1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Thầy Mẫn đi dạy đá bóng

(Dân trí) - Một trận đấu bóng đặc biệt. Những “cầu thủ” đặc biệt và một ông HLV đặc biệt. Đó là những trận đấu vẫn diễn ra vào các sáng chủ nhật hàng tuần tại làng trẻ mồ côi Birla (Hà Nội). Người chơi bóng, tất nhiên là những đứa trẻ, còn người dạy đá bóng là một gương mặt quen thuộc với các buổi bình luận thể thao trên ti vi: cựu danh thủ - thầy giáo Đặng Gia Mẫn.

1. Duyên hội ngộ

 

Cuối năm ngoái, giữa lúc vụ án bóng đá của những Quốc Vượng, Văn Quyến đang ở giai đoạn cao trào, ông Đặng Gia Mẫn được một kênh truyền hình mời lên bình luận. Và ông nói: “ Cầu thủ bây giờ hưởng thụ nhiều quá, nhưng lại hiểu biết về đời, về cuộc sống ít quá. Theo tôi, để có thể sớm trở lại là mình thì Văn Quyến hàng tuần nên đến các làng trẻ mồ côi để đá bóng cùng các em nhỏ ở đây”. 

 

Các thầy cô giáo ở làng trẻ mồ côi BirLa (Hà Nội) xem chương trình này, nghe câu nói này thì phấn khởi lắm. Nhưng họ chờ hoài, chờ hoài mà chẳng thấy Văn Quyến xuất hiện, thế là một ý tưởng được nảy ra: “bắt đền” thầy giáo Mẫn.

 

Chị Nguyễn Phương, người phụ trách văn hoá - thể thao của làng lấy can đảm tới nhà thầy Mẫn đề nghị: “Văn Quyến không đến thì thầy đến đá bóng với tụi trẻ vậy”. Nào ngờ, thầy Mẫn gật đầu ngay. Và thế là từ đó đến giờ, ròng rã 5 tháng, sáng chủ nhật nào thầy Mẫn cũng phóng 1 giờ xe từ nhà lên đây cùng tụi trẻ.

 

Thầy bảo: “Mình xưa là cầu thủ, giờ cũng đang công tác trong ngành sư phạm (dạy toán trường Lương Thế Vinh), nên thích những buổi gặp gỡ, giao lưu với tụi trẻ lắm”.    

 

2. Cup C1 - C2 - C3 giữa các nhà

 

Cũng như những làng trẻ mồ côi khác, những đứa trẻ ở làng BirLa được xếp vào ở thành từng nhà. Mỗi nhà gồm khoảng 40 em, do một cô giáo (được gọi là “mẹ”) trông nom, quản lý. Kể từ ngày có sự xuất hiện của thầy giáo Đặng Gia Mẫn thì ở đây đã có các giải đấu giữa các nhà, được gọi là Cup C1 (dành cho những em nam từ 12 - 15 tuổi), Cup C2 (dành cho các em nam từ 8 - 11 tuổi) và cup C3 (dành cho các em nữ).

 

Thầy Mẫn đi dạy đá bóng - 1

Thầy Mẫn chỉ đạo đấu pháp cho các cầu thủ "nhí".

 

Gọi là “Cúp” cho oai, chứ thực tình các trận đấu diễn ra trên một cái sân bê tông, mỗi đội 4 người (được thay người thoải mái), và giải thưởng cho đội vô địch là những gói bim bim hay vài túi kẹo. “Thế nhưng vui đáo để, và cũng thường xuyên diễn ra kiện tụng đấy”, chị Tâm, một trong những người mẹ của tụi trẻ kể lại. Chẳng là đội nào cũng muốn giành phần thắng, nên cứ hễ thấy đối phương “ăn gian” một tý là kiện lên thầy Mẫn ngay.

 

3. Cách giải kiện độc đáo…

 

Các đội bóng của các nhà kiện cáo tùm lum, nhiều khi chưa giải xong cái “kiện” này lại phải đứng trước một cái “kiện” khác. Thế là để cho Cup C1, C2, C3 diễn ra suôn sẻ, thầy Mẫn nghĩ ra một cách giải kiện rất hay: giải kiện bằng những câu chuyện.

 

Sáng chủ nhật, trước khi các trận đấu bắt đầu, thầy Mẫn lại ngồi giữa đám trẻ để kể một câu chuyện gì đó. Em Hoàng Kiên (lớp 11), một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, gắn bó với làng Birla từ 5 năm nay thổ lộ: “Em rất thích câu chuyện “Nhà văn và quả táo” của thầy Mẫn. Chuyện kể về một bà bán táo chua ngoa ở một ga xe lửa nọ, vào một hôm nọ tự dưng chỉ vào một người đàn ông rồi hét ầm lên “cướp, cướp!”.

 

Cảnh sát lập tức đi tới còng tay người đàn ông đó, rồi hỏi người đàn ông bên cạnh: “Anh kiểm tra xem mình có mất gì không?”. Người này thủng thẳng nói: “Không, tôi đâu có cái gì để mất”. Cảnh sát nói: “Anh cứ thử kiểm tra lại các túi xem”. Anh liền lục lại túi quần, thì bất ngờ thay lại tìm thấy một tờ 50 Rup.

 

Thì ra cái người bị còng tay kia - nhà văn Gaiđa, sau khi nhận thấy anh không có tiền mua vé xe lửa liền âm thầm cho tờ 50 Rup vào túi anh. Đến lúc này thì cảnh sát ngỡ ngàng, bà bán táo ngỡ ngàng. Và thế là bà chạy ra, lấy một quả táo rồi nói với Gaiđa: “Thưa ông, ông cầm giúp tôi quả táo này, vì tôi nghĩ là nó quá to để có thể cho vào túi ông”.

 

Sau mỗi câu chuyện như thế, thầy Mẫn lại nhắn nhủ tụi trẻ: “Thế đấy, cuộc sống luôn cần tới sự hy sinh và lòng cao thượng!”. Và thầy bảo: “Kể từ khi tụi trẻ nghe những câu chuyện này thì trên sân bóng chúng đã ít ăn gian và ít kiện tụng hẳn đi”.

 

4. Lời tâm sự của ông giám đốc

 

Ông Chu Đình Điệp - giám đốc làng trẻ BirLa bảo rằng, những đứa trẻ ở đây đều là hiện thân của những mảnh đời tội nghiệp. Vì thế bất cứ những hoạt động vui chơi nào cũng đều rất có ý nghĩa với các em.

 

Ông nói thêm: “Là một người yêu bóng đá, tôi hâm mộ danh thủ Đặng Gia Mẫn đã lâu, nhưng không bao giờ tính đến chuyện mời ông lên dạy đá bóng tụi trẻ, vì thực sự là chúng tôi không có kinh phí. Vì thế, khi thầy Mẫn tình nguyện lên đây thì cả làng mừng lắm”. 

 

Bài và ảnh: Trịnh Phan Phan