Malaysia đá rắn, nhiều tiểu xảo hơn cả Philippines
(Dân trí) - So về mức độ đá rắn, chơi tiểu xảo, Malaysia thuộc vào loại nhất Đông Nam Á. Và một chi tiết không thể không nhắc đến, lối chơi rắn của bóng đá Malaysia thường xuyên được dung dưỡng bởi các trọng tài.
Cứ phải nhắc đi nhắc lại chi tiết Malaysia là nơi đặt trụ sở của cả Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) lẫn Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), hầu hết các bộ phận chuyên môn làm việc ở 2 liên đoàn này là người Malaysia. Chủ tịch và Tổng thư ký AFF qua nhiều thời kỳ cũng nghiễm nhiên là người Malaysia.
Chi tiết này mang đến rất nhiều lợi thế cho bóng đá Malaysia ở các giải đấu quốc tế, đặc biệt là tại AFF Cup, nơi đội tuyển Malaysia có thể cạnh tranh các vị trí cao.
Đấy là lợi thế về mặt trọng tài. Thường thì các đội khách khi thi đấu trên đất Malaysia tại AFF Cup luôn phải chịu những quyết định rất khắt khe từ các trọng tài, trong khi đội chủ nhà lại không chịu những tiếng còi như thế.
Điển hình là đội tuyển Việt Nam từng bị đối phương đá rất rắn ở trận lượt đi bán kết AFF Cup 2014, rồi trước nữa là lượt đi bán kết AFF Cup 2010, lần lượt ở các sân Shah Alam và Bukit Jalil tại Malaysia, nhưng trọng tài phạt rất nhẹ đội chủ nhà, thậm chí nhiều tình huống còn làm ngơ.
Malaysia cũng từng đá rắn trước Thái Lan ở bán kết lượt đi AFF Cup năm nay, khi được chơi trên sân Bukit Jalil ở Kuala Lumpur, khiến đội khách phải chùn chân.
Ngoài chuyện đá rắn, bóng đá Malaysia còn có rất nhiều tiểu xảo khác, sử dụng công khai trong các trận đấu quốc tế, nhưng vẫn được dung dưỡng cho qua.
Trọng trận bán kết lượt đi AFF Cup 2010 trên sân Bukit Jalil, khi Malaysia tiếp đội tuyển Việt Nam, CĐV Malaysia liên tục dùng đèn lazer rọi vào mặt, vào mắt thủ môn Bùi Tấn Trường của đội tuyển Việt Nam, khiến thủ thành này mất tập trung, rồi để lọt lưới. Đây là hình thức bị cấm tại các cuộc tranh tài trong bóng đá, nhưng CĐV Malaysia vẫn mang được những đèn lazer ấy, lọt qua hàng rào an ninh sân.
Tuy nhiên, tình trạng nói trên, rồi kể cả việc CĐV quá khích Malaysia tấn công CĐV Việt Nam ở bán kết lượt đi AFF Cup 2014 trên sân Shah Alam ở Selangor (Malaysia) chưa bao giờ được AFF, hay trên nữa là AFC xử lý đến nơi đến chốn.
Đặt trường hợp tình trạng ấy xảy ra ở bất kỳ sân bóng nào khác, thuộc các nền bóng đá khác, biện pháp xử lý thường mạnh hơn hẳn so với biện pháp xử lý lộn xộn tại các sân bóng ở Malaysia.
CĐV quậy, mang tính lặp đi lặp lại, vắt qua nhiều năm, nhưng không được xử lý thích đáng, khiến cho các sân bóng tại Malaysia ngày càng trở nên khủng khiếp với các đội khách. Còn đội chủ nhà chưa ra sân đã nắm trong tay lợi thế không hề nhỏ!
Kim Điền