1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

PSG: Từ trọc phú "tiêu tiền như nước" tới "cáo già" chuyển nhượng

H.Long

(Dân trí) - Paris Saint Germain (PSG) không còn là trọc phú tiêu tiền như nước. Giờ đây, họ đã thực sự trở thành "cáo già" trên thị trường chuyển nhượng.

Có một con số thống kê đáng chú ý, nếu tính tổng chi tiêu chuyển nhượng trong khoảng 10 năm trở lại đây, chỉ có hai CLB vượt qua được mốc 1 tỷ bảng, đó là PSG và Man City.

Đương nhiên, nếu so về số tiền đầu tư, PSG vẫn đang kém Man City. Thế nhưng, nên nhớ rằng hai cầu thủ đắt giá nhất thế giới hiện tại (Neymar, Mbappe) đều đang khoác áo đội bóng nước Pháp.

PSG: Từ trọc phú tiêu tiền như nước tới cáo già chuyển nhượng - 1

Hai cầu thủ đắt giá nhất thế giới là Neymar và Mbappe đều khoác áo PSG.

Kể từ khi được giới chủ Qatar mua lại vào năm 2011, PSG đã khiến tất cả phải khiếp sợ bởi tốc độ tiêu tiền của mình. Họ không buồn mặc cả, mà chi thẳng 222 triệu euro để phá vỡ hợp đồng của Neymar ở Barcelona, rồi chi tới 180 triệu euro để có được Mbappe từ Monaco.

Giai đoạn chi tiêu khủng khiếp nhất của PSG là từ năm 2015 tới nay. Họ vung ra tới 820 triệu euro để tăng cường lực lượng. Đây cũng là giai đoạn mà hai ngôi sao đắt giá nhất thế giới cập bến sân Công viên các Hoàng tử.

Thế nhưng, tới lúc này, người ta đã phải nhìn đội bóng thành Paris bằng ánh mắt khác. Sau nhiều năm vung tiền không tiếc tay, họ bắt đầu trở thành cáo già lọc lõi hơn trên thị trường chuyển nhượng.

Bằng chứng, tổng số tiền đội bóng chi ra trên thị trường chuyển nhượng chỉ là hơn 60 triệu euro. Thực chất, số tiền này được PSG chi ra để chiêu mộ một mình hậu vệ cánh Hakimi từ CLB Inter Milan.

Phần còn lại, tất cả phải ngả mũ trước PSG. Họ sở hữu hàng loạt siêu sao hàng đầu thế giới như Sergio Ramos, Donnarumma, Georginio Wijnaldum và đặc biệt là Lionel Messi đều với giá… 0 đồng.

Đó là "cách đi chợ" chưa từng thấy trong lịch sử PSG. Đặt giả sử, đội bóng thành Paris vung tiền chiêu mộ những cầu thủ này, chi phí có thể lên tới… 500 triệu euro.

Bạn không nghe nhầm, bởi nó được chính Chủ tịch của đội bóng, Nasser Al-Khelaifi chia sẻ trên tờ L'Equipe: "Chúng tôi đã sở hữu bốn cầu thủ theo dạng chuyển nhượng tự do. Giá trị của họ tối thiểu cùng phải từ 400-500 triệu euro. Tôi từng nghe nói, hồi tháng Giêng, có một CLB đã đề nghị 600 triệu euro cho Messi theo bản hợp đồng 4 năm. Chỉ cần nghe tới con số đó, các bạn biết chúng tôi đã tiết kiệm được bao nhiêu không?".

PSG: Từ trọc phú tiêu tiền như nước tới cáo già chuyển nhượng - 2

PSG giờ đây khôn ngoan, lọc lõi hơn rất nhiều. Nhờ "đi chợ" khôn ngoan, họ tiết kiệm được tới 500 triệu euro.

Việc sở hữu đội trưởng của Real Madrid (Sergio Ramos), đội trưởng của đội tuyển Hà Lan (Georginio Wijnaldum), đội trưởng của Barcelona và Argentina (Lionel Messi) và Cầu thủ xuất sắc nhất Euro 2020 (Donnarumma) với giá 0 đồng gần như là điều không tưởng.

Thế nhưng, PSG vẫn làm được điều đó. Cái hay của đội bóng thành Paris ở chỗ, họ không vung tiền chuyển nhượng nhưng lại biến những mức lương cao trở thành (chưa chắc đã cao hơn phí chuyển nhượng) làm một lợi thế cạnh tranh. Đơn cử như trường hợp của Wijnaldum. Ban đầu, cầu thủ này gần như đã gật đầu với Barcelona. Nhưng sau đó, anh lại bất ngờ chuyển nhượng.

Hay như trường hợp của Donnarumma cũng vậy. Thủ thành sinh năm 1999 nhất quyết không ký hợp đồng mới với AC Milan. Bởi lẽ, ai cũng hiểu rằng, sức hút của đội bóng thành Paris lớn hơn thế.

Ở trường hợp của Messi. Trong thời gian dài, PSG gần như chỉ "dập dòm" theo dõi động thái, chứ không hề tiếp cận cụ thể. Họ hoàn toàn có thể thuyết phục Barcelona bằng lời đề nghị "không thể từ chối" vào tháng 1. Thế nhưng, PSG vẫn quyết định chờ tới tháng 8 (sau khi Messi không gia hạn hợp đồng) để lôi kéo cầu thủ này.

Nếu đứng trên góc độ kinh tế, Messi là "cỗ máy in tiền" nhưng không còn nhiều thời gian trong sự nghiệp. Do đó, PSG không đời nào chi ra hàng trăm triệu euro để chiêu mộ. Nhưng việc có El Pulga với giá 0 đồng lại là câu chuyện khác. Nó chẳng khác gì "viên kim cương" rơi xuống thành Paris.

Hãy cứ nhìn doanh thu bán áo của Messi trong những ngày qua đủ thấy điều đó. Chỉ trong vòng hơn 1 ngày, siêu sao người Argentina xuất hiện, PSG đã "bơi trong tiền" nhờ doanh thu bán áo. Theo ước tính, họ đã thu về ít nhất 10 triệu USD (10% doanh thu bán áo) trong thời gian cực ngắn. Lịch sử bóng đá thế giới chưa ghi nhận cầu thủ nào tiêu thụ áo nhanh như Messi.

PSG: Từ trọc phú tiêu tiền như nước tới cáo già chuyển nhượng - 3

Với việc xây dựng "hệ sinh thái" quy tụ toàn ngôi sao lớn, PSG sẽ hốt bạc với doanh thu thương mại.

Và còn lớn hơn thế, số tiền xu token của PSG (một loại tiền điện tử, bán cho CĐV, cũng biến động giống như các loại tiền điện tử khác) đã chứng kiến lượng giao dịch lên tới 1,2 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tuần (kể từ thời điểm Messi thông báo rời Barcelona). Ở thời điểm này, nó đạt đỉnh với 60 USD/token.

Tất nhiên, lợi ích kinh tế của PSG từ hoạt động thương mại cũng tăng lên chóng mặt. Chủ tịch CLB, Nasser Al-Khelaifi tiết lộ: "Các bạn sẽ không thể ngờ được chúng tôi nhận bao nhiêu cuộc điện thoại từ các đối tác thương mại trong vòng 48 giờ qua. Con số ấy tới ngay cả bản thân tôi cũng không tưởng tượng ra. Tôi đã đặt mục tiêu cao về thương mại nhưng giờ đây, nó còn vượt xa cả mong đợi".

Việc quy tụ dàn sao hàng đầu thế giới còn giúp PSG tạo nên "hệ sinh thái", giống như cách làm của Chủ tịch Florentino Perez khi xây dựng "Dải ngân hà" Real Madrid đầu thế kỷ này. Điều đó giúp cho PSG có thể thu hút được nhiều ngôi sao lớn trong tương lai. Nhờ đó, doanh thu của CLB sẽ ngày càng lớn hơn.