Những thách thức để đội tuyển Việt Nam hướng về giấc mơ dự World Cup 2026
(Dân trí) - Bóng đá Việt Nam đang xem xét nghiêm túc mục tiêu dự World Cup 2026, nhưng đoàn quân HLV Park Hang Seo còn nhiều việc phải làm và tham vọng đó chắc chắn vấp phải áp lực từ những đối thủ mạnh.
Trong lần đầu tiên dự vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam mang đến niềm tự hào khi là đại diện Đông Nam Á duy nhất giành chiến thắng trong lịch sử, cân bằng kỷ lục 4 điểm của Thái Lan.
Nhưng để nhìn nhận một cách đúng đắn, chúng ta không có được kết quả 10 trận đấu như mong muốn, đúng với phát biểu của HLV Park Hang Seo. Sự non nớt kinh nghiệm ở sân chơi sử dụng VAR, những sai lầm cá nhân cũng những tấm thẻ đỏ đáng tiếc, khiến đội tuyển Việt Nam thua trắng 7 trận đầu tiên.
Ba trận đấu cuối cùng vòng loại ghi nhận thành công của đội tuyển Việt Nam khi chúng ta giành được 4 điểm/3 trận. Nhưng trong số 12 đội dự sân chơi đỉnh cao này, đội tuyển Việt Nam có điểm số thấp nhất (những đội bị loại như Trung Quốc, Lebanon, Syria đều được 6 điểm).
Tại VCK World Cup 2026 tại Mexico, Mỹ, Canada sắp tới, số đội tham dự được nâng lên từ 32 lên 48. Khu vực châu Á sẽ có 8 suất chính thức dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Theo thể thức cũ nếu chúng ta lọt vào vòng loại thứ ba, một vị trí thứ 4/6 đội sẽ giúp bóng đá Việt Nam có được suất đến giải đấu tại Bắc Mỹ.
Nhưng nhìn vào bản đồ bóng đá châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran ở một vị thế hoàn toàn khác. 4 nền bóng đá hàng đầu châu lục đều giành suất chính thức dự hai kỳ World Cup gần đây nhất và vị thế của họ là không thể đụng đến.
Australia cùng UAE nếu vẫn đứng thứ ba ở vòng loại cuối cùng như năm nay, sẽ giành vé dự World Cup 2006 thay vì đá play-off. Bên cạnh đó, Qatar cũng ở đẳng cấp rất cao khi toàn thắng ở vòng loại thứ hai và nếu phải thi đấu vòng loại thứ ba (chủ nhà World Cup 2022 nên không dự lượt trận này), họ cũng chắc chắn nằm trong nhóm ba đội mạnh nhất bảng đấu.
Điểm qua thực lực các đội bóng khu vực châu Á, 7 đội bóng trên gần như ở đẳng cấp cao hơn hẳn và có ưu thế giành vé dự World Cup 2026. Đội tuyển Việt Nam sẽ nỗ lực cho suất cuối cùng thứ 8, nhưng xung quanh chúng ta vẫn còn quá nhiều đối thủ lớn.
Đội tuyển Việt Nam thua Oman trong cả hai lượt trận. Các đội bóng bị loại sau vòng loại thứ ba như Iraq, Syria, Lebanon đều ở trình độ bằng hoặc hơn Oman và chắc chắn mạnh hơn tuyển Việt Nam nếu thi đấu đường dài.
Những đội bóng không thể góp mặt ở vòng loại thứ ba như Uzbekistan, Jordan, Bahrain cũng có thực lực, nhiều lần vượt qua chúng ta ở các giải đấu. Thực lực của Ấn Độ, Palestine, Kyrgyzstan, Tajikistan hay Turkmenistan cũng rất đáng gờm nếu đạt phong độ cao.
Cuối cùng, đoàn quân HLV Park Hang Seo cũng không thể bỏ qua Trung Quốc dù chúng ta thắng họ tại Mỹ Đình hay Thái Lan, đối thủ khiến tuyển Việt Nam ôm hận ở AFF Cup 2020. Đội tuyển Việt Nam hòa hai trận đấu với Thái Lan và "kình địch" lớn nhất khu vực vẫn là đối thủ đáng gờm cạnh tranh suất vào vòng loại thứ ba.
Trước khi hướng đến tấm vé dự World Cup 2026, việc có góp mặt ở vòng loại thứ ba gồm 12 đội mạnh nhất châu lục cũng là mục tiêu không dễ dàng với bóng đá Việt Nam. Ở vòng loại thứ hai, chúng ta về cơ bản mới chỉ đánh bại được các đối thủ Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia, hòa Thái Lan và bị UAE chiếm ngôi đầu bảng, nhưng khi chạm trán các đối thủ châu Á tầm trung như Kuwait, Tajikistan hay Turkmenistan thì mọi thứ sẽ rất khác.
Điều HLV Park Hang Seo cần làm lúc này thì việc tìm kiếm nhân tố trẻ để xây dựng đội tuyển như Việt Anh, Thanh Bình, Tuấn Hải. Bởi đến thời điểm World Cup 2026 thì thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh sẽ 31 tuổi, lứa ngôi sao 1997 như Quang Hải, Hoàng Đức, Tiến Linh cũng đạt ngưỡng 29 tuổi và phong độ của họ thế nào sau 4 năm vẫn còn là dấu hỏi.
Do đó, giấc mơ World Cup 2026 còn đối diện với quá nhiều thách thức và rõ ràng, bóng đá Việt Nam cần có sự chuẩn bị ngay từ lúc này để chúng ta khỏi bỡ ngỡ khi chạm trán những đối thủ hàng đầu châu lục.