Nhiều huấn luyện viên ngoại mất việc và sự khắc nghiệt của V-League

Trọng Vũ

(Dân trí) - Hiếm có huấn luyện viên (HLV) ngoại thành công ở giải V-League, vì giải đấu này không chỉ khắc nghiệt mà còn hết sức khác biệt.

Tính đặc thù của giải V-League

Không có giải đấu trên thế giới có chuyện các CLB chỉ mới thi đấu khoảng 3-4 lượt trận, buộc phải nghỉ chừng 1,5-2 tháng, sau đó thi đấu lại thêm 3-4 lượt trận nữa, rồi lại nghỉ tiếp với khoảng thời gian tương tự.

Trước đây, chuyện V-League mỗi mùa giải nghỉ 2-3 đợt theo khung thời gian mỗi đợt 1-2 tháng là chuyện thường. Đôi khi giải đấu này tạm ngưng chỉ vì lý do là đội tuyển U20 quốc gia tập trung, một lý do chắc chắn không thể nào xuất hiện ở các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới.

Nhiều huấn luyện viên ngoại mất việc và sự khắc nghiệt của V-League - 1

HLV Kiatisuk không xa lạ với giải V-League, nhưng vẫn thất bại ở giải đấu này (Ảnh: Mạnh Quân).

Vì thế, V-League rất khác biệt so với các giải vô địch quốc gia khác trên khắp thế giới. Việc tính toán điểm rơi phong độ, tính toán bài toán thể lực cho các cầu thủ sau từng quãng nghỉ đã nên ở trên là công việc hết sức phức tạp đối với các HLV.

Cũng không có giáo trình nào trên khắp thế giới dạy cho các HLV công việc này (vì trên thế giới có tồn tại thực tế như ở V-League đâu), nên các HLV tại V-League buộc phải dựa vào kinh nghiệm của mình. Kinh nghiệm này có thể đúc kết qua quá trình cầm quân, thậm chí quá trình thi đấu khi các HLV còn là cầu thủ, để thích nghi với giải V-League.

Các HLV ngoại không có kinh nghiệm nói trên, nên các HLV ngoại không dễ thành công tại V-League.

Ví dụ như cố HLV Alfred Riedl từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong 3 giai đoạn khác nhau (1998 - 2000, 2003 - 2004 và 2005 - 2007), nhưng ông Riedl vẫn thất bại nặng nề tại V-League.

Năm 2001, ông Alfred Riedl về đội Khánh Hòa, đội bóng phố biển rớt hạng. Đến năm 2008, vị HLV người Áo dẫn dắt CLB Hải Phòng, đội bóng đất Cảng lao đao.

Ông Riedl rất hiểu bóng đá Việt Nam, nhưng chỉ hiểu ở tầm mức đội tuyển quốc gia, còn ở tầm mức CLB, đấy lại là những trải nghiệm hoàn toàn khác. Ở cấp độ CLB, các HLV ngoại không còn nhận được những sự ưu tiên từ làng cầu trong nước như khi họ nắm đội tuyển quốc gia.

Nhiều huấn luyện viên ngoại mất việc và sự khắc nghiệt của V-League - 2

HLV Gong Oh Kyun thành công ở cấp độ đội tuyển U23 Việt Nam, nhưng không thể thành công tại V-League (Ảnh: Mạnh Quân).

Điều tương tự vừa xảy ra với HLV Gong Oh Kyun. Vị HLV người Hàn Quốc từng thành công với đội U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á mới năm ngoái, nhưng năm nay lại thất bại ở CLB Công An Hà Nội (CAHN): Cầm quân 4 trận không thắng trận nào (2 hòa, 2 thua).

Nơi chôn vùi tên tuổi của nhiều HLV ngoại

HLV Kiatisuk cũng có thể xem là người rất hiểu bóng đá Việt Nam, nhờ khoảng thời gian từng là cầu thủ cho CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, giai đoạn 2002 - 2006), từng là HLV tại đây (năm 2006 và năm 2010), nhưng "Zico Thái" vẫn chuẩn bị mất việc ngay chính ở đội bóng phố núi.

Đến HAGL lần thứ 3 từ mùa giải 2021, Kiatisuk chỉ thành công ở mùa giải đầu tiên (dẫn đầu V-League nhưng không được công nhận ngôi vô địch vì giải ngừng giữa chừng). Còn ở 3 mùa giải tiếp theo, bao gồm mùa giải hiện tại, vị HLV người Thái Lan không tạo nên thành tích đáng kể.

HLV Ljupko Petrovic (người Serbia) từng giành cúp C1 châu Âu (tương đương với UEFA Champions League ngày nay) nhưng vẫn không thành công khi dẫn dắt đội Thanh Hóa (từ 2020 - 2022), được cho nghỉ với lý do sức khỏe.

HLV Arjhan Somgamsak là HLV nước ngoài cực kỳ hiếm hoi thành công tại V-League, với 2 ngôi vô địch giải đấu này năm 2003 và 2004, cùng với CLB HAGL.

Nhiều huấn luyện viên ngoại mất việc và sự khắc nghiệt của V-League - 3

Cựu HLV đội tuyển Thái Lan Mano Polking cũng từng nếm trải thất bại tại V-League (Ảnh: FAT).

Tuy nhiên, thời điểm Arjhan Somgamsak giúp đội bóng của bầu Đức xưng vương, giới bóng đá Việt Nam cho rằng có đóng góp rất lớn của Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Nguyễn Văn Vinh của HAGL. 

Sau thời Arjhan Somgamsak, HAGL từng được giao cho nhiều HLV ngoại qua các thời kỳ khác nhau, gồm Chatchai Paholpat, Anant Amornkiat, Dusit Chalermsan, Kiatisuk Senamuang (người Thái Lan), Graechen Guillaume (người Pháp) và đều thất bại.

Còn HLV ngoại duy nhất thành công ở cả cấp độ đội tuyển quốc gia và CLB ở V-League là ông Henrique Calisto (người Bồ Đào Nha). Dù vậy, có chút khác biệt nằm ở chỗ ông Calisto thành công ở cấp CLB trước (vô địch V-League các năm 2005 và năm 2006 cùng ĐT Long An) rồi mới lên đội tuyển sau (vô địch AFF Cup 2008).

Vả lại, bầu Thắng của CLB ĐT Long An từng tiết lộ, HLV Calisto tâm lý với cầu thủ Việt Nam còn hơn cả người Việt, nên cầu thủ luôn hết lòng vì vị HLV người Bồ Đào Nha. Đây là chi tiết không phải chuyên gia ngoại nào cũng có được.

Đấy cũng là lý do khác mà nhiều HLV ngoại không thể trụ lâu ở V-League, như HLV Chung Hae Seong ở CLB TPHCM (đến với đội năm 2019, rời đội năm 2020), Mano Polking (đến CLB TPHCM năm 2020, rời đội năm 2021).

Hay Park Choong Kyun (CLB Hà Nội, gia nhập đội năm 2021, chia tay năm 2022) và Bozidar Bandovic (CLB Hà Nội, trắng tay năm 2023).

Ngay đến đội đương kim vô địch V-League CAHN cũng thay HLV đến 2 lần trong mùa trước. Các HLV người Brazil là Paolo Foiani và Flavio Cruz lần lượt được thay thế, chỉ đến khi GĐKT Trần Tiến Đại đóng vai trò HLV tạm quyền, CAHN mới giành ngôi vô địch V-League mùa giải 2023.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm