mỗi mình Ban trọng tài không thực hiện nổi, nên năm nào khi có sự cố họ cũng đổ cho yếu tố khách quan.

Và nếu mỗi mình Ban trọng tài làm không nổi thì cấp trên của Ban trọng tài trực tiếp can thiệp, tức là Ban trọng tài chỉ nên dừng ở mức độ giới thiệu nhân sự cho VFF, còn tuyển chọn nhân sự, phân công nhân sự ra sao cho các cấp độ các giải đấu khác nhau của bóng đá nội, sẽ là việc của VFF.

Phải nhiều khâu và nhiều bộ phận tham gia thì mới có sự giám sát và kiểm tra chéo lẫn nhau, tránh tình trạng quyền lực tập trung quá lớn và quá nhiều vào một ban, thậm chí quyền lực tập trung quá nhiều vào chỉ một người, đó là ông trưởng ban.

Không thực hiện được điều đó, có thay bao nhiêu trưởng Ban trọng tài cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề, và V-League vẫn còn xuất hiện những nghi ngại từ phía các đội và từ phía người hâm mộ về tính phân minh của công tác trọng tài!

Dòng sự kiện: V-League 2020