Những câu hỏi thú vị của bóng đá thế giới
Bóng đá Nam Mỹ hấp dẫn cả thế giới bằng thứ kỹ thuật lắt léo. Người châu Âu chinh phục trái tim người hâm mộ khó tính bằng các kiểu chiến thuật tinh tế. Đấy là những điều mà đa số đều đã biết. Chỉ còn một phần rất rất nhỏ dành chỗ cho vài ba thắc mắc "chẳng giống ai"...
Liệu có chuyện một trọng tài người Brazil bắn chết một cầu thủ trên sân sau khi anh này đòi hưởng một quả phạt đền?
Hoang đường ư. Chắc chắn rồi. Chắc đến 100%. Tuy nhiên, nếu câu hỏi được đặt ra ở Nam Phi, thì đáp án sẽ hoàn toàn khác. Nghe có vẻ hơi rợn tóc gáy nhưng sự thực là đã có tới hai trọng tài tại đất nước vùng cực nam châu Phi này dùng súng "xử lý vụ việc" ngay trên sân.
Ngày 20/2/1999, ở Hartbeesfontein (cách thành phố Johannesburg khoảng 177 km), trọng tài Lebogang Petrus Mokgethi, 34 tuổi, đã rút súng và bắn chết một cầu thủ trong trận đấu giữa Hartbeesfontein Wallabies và Try Agains.
Theo phía cảnh sát, khi đội Try Agains ghi được bàn rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2, các fan của Hartbeesfontein đã tràn xuống sân nhằm phản đối (nhiều nguồn tin cho biết, trận đấu được cá cược bất hợp pháp một số tiền cực lớn).
Trong cơn hỗn loạn, thủ quân 20 tuổi của Hartbeesfontein, Isaac Mkhwetha đã rời sân nhằm kiếm một con dao, trong khi trọng tài Mokgethi cũng tìm được một khẩu súng từ người bạn trong đám cổ động viên.
Theo các nhân chứng thuật lại, khi Mkhwetha nhào tới đâm Mokgethi bằng dao, ông vua sân cỏ chẳng còn cách nào khác đành nổ súng, trúng ngay ngực đối thủ. Đội trưởng Hartbeesfontein đã chết lập tức.
Về sau này, Mokgethi được tại ngoại khi nộp tiền bảo lãnh và cảnh sát tạm kết luận vị trọng tài này không có tội trong cái chết của Mkhwetha. Còn kết quả của phiên tòa xét xử sau đó lại không được nhiều người biết đến.
Một vụ khác gần giống cũng tại Nam Phi xảy ra vào tháng 7/2004, ở Kenton thuộc mũi đất gần biển phía đông. Theo tường thuật của báo chí nước này, "khi một thẻ vàng được rút ra, lập tức tạo nên phản ứng dữ dội từ phía HLV và các cầu thủ đội khách (Marcelle).
Liền sau đó, ông HLV xấu số đã bị bắn vào ngực và chết, hai cầu thủ khác cũng bị bắn vào cánh tay bởi một khẩu súng lục.
Kết quả điều tra sơ bộ của cho biết: "Đã có một cuộc đấu khẩu nổ ra và vị trọng tài bị đe dọa. Ông này liền rút súng sát hại luôn HLV đội khách trước khi chuồn khỏi hiện trường". Cảnh sát cũng khẳng định sẽ sớm tóm được kẻ giết người để truy tố hai tội danh bắn chết một người và làm bị thương hai người khác.
Đã có ai đánh đầu ghi bàn từ... ngoài vòng cấm?
Lập công bằng chân từ ngoài khu 16m50 đã khó, vì thế kiếm được bàn thắng từ cự ly này bằng đầu lại càng khó hơn. Nhưng thật ngạc nhiên là có khá nhiều pha ghi bàn như thế trong lịch sử bóng đá thế giới.
Có thể kể những cái tên như Steve Nicol (Liverpool, mùa bóng 1987-1988), Carlton Palmer (Sheffield Wednesday, mùa 1993-1994), Kieron Dyer (Ipswich Town, mùa 1998-1999). Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là hai bàn của Marco Van Basten và Diego Maradona.
Ở trận bán kết lượt đi Cup C1 năm 1988 trên sân Bernabeu, Van Basten đánh đầu lốp bóng qua thủ môn đối phương từ ngoài cấm địa, đem về tỷ số 1-1 cho Milan. Trong trận lượt về, đội chủ sân San Siro đè bẹp Real Madrid 5-0.
Trong khi đó, bàn của Maradona lại ghi vào chính lưới Milan, trong trận Napoli thắng 4-1 ngày 27/11/1988. Thiên tài người Argentina phá bẫy việt vị bằng xuống trong khi thủ môn đối phương cũng lao ra cản phá.
Do không thể với chân tới bóng, Maradona lập tức chứng tỏ sự nhạy cảm bằng pha bay người song song với mặt đất đánh đầu đưa bóng bổng qua thủ môn Milan, vào lưới trống. Người ta ước tính khoảng cách ghi bàn ít nhất phải là 23 m.
Có thủ môn nào bị đuổi khỏi sân trong loạt đá luân lưu không?
Có. Thủ môn kiêm đội trưởng của tuyển Botswana, Modiri Marumo, đã rơi vào hoàn cảnh ấy trong trận đấu với Malawi ở Castle Cup, hồi tháng 5/2003.
Sự việc xảy ra khi thủ môn này đang đợi đến lượt mình đẩy luân lưu. Bị một cầu thủ đối phương có tên Philip Nyasulu bỗng vỗ nhẹ vào vai, thế là Marumo nổi cáu và trả miếng bằng một quả đấm vào mặt đối phương. Thẻ đỏ lập tức được rút ra. Sau đó, Malawi thắng 4-1 và tiến vào bán kết.
Marumo tỏ ra vô cùng hối hận: "Tôi đã phản ứng quá mạnh và hoàn toàn không kiểm soát nổi mình. Sự việc đáng tiếc này không chỉ ảnh hưởng đến tôi mà còn làm hỏng hình ảnh nơi tôi làm việc, Bộ Quốc Phòng Botswana. Hy vọng lời xin lỗi của tôi sẽ được chấp nhận".
Đã có cầu thủ nào lập hat-trick bằng phạt đền chưa?
Vô số. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Ronaldo khi anh ghi 3 bàn từ chấm phạt đền trong trận thắng Argentina 3-1 trên sân nhà, ở vòng loại World Cup cách đây hai năm. Từ các pha phạm lỗi của Heinze, Mascherano, và thủ môn Carvallero, tiền đạo răng thỏ lần lượt thể hiện khả năng dứt điểm và hệ thần kinh cực tốt khi đứng trước khung thành đối phương.
Thủ môn đầu tiên và duy nhất ghi một hat-trick bằng phạt đền không ai khác ngoài Jose Luis Chilavert, - "bức tường" huyền thoại người Paraguay. Màn trình diễn xuất sắc của anh được thể hiện trong trận Velez Sarsfield đè bẹp Ferro Carril Oeste 6-1, tại giải vô địch xứ sở tango.
Người ghi bàn trên chấm phạt đền nhiều nhất trong một trận thuộc về Alex, tuyển thủ Brazil hiện đang chơi cho Fenerbahce (Thổ Nhĩ Kỳ). Anh ghi 4 bàn như thế trong trận đấu của Cruzeiro ở Bahia tháng 12 năm 2003. Tất cả chỉ diễn ra trong 37 phút đầu tiên.
Trong khi đó, kỷ lục hat-trick đá hỏng phạt đền thuộc về chân sút Martin Palermo, người hiện đang có tên trong sách kỷ lục Guinness. Tháng 7/1999, trong trận đấu Argentina gặp Colombia tại giải vô địch Nam Mỹ, Palermo lần lượt đưa bóng chệch khung thành trong cả 3 lần từ chấm 11m, khiến Argentina thua mất mặt 0-3.
HLV đối thủ, Javier Alvarez sau đó không thể tin nổi vào may mắn: "Đấy có lẽ là sự kiện đầu tiên kiểu như thế xảy ra trong lịch sử hơn 1 thế kỷ của bóng đá thế giới". "Thành tích" của "El Loco" (gã điên) thậm chí còn khiến cổ phiếu của CLB anh đang thi đấu khi đó, Boca Juniors, giảm giá 4,5% chỉ sau một đêm.
Ai là cầu thủ già nhất thế giới từng chơi một trận chuyên nghiệp?
Cầu thủ trên 40 tuổi vẫn chơi bóng là chuyện xảy ra không ít. Dino Zoff từng đoạt Cup thế giới năm 1982 khi 40 tuổi 4 tháng. "Ông già" Roger Milla 42 tuổi vẫn ghi bàn ở World Cup 1994 để trở thành cây săn bàn già nhất trong lịch sử giải đấu.
Nhưng chắc hẳn, chưa có ai ngoài Knut Olav Fosslien, người vẫn chơi bóng chuyên nghiệp ở tuổi 56, tại CLB hạng ba của Nauy, FK Toten.
Tại một tòa soạn ở Oslo, nhà báo Trygve Lie viết: "Fosslien, người đã 56 tuổi, vẫn chơi rất tốt trong trận FK Toten gặp đội hạng nhất Raufoss ở vòng một Cup quốc gia (năm 2001). Fosslien hoàn thành quá tốt công việc của mình nhưng không thể giúp được đội nhà tránh khỏi thất bại 0-2.
Anh ấy vẫn có thế chơi đến năm 60 tuổi, tất nhiên là nếu còn đủ sức. Fosslien khởi đầu sự nghiệp năm 1962, và có gần 1.000 trận trong sự nghiệp. Anh ấy chắc chắn là cầu thủ già nhất thế giới có thể chơi ở đẳng cấp chuyên nghiệp như tại giải hạng ba Nauy".
Màn đá luân lưu dài nhất thế giới?
Kỷ lục châu Âu là trận đấu giữa Genclerbirligi và Galatasaray ngày 28/11/1996 ở Cup quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-1 sau 120 phút và cuối cùng Genclerbirligi thắng luân lưu với tỷ số 17-16.
Tổng cộng, có 34 quả luân lưu và chỉ có 1 trong số đó không thành công. Quả là một ngày buồn cho thủ môn Hayrettin của CLB Galatasaray khi anh bất lực nhìn cả 17 quả luận lưu đánh bại mình.
Kỷ lục thế giới ra đời trong mùa bóng 1988-1989 tại giải vô địch Argentina, khi đó còn tồn tại luật nếu trận đấu hòa sẽ tiến hành đá luân lưu để thưởng 1 điểm cho đội thắng.
Suốt hơn 90 phút của cặp Argentinos Juniors - Racing Club ngày 20/11/1988 diễn ra cực kỳ quyết liệt và tỷ số dừng lại ở 2-2. Hai đội bước vào đá luân lưu, và sau 44 quả, Argentinos thắng 20-19.
Đã có người nào "truổng cời" ghi bàn?
Hiếm tổ chức nào thống kê những bàn "ngoạn mục" này nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là chuyên gia "truổng cời" số một thế giới, Mark Roberts, người từng "ghi bàn" trong trận League Cup giữa Liverpool và Chelsea trên sân Anfield, và đặc biệt, bàn thắng trong trận chung kết Champions League 2002 giữa Real Madrid và Leverkusen trên sân Hampden Park.
Ở Anfield, Roberts vào sân từ ghế khán giả, cắt đường chuyền của Zola rồi đánh bại hàng thủ Chelsea trước khi ghi bàn vào lưới Ed de Goey đang trố mắt nhìn. Phần thưởng cho bàn thắng: hầu tòa và bị phạt 100 bảng Anh.
Còn trong trận CK Champions League 2002, lại là Mark Robert nhảy vào sân rồi xé toạc quần áo trước khi cướp lấy bóng, đánh bại hai hậu vệ để đá tung lưới Leverkusen.
Nhưng Roberts cũng không phải là người duy nhất như thế.
Tháng 12 năm 1998, trong chiến thắng 1-0 của Reading trước Notts County ở giải hạng thấp nước Anh, một fan trần như nhộng đã chạy vào sân, hôn xuống mặt cỏ rồi cướp bóng ghi bàn đánh bại thủ môn của County, trước khi lẩn mất vào đám đông CĐV.
HLV nào dẫn dắt nhiều đội tuyển quốc gia khác nhau nhất?
Ngay lập tức người ta có thể trả lời rằng đó là Philippe Troussier, người đã huấn luyện các đội Nam Phi, Nigeria, Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Nhật Bản, và Qatar. Nhưng xin thưa đó chưa phải kỷ lục.
Bora Milutinovic là người nổi tiếng hơn. Trải qua 21 năm 96 ngày trên cương vị HLV đẳng cấp cao nhất, nhà cầm quân gốc Nam Tư cũ cũng dẫn dắt 6 đội tuyển: Mexico, Costa Rica, Mỹ, Nigeria, Trung Quốc, Honduras, và có tới 5 đội đầu tiên đều lọt vào World Cup dưới quyền ông.
Tuy nhiên, người dẫn dắt nhiều đội tuyển quốc gia nhất trên thế giới phải là Rudi Gutendorf. Sinh ngày 30/8/1926, Gutendorf đã có một sự nghiệp huấn luyện không thể tin nổi kéo dài 53 năm, dẫn dắt 17 đội tuyển quốc gia khác nhau trên thế giới gồm Chile, Bolivia, Venezuela, Trinidad & Tobago, Grenada, Antigua, Botswana, Australia, New Caledonia, Nepal, Tonga, Tanzania, Ghana, lại Nepal, Fiji, Zimbabwe, Mauritius và Rwanda.
Ngoài ta ông từng dẫn dắt hai đội tuyển Olympic của Iran và Trung Quốc tại các kỳ thế vận hội 1988 và 1992. Khi được hỏi tại sao lại khoái dẫn dắt nhiều đội tuyển quốc gia khác nhau, nhà cầm quân người Đức trả lời ngắn gọn: "Chẳng ai có thể bó buộc niềm đam mê của chính mình".
Đội nào đoạt Champions League có thành tích nội địa tệ nhất?
Liverpool là một trong những đội như thế. Họ đánh bại AC Milan ở Istanbul để quên đi một thực tế đáng buồn rằng mình chỉ đứng thứ 5 tại giải nội địa, tệ đến nỗi, kém nhà vô địch Chelsea tới 38 điểm (khoảng cách của 12 trận thắng và 2 trận hòa).
Nhưng vẫn còn đội tệ hơn, ngay tại nước Anh. Mùa bóng 1981-1982, năm ngày trước trận CK Cup C1, Aston Villa đã đánh bại Swansea để kết thúc giải hạng nhất Anh (lúc đó là hạng cao nhất tại xứ sương mù) với thành tích thảm hại: 15 trận thắng, 12 hòa, và thua 12, hiệu số là +2, chỉ đứng thứ 12/22 đội.
Không hiểu có phải do tự ái hoặc được đối phương đánh giá thấp hay không mà thày trò Tony Barton sau đó đã đánh bại Bayern 1-0 để vô địch châu Âu.
Chính "hùm xám" của nước Đức là đội giành Cup C1 tệ thứ hai trong lịch sử. Mùa bóng 1974-1975, họ đứng thứ 10 ở Bundesliga (thắng 14, hòa 6, thua 14, hiệu số -6), nhưng vẫn đánh bại Leeds United 2-0 để lần thứ 3 liên tiếp đăng quang tại giải đấu hay nhất dành cho các CLB châu Âu.
Đội bóng hạng đỉnh cao nào có cái tên dài nhất?
Borussia Monchengladbach, đọc tên á quân Cup C1 năm 1977 mà đã thấy "đau" cả lưỡi. Và nếu bạn là một CĐV trung thành thì may ra mới đủ kiên nhẫn đánh vần hết cái tên đầy đủ của đội này: Verein für Leibesübungen Borussia Mönchengladbach (45 chữ).
Vậy mà, đấy vẫn chưa phải kỷ lục. Đội bóng hạng đỉnh cao có cái tên dài nhất thế giới phải kể đến NAC Breda, đang là thành viên của giải vô địch Hà Lan, với tên đầy đủ là Nooit Opgeven Altijd Doorzetten Aangenaam Door Vermaak En Nuttig Door Ontspanning Combinatie Breda (tổng cộng 86 chữ).
Nếu mở rộng phạm vi ra toàn thế giới ở mọi cấp độ chơi bóng thì có lẽ kỷ lục sẽ về tay Thái Lan. Tên đầy đủ của đội Thai of Bangkok University FC là "Samosorn Maha Vittiyalai Krungthep Mahanakorn Boworn Rattanakosin Mahintara Yutthaya Mahadilok Phop Noparat Rajathani Burirom Udom Rajaniwet Mahasatharn Amorn Phimarn Avatarn Sathit Sakkatattiya Vishnukarm Prasit" (189 chữ).
Nhưng đấy vẫn chưa phải "nhất quả đất". Đội Bangkok Bravo đang tham dự giải chuyên nghiệp Thái Lan có cái tên siêu dài "Krung Thep Mahanakhon Amon Rattanakosin Mahinthara Ayuthaya Mahadilok Phop Noppharat Ratchathani Burirom Udomratchaniwet Mahasathan Amon Piman Awatan Sathit Sakkathattiya Witsanukam Prasit Bravo Association Football Club", gồm 196 ký tự. Đấy mới là "number one".
Cầu thủ nào bị các HLV trên thế giới "ghét" nhất?
Kevin Phillips từng là vua phá lưới giải Ngoại hạng. Nhưng anh cũng bị các HLV "ghét ghê gớm". Đơn giản là vì đã có tới 5 ông thày từng mất việc khi đang huấn luyện Kevin, gồm: Peter Reid, Howard Wilkinson, Paul Sturrock, Steve Wigley (tại Sunderland) và Gordon Strachan (Southampton).
Tuy nhiên, "chuỗi thành tích" này quá tầm thường nếu so sánh với tiền đạo Paul Dickov đang chơi cho Blackburn Rovers. Sau 18 tháng trải qua 3 đời HLV bị thay tại Arsenal (George Graham, Bruce Rioch và Stewart Houston), Dickov chuyển đến Man.City năm 1996. Tại đây, anh lại chứng kiến thêm 5 nạn nhân nữa là Alan Ball, Steve Coppell, Phil Neal, Frank Clark và Joe Royle, trước khi hạ cánh ở Leicester City năm 2002.
Sự bất lực là từ mà Dickov dùng trong cuộc giải cứu HLV Dave Bassett ở đây, và tiếp đó là Graeme Souness và Tony Parkes tại CLB hiện tại, Blackburn Rovers. Kỷ lục đã được thiết lập với 11 ông thày. Và Mark Hughes sẽ là nạn nhân thứ 12?
Đội nào giành nhiều điểm nhất trong lịch sử giải vô địch Anh?
Trong khi Liverpool đoạt nhiều chức vô địch Anh nhất (18 lần), tiếp theo là MU (15) và Arsenal (13) thì Everton mới là đội giành nhiều điểm nhất trong lịch sử. Trong suốt 102 mùa giải, tính trước mùa giải này, và nếu tính theo thang điểm cũ (thắng được 2 điểm, hòa 1 điểm) thì Everton 4223 điểm (thắng 1623, hòa 977, thua 1386).
Liverpool là đội xếp thứ hai (4192 điểm), tiếp theo là Arsenal (4116), Aston Villa (3879) và thứ năm là MU (3774). 5 đội còn lại trong top 10 là Newcastle, Manchester City, Sunderland, Tottenham và Chelsea.
Hậu vệ Zesh Rehman của Fulham đã khởi đầu sự nghiệp quốc tế trong màu áo đội tuyển Pakistan - xếp hạng 158 thế giới. Liệu đây có phải là cầu thủ chơi cho quốc gia có xếp hạng thấp nhất tại giải Ngoại hạng Anh?
Không hẳn như vậy. Trước đây khi còn đá cho Man City, tiền đạo Shaun Goater là tuyển thủ của Bermuda, khi đó xếp hạng 180 thế giới (hiện nay là 161). Đấy mới là kỷ lục thực sự ở giải Ngoại hạng.
Thậm chí, tiền vệ trụ cột Tim Cahill của Everton sẽ là kỷ lục gia nếu không chơi cho Australia. Bởi khi còn trẻ, anh đã từng khoác áo đội U20 của Samoa - quốc gia thuộc châu Đại dương có xếp hạng FIFA là 182.
Theo Tiến Dũng
Vnexpress