Novak Djokovic vô địch Australian Open: "Quái vật" thức giấc
(Dân trí) - Novak Djokovic đã rơi nước mắt sau khi giành chức vô địch Australian Open. Đó là giọt nước mắt của hạnh phúc và cả những uất ức trong lòng đã kìm nén bấy lâu…
Có một bức ảnh có ý nghĩa hơn cả ngàn lời nói. Sau khi giành chức vô địch Australian Open, Novak Djokovic đứng trước vòng vây của những người hâm mộ. Anh gào thét với tất cả nguồn năng lượng cuối cùng của mình, như để khẳng định vị thế của vị Vua trong làng quần vợt.
Ở tuổi 35, Nole vẫn dũng mãnh như vị Chúa sơn lâm, ngăn cản đà vươn lên của những tay vợt thế hệ Gen Z. Thế nhưng, trong thời khắc ấy, người hâm mộ cũng chứng kiến hình ảnh tay vợt ngạo nghễ ấy rơi lệ. Phát biểu trước báo giới, Djokovic thừa nhận: "Đây là chiến thắng lớn nhất trong cuộc đời tôi".
Tất nhiên, trong sự nghiệp, Nole đã trải qua hàng chục trận đấu khó khăn hơn màn so tài với Stefanos Tsitsipas nhưng nếu xét tới hoàn cảnh, có thể hiểu vì sao tay vợt người Serbia rơi nước mắt.
Đó không chỉ là giọt nước mắt hạnh phúc sau khi cân bằng kỷ lục giành 22 Grand Slam của Rafael Nadal, mà nó còn là sự giải tỏa cho những uất ức bị dồn nén quá lâu.
Tròn một năm trước, Djokovic từng bị trục xuất khỏi Australia sau thời gian đấu tranh vì "công lý của riêng mình". Ở thời điểm ấy, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội. Chính quyền Australia quyết định từ chối để tay vợt kỳ cựu này nhập cảnh vì không tiêm vắc xin.
Trước thời khắc vinh quang tại Melbourne, Nole từng trải qua năm 2022 không thực sự thành công vì rắc rối liên quan tới tiêm phòng Covid-19. Giải Grand Slam duy nhất anh vô địch là Wimbledon lại không được tính điểm. Dù cho cuối năm, Djokovic đã gỡ gạc bằng chức vô địch ATP Finals nhưng nó không ngăn được đà tụt dốc.
Từ vị trí số 1 thế giới, tay vợt người Serbia đã tụt xuống số 5. Chưa hết, trong cả giải đấu tại Australia, Djokovic còn chiến đấu với nỗi sợ hãi chấn thương gân kheo bất cứ lúc nào. Nhưng vượt lên trên khó khăn ấy, Nole cho thấy hình ảnh khác của mình, đó là con người kiên cường, chưa bao giờ đầu hàng số phận. Trong 7 trận đấu tại Australian Open 2023, Djokovic chỉ thua đúng một set.
HLV của Nole, Goran Ivanisevic tin rằng cậu học trò thực sự kiên cường và có sức sống mãnh liệt. Ông tin rằng hầu hết tay vợt đều lựa chọn bỏ cuộc nếu dính chấn thương như Djokovic. "97% tay vợt sau khi nhận kết quả chụp MRI giống như Nole sẽ xin rút khỏi giải đấu. Nhưng dường như cậu ấy tới từ chiều không gian khác. Bộ não của Nole hoạt động khác với người thường" - ông Ivanisevic tâm sự.
Djokovic được xem là kẻ lập dị. Có một câu chuyện kể lại, ba ngày trước US Open 2021, tay vợt này đã chủ động đi bộ trên mặt sân với đôi chân trần. Nole gọi đó là nguồn năng lượng của loài sói. Anh giải thích: "Tôi thích sự tự do, đắm chìm trong không gian và ở trên núi. Những chú sói luôn thu hút tôi. Đó là loài vật sống bản năng. Tôi luôn cố gắng thể hiện năng lượng của loài sói trên sân đấu. Mọi thứ cần phải thật cân bằng và bình tĩnh, biết khi nào chủ động tấn công, lúc nào phòng ngự. Tôi luôn cảm thấy mình phù hợp với loài sói".
Nole không xem tuổi 35 là trở ngại quá lớn với mình. Ở độ tuổi nhiều người xem là quá già để chơi quần vợt, anh vẫn trên đỉnh cao. Không có bất kỳ giới hạn nào cho tay vợt này. Chỉ cần bản năng được đánh thức, Nole sẽ lại vút bay nhờ nguồn năng lượng vô hạn. Sau khi giành lại chức vô địch Australian Open, anh đã chiếm lại vị trí số 1 thế giới từ tay của Carlos Alcaraz.
Trong nhiều năm qua, người hâm mộ đã được chứng kiến cuộc đua GOAT (Greatest of all time, vĩ đại nhất lịch sử) trong làng quần vợt. Roger Federer đã tạm thời bị bỏ lại ở cuộc đua này với 20 Grand Slam. Giờ đây, cuộc đua chỉ còn Djokovic và Nadal. Với tình hình hiện tại, Nole có vẻ như đang thắng thế nhờ năng lượng vô hạn.
Trên sân quần vợt, Djokovic không cố gắng hóa thân thành nghệ sĩ giống như Federer và cũng không đốt cháy tới sức lực cuối cùng như Nadal. Thay vào đó, Nole trở thành cái gai trong mắt không ít người bởi sự ranh mãnh. Nhưng ở góc nhìn tích cực hơn, sự thông minh là bí quyết giúp anh tạo dựng thế thống trị lâu dài.
Tờ Sports Illustrated từng gọi Djokovic là "kẻ bóp méo sân quần vợt". Bởi lẽ, tay vợt này luôn biết cách tận dụng từng góc nhỏ trên sân để ghi điểm. "Những đối thủ của Nole có cảm giác như đang thi đấu trên sân bóng đá vậy. Sân quần vợt bỗng trở nên to hơn khi họ đối đầu với Djokovic" - tờ báo của Mỹ bình luận.
Sự di chuyển tinh quái và khả năng dự đoán cực tốt là lợi thế lớn của Djokovic. Như cựu tay vợt Andy Roddick từng nhận xét: "Bạn không thể tưởng tượng được cảm giác khó chịu như thế nào khi đối diện với đối thủ tinh quái. Ở một pha bóng, khi bạn nghĩ đã chắc giành điểm thì cậu ta vẫn có thể đánh trả ngay lập tức". Trong khi đó, nhà vô địch US Open 2020, Dominic Thiem chia sẻ: "Djokovic chịu không ít áp lực nhưng chỉ cần có cơ hội, anh ấy hiếm khi bỏ lỡ".
Dù trong cả sự nghiệp, Djokovic luôn sống trong lằn ranh của yêu và ghét nhưng có thực tế không thể phủ nhận, tất cả đều nể phục sự kiên cường và nguồn năng lượng của Nole. Nick Kyrgios gọi tay vợt người Serbia là "con quái vật" sau khi chứng kiến đàn anh giành chiến thắng cả 10 trận chung kết Australian Open trong sự nghiệp.
Điều đáng sợ với những tay vợt thế hệ Gen Z là "con quái vật" vừa tỉnh giấc…