Beckham đến Việt Nam: Ngôi sao bóng đá trong hành trình không vì bóng đá

(Dân trí) - Thêm một lần có mặt tại Việt Nam, Beckham vẫn đến vì mục đích ngoài bóng đá. Đấy cũng là mẫu số chung của hàng loạt cựu danh thủ khác từng ghé sang Việt Nam: Họ đến khi đã nghỉ đá bóng và vì những mục đích ngoài bóng đá.

Luôn là người đến sau

So với nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, khả năng thu hút ngôi sao của bóng đá Việt Nam thấp hơn nhiều. Những năm gần đây, Malaysia, Thái Lan, Singapore, hay Indonesia liên tục được đón hàng loạt ngôi sao đẳng cấp của bóng đá đương đại, đang đầu quân cho những CLB hàng đầu thế giới sang du đấu.

Mới năm ngoái thôi, ngôi sao số 1 của làng túc cầu thế giới là Lionel Messi cùng CLB Barcelona lừng danh ghé ngang Thái Lan đá giao hữu. Năm nay, Messi lại ghé Singapore, cùng đội tuyển Argentina đá giao hữu với Brazil.

Trong khi đó, với bóng đá Việt Nam, chuyện những ngôi sao đương thời cỡ Messi hay kém nổi tiếng hơn đến nước ta khi còn đang ở đỉnh cao phong độ là chuyện cực hiếm (có chăng chỉ là Ronaldinho và đội tuyển Olympic Brazil đến đây năm 2008, khi muốn làm quen với thời tiết Á Đông trước Olympic Bắc Kinh).

Mẫu số chung của các ngôi sao bóng đá khi họ đến Việt Nam thường nằm ở chỗ họ đã hết thời, nghỉ đá bóng, sức hút không còn như xưa và chủ yếu đến vì những mục đích ngoài bóng đá.

Hành trình của Beckham tại Việt Nam càng được giữ kín thì càng gây tò mò
Hành trình của Beckham tại Việt Nam càng được giữ kín thì càng gây tò mò


Ví như Beckham, lần trước anh đến Việt Nam để quảng cáo cho một thương hiệu dầu nhớt, còn lần này anh đến với mục đích… tiếp thị rượu.

Trước Beckham, Nistelrooy (Hà Lan), Pires (Pháp), Peter Schmeichel (Đan Mạch)… cũng từng ghé nước ra với mục đích và tính chất như thế. Chẳng ai trong số họ còn thi đấu, và cũng chẳng ai trong số họ đến nước ta với mục đích là truyền bá cho túc cầu giáo.

Họ đến đơn giản vì họ là ngôi sao mà các thương hiệu cần phải mời họ để đánh bóng và để giúp các thương hiệu ấy xâm nhập vào thị trường Việt Nam, vốn được đánh giá là đầy béo bở trong mắt tư bản nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực thức uống có cồn.

Riêng về mặt này rõ ràng là chúng ta đang đi sau nhiều nước trong khu vực. Khác với sự xuất hiện của Messi tại Thái Lan năm ngoái, hay của Gerrard tại Indonesia và Malaysia năm trước nữa, Beckham hay bất cứ ngôi sao xế chiều nào khác có đến Việt Nam cũng chẳng hâm nóng thêm tình yêu của người Việt với trái bóng tròn, làng túc cầu nội cũng chẳng học được gì từ họ, vì họ đến có phải để đá bóng đâu!

Đánh trúng tâm lý số đông

Quay trở lại sự việc Beckham sang Việt Nam, nhà tổ chức dường như rất hiểu tâm lý của khách hàng. Lịch trình đến rồi đi, lịch hoạt động của Beckham được công bố rất hạn chế. Nhưng càng hạn chế càng khiến nhiều người tò mò.

Beck thoắt ẩn thoắt hiện trước mắt giới truyền thông và người hâm mộ. Phần đông cánh phóng viên và các fan chỉ thấy Beck từ xa, càng không biết anh đến đây với mục đích gì và sẽ tiếp tục làm gì? Mà với tâm lý của phần lớn người Việt, càng không biết thì người dân càng tò mò, càng cố tìm hiểu.

Đấy là cái hay của những người tổ chức sự kiện Beckham đến Việt Nam, cũng như nhiều nhà tổ chức các sự kiện những cựu danh thủ khác từng xuất hiện trước đó. Điểm hay nhất của họ là họ đánh trúng vào trí tò mò của dư luận.

Và cũng có lẽ không có ở đâu trên khắp thế giới này, cứ hễ một cựu cầu thủ có đẳng cấp xuất hiện là người đấy được gắn ngay cho cái mỹ từ “huyền thoại”.

Với những người am hiểu bóng đá, từ “huyền thoại” thường chỉ được gắn cho một nhóm nhỏ những nhân vật kiệt xuất cỡ Maradona, Pele, Cruyff, Beckenbauer, Di Stefano… Nên khi những Dennis Irwin, Gary Pallister, Van Nistelrooy, Dwight Yorke, hay kể cả Beckham khi sang Việt Nam cũng được gắn mác huyền thoại thì khác nào đang hạ thấp giá trị của những quái kiệt thực sự của làng túc cầu vừa nêu ở trên.

Đấy rõ ràng cũng là một chiêu đánh bóng không đúng sự thực, quá lạm dụng sự dễ dãi của phần đông người hâm mộ bóng đá Việt Nam, và càng làm rõ bản chất của những thương vụ PR đình đám xung quanh sự xuất hiện của những cựu danh thủ như Beckham, Nistelrooy hay Dwight Yorke.

Bản chất đó là những người đã đưa những cựu ngôi sao ấy đến với nước ta có thể cũng không thật am hiểu bóng đá, càng không có nhu cầu làm lợi cho bóng đá, dù họ đang sử dụng những người của bóng đá để làm lợi cho tên tuổi của mình, cho thương hiệu mà mình sở hữu!

Trọng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm