Toan tính đánh bại Việt Nam, bóng đá Thái Lan chưa vươn nổi ra "biển lớn"
(Dân trí) - Tính luôn chủ tịch FAT, ông Somyot Poompunmuang, đã có quá nhiều người của bóng đá Thái Lan đòi đánh bại đội tuyển Việt Nam tại King’s Cup. Một trận đấu ở một giải đấu giao hữu mà người Thái luôn miệng đòi ăn thua đủ với đối thủ, thì không khó hiểu khi họ mãi chưa thể vươn tầm.
Người đừng đầu Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT), ông Somyot Poompunmuang cho rằng nếu bóng đá Thái Lan đoàn kết, đội bóng đất Chùa Vàng không ngán đội tuyển Việt Nam, với đại ý, các CLB hãy “nhả” người cho đội tuyển quốc gia dự King’s Cup, để đội tuyển Thái Lan đủ mạnh để đánh bại các đội dự giải, trong đó có đội tuyển Việt Nam.
Thái Lan sẽ mở đầu King’s Cup năm nay bằng trận đấu với đội tuyển Việt Nam, trận đấu mà họ một mực đòi bốc thăm lại, rồi còn bị nghi ngờ dàn xếp kết quả bốc thăm để sớm được đụng độ đội tuyển Việt Nam (ban đầu, theo truyền thống của King’s Cup nhiều năm qua, các cặp đấu gặp nhau theo xếp hạng của các đội ở bảng xếp hạng của FIFA, và Thái Lan lẽ ra gặp Ấn Độ).
Cả nền bóng đá Thái Lan trước đó và sau đó dường như chỉ có một đề tài để nói, là làm sao để đội tuyển Thái Lan đánh bại đội tuyển Việt Nam tại King’s Cup.
Thái Lan vốn luôn cho rằng mình là nền bóng đá số 1 Đông Nam Á, nhưng càng lúc càng lộ rõ tính chất muốn hơn thua với đội tuyển Việt Nam, chỉ sau hơn 1 năm mà bóng đá Việt Nam thành công hơn bóng đá Thái Lan ở cấp độ các đội tuyển, phần nào phản ánh nền bóng đá xứ Chùa Vàng vẫn chưa thoát khỏi suy nghĩ “ao làng”.
Đã là một nền bóng đá lớn, lẽ ra họ nên tính đến việc lớn, cụ thể là làm sao để chinh phục vòng loại World Cup, hay gia nhập nhóm các đội mạnh nhất châu Á, chứ không phải toan tính nhỏ nhặt trong từng kết quả bốc thăm, ở một giải đấu giao hữu, mà có thắng đối thủ đi chăng nữa cũng chẳng giải quyết việc gì, chẳng phản ánh được rằng mình đã hơn đối phương!
Hoá ra lâu nay bóng đá Thái Lan đôi lúc chỉ cử đội hình hai tham dự một số giải đấu khu vực là vì họ nghĩ rằng họ mạnh nhất, không đội nào ngăn cản được họ bước lên bục cao nhất, chứ chưa chắc do Thái Lan nghĩ xa đến việc phát triển các cầu thủ trẻ, hoặc nghĩ đến dùng giải đấu gần để chuẩn bị cho mục tiêu xa (ví dụ dùng lứa U21 tham dự giải U23 châu Á năm 2018 và Asiad 2018, để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 mà Nhật Bản từng thực hiện chẳng hạn).
Khi xuất hiện đối trọng thật sự tại Đông Nam Á, như đội tuyển Việt Nam hơn 1 năm qua, việc đầu tiên là bóng đá Thái Lan lo mất ngôi vị của mình đối với bóng đá khu vực, lo mất mặt với đội tuyển Việt Nam ngay cả ở một giải đấu giao hữu, chứ không phải lo chuyện chinh phục vòng loại World Cup, hay theo đuổi giấc mơ vào nhóm đầu châu Á.
Trước đối thủ đầy tính hơn – thua như thế, nếu đội tuyển Việt Nam cũng lao vào chuyện hơn – thua với họ, thì chúng ta có khi cũng sa vào vết xe đổ của chính họ: Mãi quanh quẩn với vùng trũng nhất của bóng đá thế giới, quanh quẩn với những mục tiêu nho nhỏ, chủ yếu để đối phó với áp lực dư luận!
Trọng Vũ