Ngày tàn của bóng đá Trung Quốc: Sự hào nhoáng giả tạo, bong bóng vỡ tan
(Dân trí) - Việc nhà vô địch giải Trung Quốc Jiangsu Suning giải thể thực sự là cú sốc. Nó cho thấy những nhà làm bóng đá nước này đã thực sự sai lầm. Giờ đây, tất cả giống như "bong bóng vỡ tan".
Roy Keane đã chỉ trích Liverpool là nhà vô địch tệ nhất trong lịch sử Premier League khi thi đấu quá thất vọng ở mùa này nhưng người ta đang thử hỏi, cựu danh thủ của Man Utd sẽ nói gì nếu nhìn vào trường hợp của CLB Jiangsu Suning.
Chỉ ba tháng trước, Jiangsu Suning đã sống trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Lần đầu tiên trong lịch sử, CLB ở Giang Tô này bước lên ngôi vô địch bóng đá Trung Quốc. Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Bóng tối đã bao trùm lên thành phố Giang Tô. Vài ngày trước, Jiangsu Suning vừa tuyên bố giải thể...
Nguyên nhân bởi chủ sở hữu của CLB, tập đoàn bán lẻ Suning vỡ nợ và đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Cách đây khoảng một thập kỷ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cho rằng đến lúc chấm dứt tình trạng suy thoái của bóng đá Trung Quốc. Ông đã kêu gọi các tập đoàn và doanh nghiệp chung tay xây dựng bóng đá.
Kể từ đó, giải vô địch quốc gia (VĐQG) Trung Quốc như được sống lại bằng những khoản đầu tư khổng lồ. Trong sự nhộn nhịp ấy, các CLB Trung Quốc thực sự tạo nên cơn địa chấn ở làng bóng đá thế giới bằng những khoản đầu tư không đáy. Họ dùng số tiền rất lớn để lôi kéo những ngôi sao bóng đá trên khắp châu Âu.
Trong năm 2012, Shanghai Shenhua đã ký hợp đồng với Drogba và Nicolas Anelka. Rồi lần lượt sau đó, Seydou Keita tới Dalian Aerbin, Lucas Barrios, Yakubu rồi HLV Marcello Lippi tới Guangzhou Evergrande. Thậm chí, năm 2013, CLB Guangzhou Evergrande đã thuê David Beckham trở thành đại sứ toàn cầu của CLB.
Với những khoản đầu tư khủng khiếp ấy, Guangzhou Evergrande lớn nhanh như thổi. Riêng trong năm 2015, họ đã giành cú đúp vô địch giải VĐQG Trung Quốc và AFC Champions League.
Trong làn sóng hối hả ấy, Teixeira, Ramires, Alexandre Pato, Paulinho, Oscar, Carlos Tevez, Hulk và John Obi Mikel đều lần lượt tới đất nước tỷ dân để chơi bóng. Ngay cả HLV tên tuổi như Fabio Cannavaro, Luiz Felipe Scolari, Rafa Benitez... cũng chọn nơi đây là điểm dừng chân.
Có chi tiết đáng lưu ý. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều ngôi sao sẵn sàng bỏ đỉnh cao ở châu Âu (như Teixeira, Hulk, Oscar...) để sang Trung Quốc thi đấu. Tại đó, họ nhận được mức lương hàng chục triệu euro mỗi năm. Đó là khoản thu nhập mà ngay cả khi họ nằm mơ cũng không thể nhận được ở châu Âu.
HLV Wenger từng cảnh báo về sự lớn mạnh về tài chính của các CLB Trung Quốc: "Đó là điều hết sức nguy hiểm, khi mà những lời chào hàng không tưởng của Trung Quốc có thể trở thành tiêu chuẩn về mức lương ở châu Âu. Rõ ràng, bạn không thể trả nổi những mức lương như vậy".
Nhưng dường như, mọi thứ chỉ là sự hào nhoáng giả tạo. Carlos Tevez từng thẳng thừng tuyên bố rằng mình tới Trung Quốc thi đấu chỉ vì tiền. Đó cũng là lời thừa nhận của Alex Teixeira sau khi từ chối Chelsea, Man Utd để sang Trung Quốc.
Những đồng tiền chẳng thể thổi hồn cho bóng đá Trung Quốc, khi mà chất lượng của các cầu thủ ở đội tuyển nước này không được cải thiện. Thậm chí, thành tích của đội tuyển Trung Quốc ngày càng tệ hơn. Trong nhiều năm qua, họ chưa một lần vượt qua nổi tứ kết ở giải đấu cấp độ châu lục.
Sự đầu tư ồ ạt cũng không mang tới giá trị bền vững cho giải VĐQG Trung Quốc. Bởi lẽ, các CLB phụ thuộc quá nhiều vào túi tiền của các ông chủ. Và khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, tất cả giống như bóng bóng vỡ tan.
Trước Jiangsu Suning, CLB nổi tiếng khác ở Trung Quốc là Tianjin Tianhai (từng sở hữu Pato và Axel Witsel) đã tuyên bố phá sản vào tháng 5 năm ngoái. Người ta đang xem việc Jiangsu Suning phải giải thể chỉ là hiệu ứng của chuỗi dây chuyền, chứ cuộc khủng hoảng vẫn chưa dừng lại. Trong vài năm tới, sẽ có thêm những CLB mạnh khác phải "chìm vào dĩ vàng" giống như vậy, nếu như giới chủ gặp khó khăn về tài chính.
Vào tháng trước, Zhang Jindong, cổ đông lớn nhất của tập đoàn Suning, đã thông báo rằng CLB Jiangsu Suning sẽ phải cắt giảm chi tiêu mạnh vì không tìm được người mua lại CLB (vốn đang nợ 67 triệu bảng) mặc dù chào bán với giá 1 xu. Sau khi không nhận được sự trợ giúp từ chính quyền thành phố, họ đã quyết định "rút phích cắm".
Có không ít những CLB đang lo ngại bị "rút phích cắm" như vậy. Shandong Luneng được chỉ ra là CLB có nguy cơ tiếp theo. Cách đây ba tuần, CLB này vừa bị loại khỏi AFC Champions League vì không thể "trả những khoản nợ quá hạn". Tương tự, CLB Liaoning FC cũng bị liệt vào "báo động đỏ" vì không trả được nợ.
Thực tế, Chính phủ Trung Quốc cũng đã cảm nhận được sự nguy hiểm từ sự đầu tư ồ ạt của những tập đoàn vào bóng đá. Họ đã có động thái nhất định để ngăn những CLB thực hiện phi vụ điên rồ. Vào năm 2017, thuế chuyển nhượng với cầu thủ nước ngoài lên tới 100%.
Cách đây không lâu, họ đã đặt giới hạn về mức lương trần với cầu thủ nước ngoài là không quá 3 triệu euro/năm và cầu thủ trong nước là không quá 700.000 euro/năm. Các CLB không được chi tiêu quá 76,81 triệu euro và quỹ lương không quá 10 triệu euro/năm.
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc, Chen Xuyuan thừa nhận: "Chi tiêu của các CLB ở giải Trung Quốc gấp 10 lần so với giải Hàn Quốc và gấp 3 lần so với giải Nhật Bản. Thế nhưng, đội tuyển quốc gia Trung Quốc lại ngày càng thụt lùi. Mọi thứ giống như bong bóng. Nó có thể vỡ bất kỳ lúc nào. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hiện tại mà còn tương lai của bóng đá Trung Quốc".
Những biện pháp ngắn hạn có thể khiến bóng đá Trung Quốc không còn là "miền đất hứa" với các ngôi sao nước ngoài nhưng đó là giải pháp để cứu nền bóng đá Trung Quốc ở thời điểm này. Đã đến lúc, CLB dần phải ổn định và đứng vững vào đôi chân của mình, hơn là sống dựa vào túi tiền của các ông chủ.