1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

U17 Việt Nam không hề thất bại tại giải châu Á

Trọng Vũ

(Dân trí) - U17 Việt Nam bị loại sau vòng bảng giải U17 châu Á năm nay, nhưng đấy không phải là thất bại của đoàn quân trong tay HLV Hoàng Anh Tuấn, nếu nhìn về tương lai.

Thật ra toàn bộ hành trình đội U17 Việt Nam ở bảng D giải U17 châu Á năm nay, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ thua Nhật Bản (0-4) và Uzbekistan (0-1), đại diện của hai nền bóng đá có chất lượng đào tạo trẻ hàng đầu châu lục.

Đặc biệt là với Nhật Bản, ít có đội bóng nào tại châu Á có thể đảm bảo thắng được đại diện của bóng đá Nhật Bản, chứ không riêng gì bóng đá Việt Nam.

U17 Việt Nam không hề thất bại tại giải châu Á - 1

U17 Việt Nam thua Nhật Bản tại giải châu Á không phải là chuyện quá to tát (Ảnh: VFF).

Riêng các trận đấu với Ấn Độ và Uzbekistan, đội U17 Việt Nam chơi không hề tệ. Trước Ấn Độ, đoàn quân của HLV Hoàng Anh Tuấn ghi bàn trước, chỉ bị gỡ hòa vì thể lực sa sút trong hiệp hai và vì thiếu kinh nghiệm.

Trước Uzbekistan, chúng ta cũng không thể gỡ hòa sau khi bị thủng lưới trước, vì thiếu kinh nghiệm và vì không đủ bản lĩnh khi bị đặt vào tình thế ngặt nghèo.

Mà thể lực, kinh nghiệm và bản lĩnh không phải các yếu tố có thể đến trong ngày một ngày hai. Những yếu tố đó phải được trang bị thường xuyên. Việc cầu thủ trong lứa tuổi 17 kém về kinh nghiệm, bản lĩnh là điều gần như được dự báo từ trước, do hầu hết các cầu thủ lần đầu tham dự sân chơi quốc tế chính thức.

Còn về thể lực, đây là khâu liên quan mật thiết đến tố chất, dinh dưỡng, những yếu tố mà chúng ta cần phải cải thiện chung, chứ không riêng gì chuyện của vài cầu thủ trẻ.

Điều quan trọng nhất đối với các đội bóng trẻ nói chung, với đội U17 nói riêng là chúng ta thu được gì sau mỗi thất bại.

U17 Việt Nam không hề thất bại tại giải châu Á - 2

Đội U17 Việt Nam có thêm nhiều bài học bổ ích sau giải châu Á (Ảnh: VFF).

Về vấn đề này, HLV Hoàng Anh Tuấn lên tiếng: "Các cầu thủ U17 Việt Nam đã có trải nghiệm tốt ở giải năm nay để từ đó trưởng thành hơn. Các cầu thủ sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc thích ứng với các lối chơi khác nhau, những đấu pháp khác nhau tùy thuộc vào từng trận đấu".

"Tâm lý căng thẳng khiến các cầu thủ trẻ không thể thực hiện tốt nhất những phẩm chất của họ. Các cầu thủ chưa thể bộc lộ hết những gì họ được chuẩn bị trước và trong giải. Dù sao họ vẫn còn trẻ, nên đây sẽ là kinh nghiệm quý báu cho từng người" - ông Tuấn nói thêm.

Thật ra, việc các đội U17 không phát huy đúng những gì đã được chuẩn bị không phải là hiện tượng hiếm trên bình diện bóng đá toàn cầu. Chuyện các cầu thủ ở lứa tuổi này chưa phát triển toàn bộ các phẩm chất của họ cũng không hiếm.

Ví dụ, đội vô địch World Cup U17 nhiều lần nhất trong lịch sử là Nigeria (5 lần), đây không phải là nền bóng đá có đẳng cấp hàng đầu thế giới.

Ngược lại, Argentina, Tây Ban Nha, Đức, Italy, Hà Lan, Uruguay chưa lần nào vô địch giải đấu này, kém cả thành tích của Nga, Mexico, Thụy Sĩ và cả Saudi Arabia (những quốc gia đã có ít nhất một lần vô địch World Cup U17).

Về mặt năng lực và trình độ chung của toàn bộ nền bóng đá, cả thế giới chẳng ai dám bảo bóng đá Argentina, Tây Ban Nha, Italy, Đức thua Saudi Arabia, nhưng họ vẫn thua ở lứa tuổi 17, tức việc không có thành tích ở lứa tuổi 17 chưa hẳn là thất bại. Ngược lại, có thành tích ở lứa tuổi này cũng chưa có gì đảm bảo sẽ thành công trong khoảng thời gian sau đó.

Điều quan trọng, như đã nói, thông qua những giải đấu trẻ như thế này, các cầu thủ trẻ thu thập được những gì, rút ra bài học gì cho chính họ trên bước đường tương lai!