Một MU… con nợ và một MU thành công
(Dân trí) - Kể từ khi gia đình nhà Glazer mua lại MU (5/2005), “Quỷ đỏ” giành được 4 ngôi vô địch Premier League, 1 chiếc cúp Champions League, nhưng cũng gánh trên vai khoản nợ khổng lồ tới nửa tỷ bảng. Điều đó gây ra rất nhiều tranh cãi xung quanh cách làm của đội bóng này…
Một Man Utd… con nợ
Theo báo cáo tài chính vừa mới được công bố mới đây, năm 2011 vừa qua doanh thu của MU là 175 triệu bảng, tăng 17.5 triệu bảng so với năm trước nữa. Trong đó tiền thu từ các trận đấu đạt 54.5 triệu bảng (năm 2010, 52.4 triệu bảng), từ truyền thông có 60.9 triệu bảng (năm 2010, 53.7 triệu bảng), từ thương mại đạt 58.6 triệu bảng (năm 2010, 50.4 triệu bảng). Có thể thấy rằng đội chủ sân Old Trafford đã đạt mức doanh thu khá lớn.
Tuy nhiên, với việc chi bạo tay trong thị trường chuyển nhượng mùa Hè vừa qua để mua cầu thủ như David De Gea, Phil Jones và Ashley Young, cũng như chi phí cho việc tu sửa bệnh viện, nhà khách… cùng nhiều chi phí khác khiến mức lợi nhuận thực tế của MU còn 50.9 triệu bảng. Và điều đó chỉ giúp MU giảm bớt số nợ xuống còn 439 triệu bảng.
Chẳng phải đến bây giờ mà ngay từ khi nhà Glazer mua lại MU, rất nhiều cổ động viên trung thành của “Quỷ đỏ” cho rằng những nhà tài phiệt người Mỹ chẳng khác gì những “con quỷ” hút máu đội bóng này. Thậm chí, một số người hâm mộ còn chủ động ly khai thành lập đội bóng mới và lấy sắc áo vàng xanh thay cho màu đỏ truyền thống đã bị mà Glazer “vấy bẩn”.
Nếu nhìn ở góc độ kinh tế, những nhận xét trên không phải sai, bởi theo kế hoạch mà nhà Glazer đưa ra, đến khoảng năm 2017, số tiền nợ của MU sẽ đưa về khoảng 45 triệu bảng và duy trì ở mức đó. Như vậy xuyên suốt một chặng đường dài, MU phải tự kiếm tiền “nuôi thân” còn nhà Glazer gần như chẳng bỏ gì ra ngoài công sức và chỉ thế thôi mà họ lại chiếm được cả một đội bóng lớn nhất nhì thế giới.
Một MU thành công…
Bỏ qua những vấn đề tiền bạc và sở hữu. Trong giai đoạn 7 năm qua khi nhà Glazer năm quyền điều hành MU, đội bóng này đã giành được tới 4 chiếc cúp Premier League, 1 cúp Champions League và hàng loạt các danh hiệu khác. Dù có ghét những nhà tài phiệt người Mỹ đến đâu cũng không thể phủ nhận rằng dưới sự cai quản của họ, MU vẫn có được thành công, như (hoặc hơn) trước khi họ đến.
Cách làm của nhà Glazer không được lòng nhiều người, song rất nhiều các CLB tại Anh phải nhìn gương họ. Dù được đầu tư từ tiền đi vay mượn, nhưng MU không thiếu tiền mỗi khi Alex Ferguson cần mua sắm (hơn đứt Wenger, Redknapp, Villas-Boas hay cả Dalglish). Điều đó luôn duy trì cho “Quỷ đỏ” một sức mạnh cần thiết, cùng tài lèo lái của Ferguson đã đưa đội chủ sân Old Trafford tới thành công.
Arsenal không vay mượn, nhưng các ông chủ cũng không dám bạo tay chi. Ông chủ của Chelsea là Abramovic chịu chi hơn tất cả, nhưng sau 8 năm chi ra quá nhiều giờ (xấp xỉ 1 tỷ bảng), ngân sách dành cho The Blues giờ cũng đang cạn kiệt. Và quan trọng nếu so với số tiền mà Abramovic ném ra chỉ để có được 3 chức vô địch Premier League, như vậy liệu có xứng đáng?
Túi tiền của Joe Lewis, ông chủ thực sự của Tottenham hay John W Henrry chưa bao giờ quá rủng rỉnh. Tỷ phú Henrry sau khi giải thoát cho Liverpool từ tay bộ đội Hicks và Gillets cũng đã sẵn sàng bỏ tiền đầu tư, nhưng nếu cân bằng hai chiều mua và bán cầu thủ thì có thể thấy số tiền ông bỏ vào để cải cách Liverpool chưa nhiều, và đội bóng này cũng chưa đi đến đâu trong quãng đường cải thiện thành tích.
Man City với sự chống lưng của các vị tỷ phú Ả rập vung tiền mua sắm cầu thủ 4 năm rồi, nhưng thành tích của họ đi về đâu vẫn là một dấu hỏi chưa có lời đáp cụ thể.
Nói tóm lại, cách làm của tất cả các đội bóng lớn của Premier League đang không hữu hiệu như MU. Đối với một đội bóng (cả về tiền bạc và danh dự) thì danh hiệu là thứ quan trọng nhất. Vậy nên để có được thì công thì MU dù có là con nợ đi chăng nữa thì cũng đâu có sao. Và đó là điều các đội bóng khác nên học hỏi nhiều hơn là chỉ trích những ông chủ của “Quỷ đỏ”.
Vĩ Giang