"Thể thao Việt Nam ưu tiên SEA Games, chậm phát triển ở châu lục"
(Dân trí) - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban TDTT, cựu trưởng đoàn thể thao Việt Nam nhiều kỳ đại hội, ông Nguyễn Hồng Minh đã có góc nhìn tâm huyết về thể thao Việt Nam ở Asiad 19.
Từ Asiad 19, nhìn lại thực trạng của thể thao Việt Nam
Trước hết, tôi xin tỏ lòng trân trọng và cảm phục các vận động viên (VĐV) của chúng ta đã nỗ lực hết sức trên đấu trường Asiad. Trình độ thể thao châu lục rất cao, với hàng trăm nhà vô địch châu lục và thế giới ở các môn cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ, bắn cung, bóng bàn… Nói như thế để thấy các VĐV Việt Nam phải tranh tài ở đấu trường cực kỳ khốc liệt.
Điều đó là trở ngại lớn, cản trở các VĐV của chúng ta giành huy chương. Với tư cách là người "lính già" trong làng thể thao, là người trong cuộc trong rất nhiều năm và từng trải qua nhiều vinh quang và cay đắng của thể thao Việt Nam, tôi trân trọng, chúc mừng những VĐV Việt Nam đã nỗ lực mang về thành tích cho Việt Nam.
Tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của các xạ thủ bắn súng với thành tích 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ. Tôi cũng nể phục các VĐV thể dục dụng cụ, khi VĐV Khánh Phong đã xuất sắc giành 1 HCB. Đây là huy chương có lẽ được đánh giá rất cao bởi châu Á là nơi tập trung những VĐV xuất sắc nhất thế giới. Các VĐV Rowing hay cầu mây cũng đã hết sức cố gắng.
Nói chung thành tích 2 HCV, 3 HCB và 14 HCĐ của thể thao Việt Nam đã được đánh đổi bằng mồ hôi xương máu và sự nỗ lực của các VĐV đoàn thể thao Việt Nam. Điều đó rất đáng trân trọng.
Việt Nam bắt đầu tham gia kỳ Asiad đầu tiên ở New Dehli năm 1982 với 40 VĐV tham dự ba môn. Ở giải đấu đó, VĐV Nguyễn Quốc Cường đã giành 1 HCĐ ở môn bắn súng. Trong suốt quá trình tham gia 9 kỳ Asiad cho tới Jakarta 2018, thể thao Việt Nam đã lớn mạnh. Nếu như ở Asiad 1994 ở Hiroshima, chúng ta chỉ cử 84 VĐV thi đấu ở 8 môn thì tới kỳ Asiad 18 tại Jakarta, thể thao Việt Nam đã có tới 352 VĐV và tham dự 32 môn.
Trong quá trình đó, lực lượng VĐV của chúng ta ngày càng nâng tầm phát triển để đạt được thành tích ở Asiad. Chúng ta có 1 HCV ở môn Taekwondo vào năm 1994 và có thêm 1 HCV nữa ở Asiad 1998 cũng ở môn thể thao này.
Tới năm 2002, đoàn thể thao Việt Nam đã có tới 4 HCV và tiếp nối với 3 HCV ở Asiad 2006 tại Doha (Qatar). Trong hai kỳ Asiad 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc) và Asiad 2014 ở Incheon (Hàn Quốc), các VĐV châu lục phát triển rất mạnh, chúng ta đã không thể duy trì số HCV nhiều như trước khi đều chỉ có 1 HCV. Nhưng tại giải đấu ở Quảng Châu, đoàn Việt Nam giành tới 17 HCB.
Cho tới Asiad 2018 tại Jarkata (Indonesia), chúng ta đã thắng lợi với 4 HCV, 15 HCB và 19 HCĐ. Nếu kể cả HCV của Quách Thị Lan do đối thủ dính doping, chúng ta có 5 HCV, trong đó có 2 HCV điền kinh.
Nhìn vào những thành tích này, chúng ta thấy quá trình dài 41 năm, thể thao Việt Nam rất chật vật ở đấu trường Asiad vì trình độ phát triển thể thao ở châu lục rất cao. Điều này khác hoàn toàn so với đấu trường SEA Games. Mặc dù thể thao Việt Nam có tiến bộ nhưng kết quả của chúng ta không ổn định.
Nguyên nhân vì nhiều nước ở châu Á đều đầu tư rất cao cho thể thao thành tích cao. Ngay cả những nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đẩy mạnh đầu tư và ngày càng chú trọng tới việc gặt hái thành công ở tầm châu lục. Họ đánh giá cao vai trò chính trị của thể thao là biện pháp, chính sách nâng cao vị thế của quốc gia. Do vậy, họ tập trung đầu tư cho thể thao phát triển.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã áp dụng mạnh mẽ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật có liên quan đến thể thao để cải tiến kỹ thuật, hệ thống huấn luyện, đầu tư trang thiết bị hiện đại và chăm sóc sức khỏe, khả năng hồi phục cho VĐV.
Các quốc gia này còn tăng cường giao lưu, trao đổi thể thao, tổ chức tập huấn, tham gia các giải đấu hữu nghị cũng như chính thức ở châu lục, quốc tế cũng như nỗ lực giành vé vượt qua vòng loại, chuẩn bị cho các chu kỳ Olympic. Tất cả những điều này là các biện pháp tích cực để phát triển thể thao thành tích cao.
Ngoài ra, chúng ta còn thấy những xu hướng tiêu cực của thể thao khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới, đó là chuyển nhượng VĐV. Các quốc gia có tiền nhưng không chịu được tiến trình khốc liệt của tuyển chọn VĐV, họ đã nhập tịch VĐV của các nước để thi đấu cho màu cờ sắc áo của nước mình.
Những yếu tố trên đều gây trở ngại cho con đường tiến lên của thể thao Việt Nam. Đối với riêng thể thao Đông Nam Á, tại đấu trường Asiad trong 20 năm qua, Việt Nam không vượt qua được một số nước, trong đó đứng đầu là Thái Lan, thứ hai là Indonesia và sau này còn có thêm Singapore, Malaysia hay kể cả Philipines.
Đáng chú ý, các quốc gia trong khu vực đều tìm kiếm một số môn thi đấu để đầu tư trọng điểm. Do đó, họ không chỉ đạt được thành tích tốt ở châu Á mà còn cả Olympic. Đơn cử như Thái Lan có taekwondo, boxing, Indonesia có cử tạ, cầu lông, bắn súng, Malaysia nổi bật với cầu lông, Singapore rất mạnh về bơi.
Trước Asiad 19, đoàn thể thao Việt Nam đã hai lần liên tiếp đứng đầu SEA Games nhưng tại đấu trường châu lục, chúng ta lại xếp sau họ. Cho tới thời điểm này, Thái Lan đã có 10 HCV, Indonesia có 6 HCV, Singapore hay Malaysia đều có 3 HCV. Không chỉ có kỳ Asiad 19, trong những kỳ trước đó, chúng ta đều không có thành tích tốt bằng họ.
Tại sao chúng ta chiến thắng một cách toàn diện tại SEA Games nhưng lại thất bại ở Asiad? Nên nhớ, ở kỳ SEA Games 32 tại Campuchia vừa qua, Thái Lan chỉ xếp thứ 2, Indonesia đứng thứ 3, thậm chí, Singapore xếp thứ 6, còn Malaysia đứng thứ 7. Nhưng ở kỳ Asiad 19, họ đều có xếp hạng cao hơn Việt Nam.
Đặc biệt, chúng ta cảm nhận các đoàn thể thao trong khu vực có sự vươn lên đáng ngạc nhiên. Như Singapore đã giành HCV ở nội dung chạy 200m nữ hay HCB ở nội dung 100m nữ, Thái Lan có 2 HCV Taekwondo, 3 HCV đua thuyền buồm, Philippines có HCV ở nội dung nhảy sào nam hay Indonesia có 2 HCV ở môn bắn súng.
Các nhà quản lý và hoạch định chiến lược thể thao cần nhìn nhận và suy nghĩ nghiêm túc về điều này, để tìm ra nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên.
Thể thao Việt Nam chỉ tập trung SEA Games, chưa ưu tiên Asiad
Để phát triển thể thao thành tích cao cần có nhiều yếu tố quan trọng. Đầu tiên là việc hoạch định chiến lược phát triển. Khi có chiến lược rồi, chúng ta cần có sự đầu tư tương xứng cho việc thực hiện.
Muốn có VĐV có thành tích cao, hệ thống tuyển chọn và đào tạo cần phải diễn ra thời gian rất dài. Có những môn, chúng ta chỉ mất 8-10 năm sẽ đào tạo được VĐV đạt trình độ châu lục nhưng có nhiều môn phải mất tới 20 năm. Vậy thì hệ thống tuyển chọn và đào tạo ấy cần ổn định và phải được đầu tư tương xứng.
Muốn giúp VĐV nâng cao về tố chất thể lực, kỹ thuật, trình độ cần phải áp dụng khoa học liên quan tới con người, như những vấn đề về sinh học, chăm sóc sức khỏe, chữa trị hồi phục chấn thương, dinh dưỡng, cải tiến phương tiện dụng cụ tập luyện và thi đấu…
Chúng ta cũng cần có hệ thống huấn luyện khoa học, luôn được cải tiến. Trình độ của khoa học của thể thao thế giới phát triển rất cao, trong khi đó, trình độ của chuyên gia về lĩnh vực này của thể thao Việt Nam còn hạn chế. Do đó, chúng ta cần phải đầu tư mời những chuyên gia giỏi.
Tất cả những vấn đề tôi trình bày ở trên đều cần sự đầu tư về tiền bạc. Đối với thể thao thành tích cao của Việt Nam, chúng ta chưa bao giờ nhận được sự đầu tư tương xứng cho việc đào tạo VĐV thành tích cao. Điều này dẫn tới việc VĐV của chúng ta khó có thể đạt tới trình độ phát triển cao.
Tuy nhiên, có một số chuyên gia cho rằng cần phải xem lại việc đầu tư có đúng hướng hay không. Ở đây là vấn đề đầu tư tập trung hay đầu tư dàn trải. Đây chính là mâu thuẫn trong quá trình dài của thể thao Việt Nam, khi chiến lược phát triển xác định lấy đấu trường SEA Games làm ưu tiên.
Chúng ta luôn xác định giành vị trí trong top 3 toàn đoàn ở giải đấu cấp độ khu vực. Các nhà quản lý và hoạch định thể thao chưa xác định mục tiêu từng bước tiến lên đấu trường Asiad hoặc Olympic.
Tôi nhớ trong chiến lược được Chính phủ phê duyệt năm 2010, mục tiêu đầu tiên là luôn nằm trong top 3 ở SEA Games. Thứ hai mới là lựa chọn một số VĐV và bộ môn để vươn lên đấu trường châu lục hoặc thế giới.
Nhưng trong nhiều năm qua, những nhà quản lý chỉ tập trung vào mục tiêu tập trung cho đấu trường SEA Games, còn việc vươn lên đấu trường châu lục chưa được thực hiện một cách nghiêm túc như chiến lược đã đề ra.
Gần như, chúng ta không có sự đầu tư tương xứng cho các sự kiện thể thao ở châu lục. Tôi lấy ví dụ, chúng ta tập trung nguồn lực khi cử đoàn thể thao gần 1000 người sang Campuchia dự SEA Games 32. Sau đó, chúng ta mới quay trở lại chuẩn bị cho Asiad ở Hàng Châu.
Đương nhiên thể thao là quá trình liên tục nhưng vì nhiệm vụ trọng tâm, chúng ta chỉ tập trung cho việc giành huy chương ở SEA Games. Chỉ tới khi hết giải đấu này, chúng ta mới dành tâm trí cho Asiad.
Tôi biết có một số đội tuyển như bơi lội, bắn súng cũng được đi tập huấn ngắn ngày ở các quốc gia phát triển để chuẩn bị cho Asiad 19 nhưng như một nhà lãnh đạo thể thao xác định và báo cáo với cấp trên rằng SEA Games vẫn là trọng tâm.
Quan điểm này đã trở thành đề tài đấu tranh gay gắt trong 20 năm qua. Đã có lúc sự quan tâm cho đấu trường châu lục tăng lên nhưng đáng tiếc, cho đến bây giờ, những nhà quản lý vẫn chưa quyết tâm thực hiện bước đi của chiến lược, đó là đưa thể thao Việt Nam lên tầm châu lục.
Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến thể thao Việt Nam chậm phát triển trên đấu trường châu lục. Điều đó dẫn tới việc chúng ta có thể giành vị trí nhất toàn đoàn ở SEA Games, bỏ xa các đối thủ nhưng khi bước ra đấu trường châu Á, thể thao Việt Nam lại không thành công. Như tờ CNN Indonesia bình luận: "Thể thao Việt Nam là người khổng lồ ở SEA Games nhưng chỉ là tí hon ở Asiad".
Việc này rõ ràng để lại cho chúng ta những suy nghĩ. Tôi đã theo dõi nhiều bài phản ánh của những tờ báo Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Họ có nhiều bài viết chỉ ra vấn đề trong chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam nhưng đáng tiếc cho tới nay, cách làm này vẫn chưa thay đổi.
Có một vấn đề nhiều người bàn tán, đó là việc trước khi lên đường tham dự Asiad 19, chúng ta đã đặt ra chỉ tiêu từ 2-5 HCV. Tôi cho rằng mục tiêu này là xác thực. Bởi vì lãnh đạo của thể thao Việt Nam biết rằng thực lực của chúng ta chỉ có như vậy. Họ hy vọng nhiều nhất vào hai môn cầu mây và cờ tướng. Hai môn đó đã thành công khi giành được HCV và HCB.
Nhưng chỉ số dao động 2-5 HCV, sở dĩ chúng ta đặt mục tiêu có khoảng cách xa như thế là vì khi hoạch định và xác định chỉ tiêu, các nhà lãnh đạo chưa đủ căn cứ và khả năng chắc chắn giành HCV. Cuối cùng, dự báo đó đã đúng. Tôi chia sẻ sự lo lắng, căng thẳng của các nhà quản lý trong suốt thời gian diễn ra Asiad 19.
Hướng phát triển mới cho thể thao Việt Nam
Nhiều dự đoán trước thềm Asiad 19 chưa chính xác, nhiều VĐV chưa đạt thành tích cao như kỳ vọng. Điều này dễ hiểu bởi trình độ VĐV của chúng ta chưa ổn định ở đỉnh cao nên không đủ trình độ để thi đấu với những VĐV tầm cỡ châu lục và thế giới. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản gần như giành trọn các HCV ở giải đấu này.
Cần nói thêm về Trung Quốc. Ngay từ khi bắt đầu tham dự Asiad, Trung Quốc đã xác định luôn phải đứng đầu. Sự đầu tư cho thể thao của các nước phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản rất bài bản và rõ ràng.
Nhưng ở đây, chúng ta phải nói về các quốc gia có dân số hay kinh tế chưa bằng Việt Nam nhưng họ vẫn chọn ra một số môn thể thao để vươn lên ở đấu trường châu lục. Đó là điều chúng ta cần phải tính toán.
Tôi đánh giá Việt Nam có nhiều VĐV nằm trong top 8 ở các môn thể thao ở châu lục nhưng để giành HCV, đó lại là khoảng cách khá lớn. Chưa kể bên cạnh HCV còn có các kỷ lục. Chính vì vậy, chúng ta chỉ có thể hy vọng những VĐV sẽ giành HCV. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức hy vọng thôi.
Tôi cho rằng ban huấn luyện của các đội tuyển đều biết thực lực và đánh giá VĐV. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận thẳng vào thực tế rằng các VĐV của chúng ta vẫn có trình độ thấp so với các VĐV ở châu lục. Câu hỏi đặt ra là tại sao dẫn tới trình trạng này? Chúng ta cần phải xem xét lại chiến lược và việc thực hiện chiến lược.
Trong những năm qua, chúng ta luôn trăn trở vấn đề đầu tư cho các môn thể thao. Trước nay, kinh phí hoạt động của hầu hết các môn thể thao đều dựa vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó, các nước có nền thể thao phát triển đều đầu tư cho thể thao bằng nguồn xã hội hóa. Ở đó, vai trò của các Liên đoàn thể thao rất lớn.
Ngay cả những nước như Trung Quốc cũng bắt đầu sử dụng nguồn xã hội hóa từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư cho những VĐV đỉnh cao, thay vì bao cấp của nhà nước như trước đây.
Tôi khẳng định rằng nếu dựa vào ngân sách nhà nước thì không bao giờ đáp ứng được nhu cầu của việc đào tạo và nâng cao trình độ của VĐV. Muốn đủ tiền, chúng ta cần có chủ trương, chính sách xã hội hóa thể thao.
Thực tế, một vài môn thể thao ở Việt Nam đã tiếp xúc với nguồn xã hội hóa nhưng về cơ bản, phần lớn các đội tuyển vẫn hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước. Đó là hạn chế cho sự phát triển của thể thao Việt Nam.
Cuối cùng, tôi thấy chúng ta cần phải xem xét lại chủ trương và xác định vai trò của thể thao thành tích cao Việt Nam, đặc biệt là cần xác định mục tiêu, phát triển cho đấu trường SEA Games hay châu lục.
Trách nhiệm này thuộc về các nhà quản lý thể thao Việt Nam và Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch. Đây là cơ quan tham mưu cho Chính phủ và hoạch định chiến lược thể thao Việt Nam. Để hòa nhập quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam tại châu lục và thế giới, việc phát triển thể thao thành tích cao là điều vô cùng cần thiết.
Nguyễn Hồng Minh