Trưởng giải Tanaka Koji trước sứ mệnh lịch sử của V-League

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử giải V-League có một chuyên gia nước ngoài ngồi ghế trưởng BTC giải. Ông Tanaka Koji ngồi vào đấy với biết bao kỳ vọng về sự lột xác của bóng đá nội, nhưng không phải không có thách thức dành cho ông…

Ưu thế của một chuyên gia ngoại

Ư thế lớn nhất của ông Tanaka Koji ở chỗ ông đến từ một nền bóng đá quá tiên tiến, vốn đã khẳng định được đẳng cấp, cũng như khẳng định được tính chuyên nghiệp là bóng đá nhà nghề Nhật Bản.

Cũng nhờ đến từ Nhật Bản mà vị chuyên gia người Nhật mang trong mình một phong cách làm việc theo đúng sự quy củ của bóng đá Nhật, từ đó được kỳ vọng sẽ đưa giải VĐQG Việt Nam tiến lên theo con đường chuyên nghiệp như giải J-League đã đi và rất thành công.

Bóng đá Nhật trước giờ nổi tiếng ở khả năng thu hút khán giả, nổi tiếng ở khả năng kêu tài trợ và tìm nguồn tài chính, trong khi đấy luôn là những vấn đề nổi cộm nhất của bóng đá Việt Nam.

Chuyên gia Tanaka Koji (Nhật) được kỳ vọng sẽ nâng tầm V-League
Chuyên gia Tanaka Koji (Nhật) được kỳ vọng sẽ nâng tầm V-League

Khi đưa chuyên gia Tanaka Koji đến với V-League, chính VPF cũng hy vọng rằng sự có mặt của ông này, cùng với những ý tưởng mới của ông sẽ giúp V-League kéo khán giả trở lại với các sân bóng, đồng thời bản thân các CLB cũng tìm được lối ra trong việc tìm nguồn tài chính.

Ưu thế khác của ông Tanaka là ông ít bị dư luận “soi” như các trưởng giải nội, vốn thường làm việc thiếu kiên định. Ví như ông Trần Duy Ly ở mùa giải trước, chỉ một quyết định trên sân Thanh Hóa, sau tình huống thành bàn gây tranh cãi của các cầu thủ XM Xuân Thành Sài Gòn, ông cựu trưởng giải đã có những phát biểu thiếu nhất quán.

Người hiểu chuyện cho rằng lúc ở sân Thanh Hóa, trước áp lực từ phía chủ nhà, ông Ly đã nói khác. Nhưng khi về đến Hà Nội, đứng ở tư thế khách quan hơn, vị cựu trưởng BTC V-League đã nói... ngược lại.

Với một chuyên gia ngoại như ông Tanaka, chuyện đó khó xảy ra. Thứ nhất chuyên gia ngoại thường sẽ chẳng phụ thuộc nên cũng sẽ khó có chuyện nể nang. Thứ hai, với các chuyên gia ngoại thì hiếm khi có chuyện phát biểu hồ đồ về một vấn đề mà họ chưa nắm chắc (như cách ông Ly từng phát biểu năm rồi).

Nhưng không phải không có trở ngại

Trở lại lớn nhất chính là ở chỗ ông Tanaka Koji chắc chắn không thể hiểu hết các ngóc ngách của bóng đá nội như các trưởng giải nội.

Đành rằng vị chuyên gia người Nhật muốn thay đổi bóng đá Việt Nam, muốn hướng V-League đi theo sự quy củ của J-League. Nhưng để đi đến đích được hay không lại là chuyện khác.

Bóng đá Việt Nam đâu có chuyên nghiệp như bóng đá Nhật Bản. Lâu nay người làm bóng đá nội làm bóng đá theo kiểu cả nể, hay làm theo hình thức. Ngay chính VPF riêng cái chuyện hệ thống chiếu sáng ở các sân bóng mà còn không giải quyết đến nơi đến chốn thì lấy gì để đòi hỏi các đội bóng tham dự sân chơi do VPF tổ chức phải hành xử chuyên nghiệp.

Thay đổi ý thức của cả hệ thống vốn quen làm kiểu nghiệp dư, quen đặt “lệ” trên “luật” là chuyện không phải muốn là được. Ngoài ra yếu tố mà bóng đá nội cần phải thay đổi nhất chính là cách làm bóng đá của các CLB (tức là phần gốc), chứ không phải là thay đổi ông trưởng giải (tức là phần ngọn). Thay đổi phần ngọn bây giờ, trong khi phần gốc chưa vững thì cũng chưa có gì đảm bảo rằng sự phát triển của bóng đá nội sẽ vững.

Một yếu tố khác không thể không tính đến, khi còn làm việc tại Nhật, ông Tanaka Koji mới chỉ có kinh nghiệm điều hành ở cấp CLB (GĐĐH của CLB Vegalta Sendai, giai đoạn 2003 – 2005), trong khi công việc của ông ở Việt Nam có tầm lớn hơn nhiều, đấy là điều hành nguyên cả giải đấu.

Khác biệt về vị trí không hề nhỏ ấy có thể khiến ông Tanaka gặp khó khăn trong việc “bắt bệnh” nguyên cả một giải đấu, bắt bệnh nguyên cả một hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của một quốc gia!

Kim Điền
Dòng sự kiện: V-League 2014

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm