1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Trọng tài “làm luật” ở V-League?

Kim Điền

(Dân trí) - Trưởng Ban trọng tài bình luận trọng tài đúng khi không thổi phạt 11m đội Hà Nội, ở tình huống chạm tay đầu tiên ở trận gặp TPHCM. Nhưng thế thì ở cùng 1 giải đấu, V-League có tới… 2 luật khác nhau.

Theo quan điểm của trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền, ở tình huống chạm tay đầu tiên của trung vệ Thành Chung bên phía CLB Hà Nội, rằng Thành Chung để bóng chạm tay trong thế bị động, tốc độ bóng nhanh và khoảng cách gần, tư thế tự nhiên, nên trọng tài không thổi phạt đền Thành Chung là chính xác. 

Nhưng nói như thế thì giải thích sao với tình huống hậu vệ đội Sài Gòn FC để bóng chạm tay trong một trận đấu khác cũng thuộc vòng 11 LS V-League 2020, khi Sài Gòn FC làm khách trên sân Tam Kỳ của đội Quảng Nam?

Trong tình huống ở cuối trận này, hậu vệ đội Sài Gòn FC cũng để bóng chạm tay ở thế bị động (mà hầu hết tình huống bóng chạm tay trong khu cấm địa, có mấy khi cầu thủ phòng ngự ngu ngơ đến mức… chủ động dùng tay chơi bóng?!), tốc độ bóng nhanh, khoảng cách gần và tư thế cũng hoàn toàn tự nhiên. Thậm chí, còn tự nhiên hơn cả pha bóng chạm tay Thành Chung, bởi cầu thủ của Sài Gòn FC đang ngã người phá bóng thì bóng văng vào phần tay lúc đó đang ở gần ngay sát mặt.

Trọng tài “làm luật” ở V-League? - 1
V-League lại dậy sóng vì trọng tài (ảnh: Anh Hải)

Nhưng cầu thủ phòng ngự của Sài Gòn FC thì bị thổi phạt đền, trong khi trung vệ Thành Chung của CLB Hà Nội là được trọng tài Trần Văn Trọng khoác tay cho qua.

Thết thì khác nào đang tồn tại đến… 2 luật khác nhau tại cùng 1 sân chơi V-League, tuỳ thuộc vào phạm vị áp dụng của từng trọng tài, và phụ thuộc vào cả đội bóng dính phải các tình huống như thế nữa? 

Còn ở tình huống thứ 2 mà trung vệ Thành Chung của CLB Hà Nội để bóng chạm tay, trong trận đấu trên sân Thống Nhất tối 24/7, cứ cho rằng trọng tài Trần Văn Trọng áp dụng theo luật mới của FIFA, không thổi phạt đền lỗi để bóng chạm tay trong vùng cấm địa, ở tình huống bóng dội vào một một bộ phận khác của cơ thể, hoặc dội vào cầu thủ khác (ở đây là dội vào Quang Hải) trước khi chạm tay cầu thủ phòng ngự. 

Tuy nhiên, một trọng tài khác (đề nghị giấu tên), phân tích: “Đây là tình huống mà cơ thể của Thành Chung phình to bất thường, tay mở rộng quá vai. Chúng ta không phải đang chơi môn bóng chuyền để có động tác cản bóng như thế. Thế nên, CLB TPHCM đáng được hưởng phạt đền trong tình huống chạm tay thứ 2”.

Có nghĩa là vẫn như tình huống thứ nhất, vẫn tồn tại… 2 luật khác ở cùng 1 sân chơi V-League, vẫn tuỳ thuộc vào phạm vi áp dụng luật của từng trọng tài và từng đối tượng, hay từng đội phạm lỗi trong khu vực 16m50 khác nhau?!

Với cách “làm luật” như thế, dường như có quá nhiều quyền hạn dành cho giới trọng tài bóng đá nội hiện nay, thậm chí là “quyền sinh, quyền sát” với số phận của các đội bóng và quyền hạn đối với cuộc đua ở cả 2 đầu bảng xếp hạng.

Đáng nói hơn nữa, trọng tài quyết định như thế nào trong các pha bóng gây tranh cãi, cấp trên của họ cũng có thể giải thích rằng trọng tài đúng: Thổi phạt đền cũng đúng mà không thổi cũng đúng! Các đội có cãi đằng nào cũng thiệt, rằng chỉ mỗi giới trọng tài mới nắm luật bóng đá, còn các bộ phận khác gồm cầu thủ, HLV cho đến lãnh đội các CLB đều là… tay mơ về luật!

Và câu hỏi tiếp theo được đặt ra, nằm ở chỗ, trong tất cả các tình huống tranh cãi đấy, tại sao quyết định của trọng tài Trần Văn Trọng chỉ theo hướng làm lợi cho một đội và gây bất lợi cho đội còn lại, khiến cho cục diện của trận cầu trên sân Thống Nhất thay đổi hoàn toàn, cuộc đua đến ngôi vô địch giữa 2 đội TPHCM và Hà Nội cũng thay đổi chóng mặt chỉ sau vài quyết định được đánh giá là “nhạy cảm” của ông Trần Văn Trọng?