1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Để thể thao Việt Nam vươn ra biển lớn

Thể thao Việt Nam đang đứng ở đâu?

Kết thúc Asiad 19, có ý kiến cho rằng Thể thao Việt Nam đã "ảo tưởng" vì dẫn đầu 2 kỳ SEA Games liên tiếp nhưng đến đấu trường châu Á lại chỉ có thành tích khiêm tốn so với nhiều nước khu vực.

Vậy trên thực tế, Thể thao Việt Nam có thực sự "ảo tưởng" với những thành tích chúng ta đạt được? Kết quả tại Asian Games 19 đã được dự báo trước? Bằng loạt bài này, Văn Hóa sẽ cùng các chuyên gia, nhà quản lý, VĐV thành tích cao đưa ra cái nhìn sâu hơn trên tinh thần công tâm, khách quan và xây dựng về thành tích cũng như bài học để góp phần đưa Thể thao Việt Nam vươn tầm ra đấu trường châu lục và thế giới.

Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra khi nói về thành tích của chúng ta tại đấu trường châu lục, vừa được tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ ngày 23/9 đến 8/10. Thực ra với các nhà quản lý, các chuyên gia thể thao, thành tích này không là bất ngờ và đã phản ánh đúng thực lực của Thể thao Việt Nam tại đấu trường châu lục.

Thể thao Việt Nam đang đứng ở đâu? - 1

Đội tuyển cầu mây nữ 4 người giành tấm HCV thứ 2 cho Thể thao Việt Nam tại Asian Games 19 (Ảnh: Quý Lượng).

Kết quả đã được dự liệu từ trước

Để trả lời câu hỏi: Thể thao Việt Nam có "ảo tưởng" không? Chúng ta chỉ cần căn cứ vào thành tích Đoàn Thể thao Việt Nam đạt được tại Asian Games 19 và mục tiêu mà Đoàn đề ra trước khi lên đường. Tại Lễ xuất quân Đoàn Thể thao Việt Nam lên đường tham dự Asian Games 19, tổ chức tại Hà Nội vào chiều tối ngày 16/9, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt đã báo cáo về công tác chuẩn bị trong đó nhấn mạnh, mục tiêu của Thể thao Việt Nam tại Đại hội là đoạt được từ 2-5 HCV. Đây cũng là mục tiêu mà Cục Thể dục thể thao đã báo cáo với các cấp, ngành có liên quan trước khi lên đường.

Và kết quả đoạt được tại Đại hội có đúng như những gì Đoàn đã dự liệu? Theo bảng tổng sắp kết thúc Asian Games 19 của ban tổ chức Đại hội, nếu xét theo số lượng huy chương vàng đoạt được, Đoàn Thể thao Việt Nam đứng ở vị trí thứ 21 với 3 HCV ở các môn Bắn súng, Cầu mây, Karate.

Nếu xét theo số lượng huy chương, Đoàn Thể thao Việt Nam đứng ở vị trí thứ 14 với 27 huy chương các loại trong đó có 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 19 huy chương đồng. Như vậy nếu xét về chỉ tiêu tối thiểu, Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành vượt mức 2 HCV và chưa đạt được chỉ tiêu tối đa. Những thông số trên đã đủ cho thấy Thể thao Việt Nam có "ảo tưởng" không khi xác định chỉ tiêu khớp như những gì thực tế diễn ra.

Và điều đó cũng khẳng định, công tác rà soát, phân tích thông tin về các đối thủ của chúng ta khá chuẩn xác nên mục tiêu và kết quả đạt được là trùng khớp. Vì thế không có chuyện Thể thao Việt Nam "ảo tưởng" bởi chúng ta đã phân tích và biết được mình đang ở đâu trên bản đồ thể thao đỉnh cao của đấu trường châu lục để đề ra chỉ tiêu phù hợp. Và thành tích tại 2 kỳ SEA Games mà gần nhất là SEA Games 32 đã là một trong những căn cứ để ngành xác định chỉ tiêu tại đấu trường lớn nhất châu lục.

Trên bảng xếp hạng cuối cùng của Đại hội, dẫn đầu 3 vị trí cao nhất là 3 cường quốc: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với phân tích của các nhà khoa học về TDTT. Theo đó, thể thao thành tích cao chính là sự cạnh tranh quyết liệt của những nền kinh tế lớn. Tại đấu trường Olympic, sự cạnh tranh đó sẽ diễn ra giữa các nền thể thao của những nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh như bảng tổng sắp của Olympic Tokyo 2020.

Thể thao Việt Nam đang đứng ở đâu? - 2

Tấm HCB của Nguyễn Văn Khánh Phong mang dấu ấn lịch sử, khi sau 40 năm thể dục dụng cụ nam mới có HCB ở đấu trường Asian Games (Ảnh: Quý Lượng).

Ở Asian Games, sẽ là cuộc cạnh tranh của các nền kinh tế lớn nhất châu lục là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là 3 cường quốc dẫn đầu tại Asian Games 19. Các nền kinh tế lớn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của thể thao thành tích cao. Đó là sự đầu tư, sự áp dụng khoa học công nghệ, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, việc kêu gọi các nguồn tài trợ đầu tư cho thể thao thành tích cao...

Những tấm huy chương quý hơn vàng

Cũng trên bảng tổng sắp, trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan dẫn đầu ở vị trí thứ 8 với 12 huy chương vàng; tiếp theo là Indonesia đứng thứ 13 với 7 huy chương vàng, Maylaysia ở vị trí thứ 14 với 6 huy chương vàng, Philippines ở vị trí 17 với 4 HCV, Singapore đứng ở vị trí thứ 20 với 3 HCV. Các đoàn này xếp trên Việt Nam trong đó Indonesia, Thái Lan, Singapore là những nước có nền kinh tế xếp trên Việt Nam và kết quả mà các Đoàn thể thao này đạt được cũng đúng như nhận định của các nhà nghiên cứu khoa học TDTT.

Phân tích các môn thể thao đạt huy chương vàng của các nước Đông Nam Á, chúng ta thấy rất rõ, hầu hết huy chương của họ đến từ các môn thể thao xã hội hóa và các môn thể thao truyền thống và có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học.

Đơn cử như Thái Lan đạt 12 huy chương vàng trong đó có 2 huy chương vàng từ môn Golf, 1 huy chương vàng từ môn eSports, 3 huy chương vàng từ môn thuyền buồm, 4 huy chương vàng từ môn cầu mây; Malaysia 6 huy chương vàng trong đó có một chiếc từ môn cưỡi ngựa, một từ môn thuyền buồm và 3 từ môn Squash; Singapore 3 huy chương vàng trong đó có 2 chiếc từ môn thuyền buồm... 

Trong khi đó ở Việt Nam, việc đầu tư cho thể thao còn nhiều hạn chế, chưa hình thành được hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học nên rất khó khăn trong công tác tìm kiếm, đào tạo lực lượng VĐV có chất lượng cho các đội tuyển.

Bên cạnh đó, dù được Đảng, Nhà nước và các cấp quan tâm nhưng sự đầu tư cho các đội tuyển quốc gia còn chưa được như mong muốn, chủ yếu dừng ở mức thi đấu, tập huấn. Điểm qua cơ sở vật chất dành cho việc tập luyện của các VĐV tại nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, chúng ta đã phải "ngước nhìn". Vì thế mỗi tấm huy chương đoạt được của các VĐV Việt Nam tại đấu trường khu vực đều là kết quả của những giọt mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu trên các thảm tập, bể bơi, đường chạy.

Chứng kiến quá trình thi đấu của các VĐV Việt Nam tại Asian Games mới biết được nỗi cực nhọc của các VĐV Việt Nam. Ở môn Thể dục, bên cạnh sự xuất sắc của Nguyễn Văn Khánh Phong khi mang về chiếc huy chương bạc quý giá, người ta còn xúc động trước tấm gương vượt qua chấn thương và bệnh tật của VĐV kỳ cựu Lê Thanh Tùng.

Dù chấn thương đeo bám triền miên và bị căn bệnh gút phát tác tại Asian Games 19 nhưng Tùng không dám uống thuốc trị bệnh gút, không dám dùng thuốc giảm đau vì sợ dính doping để nỗ lực thi đấu và hoàn thành bài thi hay như cô gái bé nhỏ, hạt tiêu Nguyễn Thị Oanh, từng mắc căn bệnh viêm cầu thận tưởng chừng phải giải nghệ nhưng đã nỗ lực vượt qua bệnh tật để thi đấu tỏa sáng ở đấu trường khu vực.

Tại đấu trường Asian Games, việc Oanh không thể vượt qua các đối thủ mạnh trong đó có đối thủ nhập tịch là điều dễ hiểu và giới chuyên môn chắc chắn sẽ không có gì phải trách móc, vì cô đã thi đấu hết khả năng của mình.

3 tấm huy chương vàng đã đoạt được là vô cùng quý giá, nhưng cũng có những tấm huy chương bạc cũng đáng trân trọng như ở môn Bắn súng, chiếc huy chương bạc đầu tiên của Ngô Hữu Vương là cả một nỗ lực lớn khi anh thi đấu vượt qua thành tích đoạt huy chương đồng ở kỳ Đại hội trước và vượt được 2 đối thủ mạnh từ Trung Quốc và Hàn Quốc để đoạt huy chương đáng quý.

Về thời điểm, đó cũng là chiếc huy chương bạc đầu tiên của Đoàn Thể thao Việt Nam sau 3 ngày thi đấu chưa có huy chương nên đây là tấm huy chương có ý nghĩa khích lệ, tạo động lực, niềm tin cho Đoàn Việt Nam ở các ngày thi đấu tiếp theo.

Chiếc huy chương bạc quý giá thứ 2 nữa do công của VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong môn Thể dục dụng cụ. Đây là tấm huy chương mang dấu ấn lịch sử khi sau 40 năm, thể dục dụng cụ nam mới có huy chương bạc ở đấu trường Asian Games.

Khánh Phong đã vượt qua các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Triều Tiên để đoạt huy chương trong sự cảm phục của bạn bè châu lục. Nguyễn Văn Khánh Phong là VĐV sinh năm 2002, đơn vị chủ quản là TP.HCM. Đây là VĐV trẻ đầy tiềm năng của Thể dục dụng cụ Việt Nam.

Nếu tiếp tục được đầu tư và giữ được phong độ, Khánh Phong chắc chắn sẽ là niềm hy vọng của Thể dục dụng cụ Việt Nam trên các đấu trường quốc tế.

Ngoài nỗ lực của bản thân VĐV, tài năng của Khánh Phong hay nhiều VĐV khác sẽ chỉ được phát huy nếu được vun đắp, được đầu tư tốt và đó cũng là bài toán Thể thao Việt Nam phải giải nếu muốn có thêm những tấm huy chương tầm cỡ tại đấu trường châu lục và thế giới. 

Theo Thu Sâm

Báo Văn hóa