1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

V-League đá theo thể thức lạ: Ý kiến trái chiều của chuyên gia

(Dân trí) - Sau khi Ban chấp hành VFF đưa ra phương án tổ chức V-League mới, nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện .

Như đã thông tin, do quỹ thời gian cho mùa giải bị co lại vì quãng nghỉ dịch Covid-19, Ban chấp hành VFF đã quyết định thay đổi thể thức thi đấu V-League 2020 để giải kết thúc đúng tiến độ, đảm bảo kế hoạch chuẩn bị của đội tuyển quốc gia vào cuối năm.

Theo đó, V-League sẽ thi đấu 13 vòng lượt đi (hiện đã diễn ra được 2 vòng), sau đó dựa vào kết quả chia thành 2 nhóm: 8 đội nhóm trên bảng xếp hạng đá vòng tròn một lượt xác định nhất, nhì, ba; 6 đội nhóm dưới đá vòng tròn một lượt xác định một đội phải xuống hạng.

V-League đá theo thể thức lạ: Ý kiến trái chiều của chuyên gia - 1

Nhiều ý kiến trái chiều về việc V-League áp dụng thể thức mới

Việc thay đổi thể thức V-League nhận được sự tán đồng của 14/15 uỷ viên ban chấp hành có mặt dự họp, trong đó có nhiều uỷ viên là đại diện các CLB. Điều đó có thấy sự hài lòng của đa số đội bóng với phương án VFF, VPF đề xuất.

Tuy nhiên, với các chuyên gia, phương án này cũng có những hạn chế nhất định. Đa số đều cho rằng cách đá như này sẽ giảm đi sự cạnh tranh. Tại lượt đi, những CLB sau khi tích luỹ đủ điểm để kết thúc trong nhóm 8 có thể không đá hết sức các vòng cuối để giữ sức cho giai đoạn 2, thậm chí chủ động "nhường điểm" cho các đội nhóm dưới đang chạy đua một suất lên nhóm trên.

Nhóm dưới cũng vậy, nhiều đội có lẽ chẳng quan tâm tới cuộc đua vô địch, và chỉ thực sự chơi hết sức ở giai đoạn 2 để trụ hạng.

Chia sẻ với báo chí, HLV Lê Thuỵ Hải cho biết, kiểu chia tách này không mới nhưng nó rất nhàm chán. Vì nhiều đội không cần lo xuống hạng nếu đã lọt top 8 đội trên. Mà 6 đội ở dưới thì cũng không thể phấn đấu cao hơn được, vì cũng chỉ đến thế.

“Ở lượt đi, nhiều đội cạnh tranh vô địch có khi không đặt mục tiêu phải đầu bảng nữa, cứ vào nhóm 8 đội đã rồi tính toán tiếp. Nhóm có khả năng xuống hạng thì trong giai đoạn đầu tiên cũng không phải quá căng sức. Theo tôi phải suy nghĩ kĩ, làm sao cho hài hòa. Bóng đá Việt Nam đang tốt thế này mà nhỡ bị sai lệch đi thì không hay”, ông Lê Thuỵ Hải chia sẻ.

Trong khi đó, BLV Quang Huy lại đưa ra ý kiến trái chiều: “Trong phương án này có sự kế thừa kinh nghiệm trước đây Việt Nam từng áp dụng tại giải A1 và cũng có cả những kinh nghiệm từ giải nước ngoài (K-League) đang áp dụng.

Và điều quan trọng nhất là rút ngắn được thời gian của giải đấu, qua đó bảo đảm tiến độ tập trung đội tuyển. Bước đầu, tôi thấy phương án này khả thi, là cách làm tốt. Tất nhiên nó vẫn có những biến thể nhưng vẫn phải nói luôn, thời điểm này không có gì là hoàn hảo cả.

Chúng ta phải chấp nhận thực tế là bao nhiêu năm mới có một đại dịch nên phải cùng nhau tháo gỡ. Điều quan trọng là số đông đã tán thành phương án”.

Còn BLV Quang Tùng ủng hộ phương án tích lũy điểm bởi nó có giá trị và làm giảm thiểu tính tiêu cực để các đội phấn đấu nhiều hơn, giành thành tích cao ngay từ giai đoạn đầu.

Về phía VFF, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Hoàn cảnh đặc biệt thì cần một phương án đặc biệt" và trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay thì không thể có phương án nào hoàn hảo.

Cũng theo ông Lê Hoài Anh, các CLB có thứ hạng cao trong nhóm 8 khi vào giai đoạn 2 sẽ được ưu tiên đá nhiều trận sân nhà hơn. Điều này tạo động lực để các CLB cạnh tranh thứ hạng trong suốt 13 vòng đấu của lượt đi.

Ngoài ra, việc có 1 suất xuống hạng - thay vì 0,5 suất hay 0 suất như một số đề xuất trước đó - sẽ tạo cạnh tranh giữa 6 đội nhóm dưới.

Hoàng Quốc