V-League 2014: Về đích… không an toàn

(Dân trí) - V-League đến lúc hạ màn, cũng là lúc mà VFF, VPF và BTC giải phải làm công việc tổng kết giải đấu. Vấn đề nằm ở chỗ lâu nay những người có trách nhiệm toàn nói chung chung, mà không đi vào bản chất và thực chất các câu chuyện.

Đi đến nơi, về không đến chốn

V-League 2014 bắt đầu với 13 đội, nhưng kết thúc giải chỉ với 12, sau khi V.Ninh Bình bỏ cuộc giữa chừng. Đây đã là năm thứ 2 liên tiếp có đội bỏ V-League khi mà giải đấu này đang diễn ra, nhưng có vẻ như những nhà tổ chức giải đấu vẫn chưa rút ra được bài học gì từ những vụ bỏ cuộc ấy.

Người ta không rút ra được bài học thể hiện qua cách người ta vẫn chuộng số lượng hơn chất lượng. Mùa tới, V-League lại đông hơn mùa này, khi số đội tham dự sẽ tăng từ 12 lên 14.

Số lượng đội tăng trong bối cảnh mà khó khăn về kinh tế vẫn bủa vây làng cầu nội, trong khi số lượng và chất lượng cầu thủ nội cũng chỉ chừng đó. Có nghĩa là nếu tăng số ượng đội dự V-League, người ta cũng phải chấp nhận luôn cả những đội không thể đảm bảo về mặt năng lực tài chính, hay phải chấp nhận những đội bóng bao gồm cả dàn cầu thủ chỉ đáng được đá ở giải hạng dưới.

Ngoài V.Ninh Bình, năm nay, HV.An Giang cũng suýt bỏ. Họ cố duy trì đội bóng đến tận giờ chót của giải được xem là may mắn với BTC. May ở chỗ HV.An Giang vẫn là đội có dính dáng với địa phương, mà địa phương thì không thể nói bỏ là bỏ đơn giản như các ông bầu. Chứ về tiềm lực kinh tế, HV.An Giang lúc này đuối lắm rồi, họ đang nợ lương, nợ tiền lót tay đầy ra đấy.

BTC liệu có nhìn thẳng vào những yếu kém của giải đấu?
BTC liệu có nhìn thẳng vào những yếu kém của giải đấu?

Hiểu một cách khác, HV.An Giang đang trả cái giá hơi cao cho giấc mơ được đá V-League vốn hơi xa tầm với của họ. Mới đây, một thành viên của HĐND tỉnh An Giang khi trả lời phỏng vấn đã nói đến khả năng địa phương không nên duy trì đội bóng theo kiểu quá tốn kém này nữa.

Có thể đấy cũng không phải là tâm lý riêng của người làm bóng đá An Giang. Bây giờ có thể vẫn còn có đội bóng háo hức lên V-League như đội chủ sân Long Xuyên, nhưng có khi lên tới nơi rồi người ta mới thấy cái giá đắt của sự chuyên nghiệp gượng ép ấy!

Bóng ma tiêu cực bao trùm bóng đá nội

Cũng vì V-League có quá đông đội, trong khi mục tiêu của nhiều đội rất khiêm tốn, nên mới có chuyện nửa sau của giải đấu là khoảng thời gian mà hàng loạt đội sau khi tiếp cận được với suất trụ hạng, đã đá bóng một cách vô hồn.

Rồi cũng từ những trận cầu không còn nhiều ý nghĩa vừa nêu, từ những trận đấu ít người để ý, cầu thủ lại rủ nhau làm bậy, cá độ bất hợp pháp và dàn xếp tỷ số.

6 cầu thủ Đồng Nai bị bắt vì bán độ trong những trận đấu ngỡ như là vô thưởng vô phạt về mặt chuyên môn. Nhưng thực ra thì càng ít người để ý, càng ít người quan tâm đến kết quả mới dễ dàng dàn xếp tỷ số. Cầu thủ biết cách “tát nước theo mưa”, họ rõ ràng đã làm bậy, nhưng cũng không thể nói những người điều hành không có lỗi khi biến V-League thành sân chơi có quá nhiều trận đấu vô nghĩa như thế!

Tiêu cực ở Đồng Nai và ở V.Ninh Bình không phải là những vụ án riêng lẻ, điều đó giới bóng đá có lẽ cũng biết lâu rồi, vấn đề ở đây là bằng chứng cụ thể, và người ta đang thắc mắc rằng sẽ có thêm bao nhiêu vụ và bao nhiêu cầu thủ đã và đang làm bậy tiếp tục được lôi ra ánh sáng?

Mất niềm tin, khán giả lại càng xa sân bóng, mục tiêu kéo khán giả trở lại sân đang dần bị phá sản. Mục tiêu cải tổ công tác trọng tài cũng không đi đến đâu, khi trọng tài nội tiếp tục là nỗi nhức nhối với cả làng cầu nội.

Thậm chí, có khi giới trọng tài bây giờ còn tinh vi hơn, khi rất nhiều sự nhức nhối về họ được Ban trọng tài cho qua, khiến cho điều mà người ta càng lúc càng nghi ngờ về tính công tâm của những người điều hành công tác trọng tài, điều hành công tác giám sát trọng tài?!

Quá nhiều vấn đề nổi cộm trong một mùa giài đầy sóng gió, nhưng e rằng ngay chính những người điều hành giải đấu cũng chưa chắc muốn mổ xẻ đến nơi đến chốn, trong lễ tổng kết mùa giải sẽ diễn ra sau đây ít ngày!

Kim Điền