Tại sao Beckham được đi vào đường ngược chiều?
Có một chi tiết hơi hài hước trong chuyến thăm của David Beckham đến Hà Nội: Xe của anh từ nhà hàng trên phố Bà Triệu đi ra đã "hồn nhiên" đi ngược chiều để rẽ vào đường Lý Thường Kiệt.
Cảnh đoàn xe của David Beckham đi ngược chiều trên đường Bà Triệu được website của Đài tiếng nói Việt Nam đăng lại và lúc đó nhiều người mới giật mình: Tất nhiên là xe của David Beckham không thuộc diện được đi vào đường ngược chiều.
Đảm bảo an ninh cho đám đông vây quanh nhà hàng khi Becks ra xe có cả lực lượng công an. Nhưng dường như không ai nhận ra được điều đó. Những chiếc áo xanh chỉ lo giãn đám đông để xe của Becks di chuyển.
Câu hỏi là tại sao? Câu trả lời rất đơn giản là ánh hào quang của Becks khiến cho người ta không còn quan tâm đến những “tiểu tiết” như là việc đoàn xe của anh đang đi ngược chiều.
Cái hình ảnh “Becks đi ngược chiều nhưng không ai để ý” ấy là một bằng chứng kinh điển cho ánh hào quang phủ quanh danh thủ này. Tất nhiên không ai trách móc gì David Beckham, cũng chắc trách được những người xung quanh. Có thể là cả tài xế và cả những người có trách nhiệm đều bị “hấp lực” của Becks làm cho... không tỉnh táo.
Nói vui về chuyện đi ngược chiều thật ra chỉ để đặt ra một câu hỏi kinh điển là danh tiếng của David Beckham đã được tạo ra và duy trì như thế nào để đạt đến mức độ như thế?
Anh không phải là siêu sao số 1 hành tinh về mặt chuyên môn – ngay cả ở thời đỉnh cao của mình. Chuyện "đẹp trai" thì rất cảm tính. Nhưng về giá trị thương hiệu trong giới cầu thủ, theo thẩm định của các tổ chức tài chính, thì anh ít khi là số 2. Ngay cả khi đã đi sang bên kia sườn dốc và đang “hưu trí” ở Mỹ thì anh cũng giữ ngôi số 1 một thời gian dài trước khi nhường nó cho Cristiano Ronaldo, tức là vẫn còn hơn Messi.
Việc kiến tạo thương hiệu của Becks là một quy trình vô cùng chuyên nghiệp. Quản lý của anh không phải là một ông bầu thể thao như các đồng nghiệp mà là một ông bầu huyền thoại của showbiz: Simon Fuller, người đã tạo ra các cuộc thi Idol (bao gồm Vietnam Idol).
Nhưng vượt lên trên tất cả là một tinh thần lao động không biết mệt mỏi. Ở cái tuổi mà nhiều đồng đội cùng trang lứa quyết định nghỉ ngơi, kinh doanh buôn bán, thì anh vẫn đá bóng như... điên. Thực sự là điên, nếu người ta nhớ lại một lịch trình phi thường khi anh liên tục di chuyển giữa Mỹ và châu Âu để thi đấu quãng năm 2009-2010. Cứ ở Mỹ nghỉ giữa mùa thì Becks lại sang châu Âu xin "đá ké" cho Milan. Anh không nghỉ một ngày nào, không ngừng bày tỏ mong muốn quay lại đội tuyển. Và chấn thương hồi tháng 3.2010, khi anh đổ gục ngoài đường pitch giữa một trận đấu của Milan vì đứt dây chằng là đỉnh điểm của một cường độ làm việc không tưởng. Người ta tự hỏi rằng tại sao Becks phải đá bóng kiểu “tự sát” ấy cho dù anh đã có mọi thứ có thể có?
Nhìn Becks có lẽ nhiều người sẽ... tủi thân. Khi nghĩ đến việc danh tiếng có thể làm “hư” cầu thủ của chúng ta sớm thế nào. Bán độ chỉ là một ví dụ, về việc người ta lười, và tin rằng mình đã đến lúc có quyền hưởng thụ, thay vì nghĩ xa ra một tương lai nơi có thể kiếm được nhiều hơn nếu lao động nhẫn nại và tạo dựng bền vững (hợp đồng quảng cáo của các VĐV nước ta cũng có thể có giá rất cao).
Không chỉ cầu thủ, mà những ngôi sao giải trí của chúng ta cũng quá dễ dàng bị làm hư bởi một chút danh tiếng. Và thậm chí rất nhiều người đang nuôi một niềm tin sai lạc rằng một ít thủ thuật, một ít scandal và phát ngôn bừa bãi có thể tạo ra danh vọng chứ không phải là tình yêu lao động.
Chuyến viếng thăm của David Beckham đến Việt Nam, ngoài đèn hoa lấp lánh còn có cả những điều tiếng. Đoàn xe vi phạm luật giao thông, quảng cáo rượu hơi "thô". Và trong suốt chiều dài sự nghiệp, anh cũng đã hơn một lần dính scandal tình dục/tình ái.
Nhưng khi tất cả những thứ đó song hành với một con người biết tôn vinh lao động, đổ mồ hôi và máu cho công việc - Beckham vẫn được đường hoàng là... Beckham và có quyền "mài" cái tên mình ra rất lâu nữa.
Theo Đức Hoàng
Lao động