Quyền lực ngầm và “nô lệ” trên ghế huấn luyện ở Barcelona
(Dân trí) - Barcelona là CLB đặc biệt. Bởi ở đó, họ chỉ thuê những HLV vô danh và quyền lực đen nằm trong tay các cầu thủ. Triết lý ấy vẫn mang tới thành công cho Barcelona.
Dân Trí xin được lược dịch bài viết trên tờ ESPN để độc giả hiểu hơn về hoạt động của CLB.
“Nô lệ” trên băng ghế huấn luyện
“Trong những giấc mơ điên rồ nhất, tôi cũng không nghĩ tới việc dẫn dắt Barcelona” - HLV Quique Setien chia sẻ trong ngày ra mắt CLB xứ Catalan. Và có lẽ, ngược dòng thời gian, trong ngày ra mắt của mình ở Nou Camp, HLV Ernesto Valverde cũng chia sẻ tương tự: “Tôi không nghĩ rằng Barcelona đã chọn mình”.
Quique Setien được chọn vì lý do đơn giản. Cựu HLV của Real Betis là tín đồ của lối chơi mang phong cách Johan Cruyff (cha đẻ của lối chơi hiện tại của Barcelona) và đang... thất nghiệp.
Chính xác là sự vô danh của Quique Setien đã thu hút Barcelona. Trước khi lựa chọn HLV này vào băng ghế huấn luyện, Los Blaugrana từng ngắm tới Xavi (người cũng vô danh trên băng ghế huấn luyện) nhưng bị từ chối.
Trong cuốn sách mà Simon Kuper viết về Barcelona có đoạn: “Dường như vai trò của các HLV đang ngày càng bị thu hẹp, và không ở nơi đây, điều đó được thể hiện rõ nét như ở Nou Camp”.
Lần cuối cùng Barcelona chọn một HLV hạng A vào băng ghế huấn luyện là vào năm 2002, khi họ bổ nhiệm HLV Van Gaal. Nhưng ông thầy người Hà Lan cũng chỉ ở Barcelona một thời gian ngắn.
Sau thất bại với Van Gaal, Barcelona đã quay ngoắt 180 độ. Thay vì thuê HLV quyết định lối chơi của CLB, họ đã chọn HLV vô danh để đi cùng triết lý tại đây. Đó là thứ chơi bóng chơi tấn công nhanh, sử dụng những đường chuyền liên tục mang đậm dấu ấn của Johan Cruyff trong giai đoạn làm HLV trưởng CLB từ năm 1988 đến 1996.
Vào năm 2003, khi Joan Laporta ứng cử ghế Chủ tịch Barcelona, ông đã tới hỏi Johan Cruyff xem HLV nào có thể đưa Barcelona trở lại. Khá bất ngờ, “thánh Johan” đã giới thiệu người đồng hương Frank Rijkaard, người vừa xuống hạng cùng Sparta Rotterdam ở giải VĐQG Hà Lan. Nhưng sau đó, chính Frank Rijkaard đã mang về chức vô địch Champions League 2006 cho Barcelona.
Và khi Frank Rijkaard ra đi vào năm 2008, Barcelona tưởng chừng đã bổ nhiệm HLV tên tuổi. Thành viên trong Ban lãnh đạo của CLB đã tới gặp Mourinho. Việc mời “Người đặc biệt” ở thời điểm ấy là giải pháp tốt nhưng Barcelona lại không lựa chọn như vậy. Bởi lẽ, lối chơi phòng ngự của Mourinho trái ngược hoàn toàn so với triết lý của Johan Cryuff và bản tính lắm điều của Mourinho cũng không phù hợp với sự lịch thiệp của CLB.
Ở trong hoàn cảnh ấy, Barcelona đã quyết định lựa chọn Pep Guardiola. Mặc dù là cầu thủ hạng A nhưng Pep Guardiola chỉ có kinh nghiệm dẫn dắt đội B của Barcelona thời điểm ấy. Nhưng đó tiếp tục là quyết định chính xác. Bốn năm dẫn dắt Barcelona đưa HLV Pep Guardiola lên thành HLV hạng A.
Tới khi Pep Guardiola chia tay CLB vào năm 2012, Barcelona lại tiếp tục chính sách thuê các HLV vô danh. Ban đầu là trợ lý cũ của Pep Guardiola, Tito Vilanova. Sau đó tới Gerardo Daniel 'Tata' Martino, rồi Luis Enrique, Valverde và hiện tại là Setién.
Việc Barcelona chỉ mời HLV vô danh đơn giản bởi một lẽ. Ở CLB này, HLV không phải là ông chủ. Họ không được quyền quyết định lối chơi của CLB. Ngay cả khi phong cách của Johan Cruyff đang mờ dần thì giờ đây, ở Nou Camp lại xuất hiện phong cách mới, mang tên Messi.
Quyền lực ngầm mang tên Messi
Trong phòng thay đồ, Messi được mô tả như nhà lãnh đạo khó tính, đòi hỏi quan điểm mạnh mẽ về lối chơi và phong cách chơi của CLB. Barcelona đã chấp nhận mọi điều, để giữ Messi trong vòng hơn 15 năm qua, để giúp CLB chơi xuất sắc từ tuần này sang tuần khác.
Để làm được điều đó, ngay cả những người đứng đầu Barcelona cũng phải chấp nhận nhượng bộ và giao cho Messi kim bài. Tất nhiên, chẳng ai ở Los Blaugrana thừa nhận điều đó nhưng dường như thứ quyền lực của El Pulga đã trở thành luật bất thành văn. Nó chi phối cả vấn đề chuyển nhượng, bổ nhiệm HLV trưởng cũng như các quyết định chiến thuật.
Đôi khi, Messi sẽ luôn cố gắng đưa ra quyết định của mình, ngay cả khi ở tình huống ấy, mọi thứ không hẳn diễn ra như mong đợi. Như ở mùa Hè 2018, Messi đã đến gặp trực tiếp Chủ tịch Josep Bartomeu và nên lên quan điểm rằng muốn đưa Neymar trở lại Nou Camp.
Đương nhiên, Barcelona không muốn mạo hiểm chi 200 triệu euro để đưa về cầu thủ rất dễ chấn thương nhưng họ cũng không thể làm mất lòng Messi. Và thế là, Barcelona dành phần lớn thời gian mùa Hè năm ấy để “giả vờ” liên hệ với Neymar. Để rồi, cuối cùng, họ có thể gặp Messi và nói rằng: “Xin lỗi, chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể chiêu mộ được Neymar”.
Phong cách chơi bóng của Barcelona gần như được quyết định bởi Messi và những người đồng đội lâu năm như Sergio Busquets và Gerard Pique. Trong những năm gần đây, El Pulga cho rằng không còn chịu sức ép lớn từ đối phương. Do đó, anh muốn thi đấu nhiều hơn bên cánh phải, thay vì hoạt động rộng. Và điều đó buộc những HLV của Barcelona phải thích nghi. CLB đã chiêu mộ Arturo Vidal xem như là “đôi chân mới của Messi”. CLB cũng không còn chơi pressing trên diện rộng, mà chuyển qua phương án “chỉ cần chuyền bóng cho Messi”.
Bởi sự xuất hiện của Messi, các HLV Barcelona đều hiểu rõ vai trò khiêm tốn của mình. Trong phòng làm việc của HLV Valverde, những bức tường gần như trống rỗng, chẳng có bất kỳ nghiên cứu chiến thuật mà chỉ có lịch thi đấu của CLB. Valverde hiểu được rằng quyền lực ở Barcelona nằm trong tay nhóm quyền lực gắn bó lâu dài với CLB, còn HLV chỉ như người qua đường. Ông ấy có thể mang theo 1,2 trợ lý.
Valverde từng chia sẻ rằng: “Đây là môn thể thao mà HLV hầu như không có nhiều ảnh hưởng, hoặc ít ra là không có ảnh hưởng như bóng rổ. Chúng tôi chỉ có 3 sự thay đổi người và trận đấu không bao giờ ngừng lại. Vì vậy, bóng đá là môn thể thao của các cầu thủ. Trong mỗi 45 phút trên sân, các cầu thủ tự đưa ra quyết định. Tôi phải nói rằng nhiều cầu thủ vĩ đại phân tích trận đấu giỏi hơn tôi”.
Các HLV Barcelona cũng được cho là không có nhiều ảnh hưởng lên việc xây dựng cách chơi cho cầu thủ. Thay vào đó, họ chỉ quan sát từ việc chơi bóng của các cầu thủ để tìm ra cách sử dụng. Ví dụ như Busquets biết chính xác khi nào đối thủ áp sát mình và sau đó thực hiện đường chuyền cho các đồng đội và khoảng trống.
Trong loạt phim tài liệu về Barcelona có tên “Matchday” do nhà tài trợ Rakuten sản xuất, có cảnh quay trong phòng thay đồ. Nó tiết lộ khá thú vị về vai trò “khiêm tốn” của HLV ở Barcelona. Khi ấy HLV Rakuten đã cuộc nói chuyện ngắn gọn trước trận đấu, rồi sau đó tới các cầu thủ phát biểu. Messi thường đứng lên nói ngắn gọn, yêu cầu các đồng đội cần phải lạnh lùng.
Việc tạo động lực cho các cầu thủ là vô cùng cần thiết trước mỗi trận đấu. Bởi lẽ, một cầu thủ không thể tự làm điều đó. Nhưng ở Barcelona, HLV dường như không có vai trò này. Thay vào đó, tất cả các cầu thủ và ban huấn luyện sẽ cùng nhau nắm tay và hô vang: “Một, hai, ba, Barcelona”.
Cũng trong cuốn phim tài liệu này, Pique hồi tưởng với giám đốc điều hành của Rakuten, Hiroshi Mikitani, về câu chuyện thuyết phục HLV Valverde cho đi dự tiệc sau trận đấu ở New York. Theo lời kể của Pique, anh nói: “Nghe này, ông Valverde, chúng tôi sẽ đi dự tiệc”. Sau đó, trung vệ này bắt chước lời của HLV Valverde: “Tại sao? Tôi chẳng thấy lý do gì cấm các bạn đi dự tiệc cả”. Đó là chi tiết cho thấy vai trò của cựu HLV Barcelona, Valverde ở đâu tại CLB.
Và sau này, ngay cả khi Setien có giúp Barcelona giành chức vô địch Champions League thì ông ấy cũng chỉ là một trong số những tiếng nói ở phòng thay đồ. Không phải vì ông ấy yếu đuối mà vì cách hoạt động của CLB. Chừng nào, Barcelona vẫn còn dàn công thần như Messi, cộng với tàn dư của phong cách Johan Cruyff, thì chừng đó, chẳng có HLV nào đủ cá tính để làm chủ phòng thay đổ.
H.Long