CĐV Malaysia và mối đe dọa từ những kẻ bịt mặt, áo đen

(Dân trí) - Nhóm Ultras Malaysia (CĐV Malaysia cuồng tín) của Malaysia chiếm số đông và luôn cổ vũ đội nhà với sự cuồng nhiệt (thậm chí tới mức thái quá). Hẳn chẳng CĐV Việt Nam nào quên được “cơn ác mộng” ở Shah Alam năm 2014, khi chúng ta bị tấn công ngay trên khán đài. Ở trận đấu sắp tới, lực lượng CĐV Malaysia cuồng tin này có thể mang tới mối đe dọa cho CĐV Việt Nam.



CĐV Malaysia và mối đe dọa từ những kẻ bịt mặt, áo đen


Nhóm Ultras Malaysia (CĐV cuồng nhiệt) của Malaysia chiếm số đông và luôn cổ vũ đội nhà với sự cuồng nhiệt (thậm chí tới mức thái quá). Hẳn chẳng CĐV Việt Nam nào quên được "cơn ác mộng" ở Shah Alam năm 2014, khi chúng ta bị tấn công ngay trên khán đài. Ở trận đấu sắp tới, lực lượng Ultras Malaysia có thể mang tới những mối nguy hại cho CĐV Việt Nam.

Ultras - sự nguy hiểm của những "cái đầu nóng"


Bóng đá là nơi để mọi người "thả hồn" cảm xúc. Ở đó, người ta thấy được sự cuồng nhiệt, niềm vui vỡ òa nhưng ở góc độ khác (mang tính tiêu cực hơn), đó còn là nơi để những kẻ quá khích tụ tập, giải quyết bức bối của cá nhân. Thậm chí, nguy hiểm hơn, những kẻ này còn coi bóng đá là phương tiện để giải quyết vấn đề… chính trị.

CĐV Malaysia và mối đe dọa từ những kẻ bịt mặt, áo đen - Ảnh 1.

Bóng đá thế giới tồn tại nhiều nhóm Ultras vô cùng nguy hiểm

Ultras là thuật ngữ dùng để chỉ những người hâm mộ cuồng tín. Và ở góc rộng hơn, khi sự cuồng tín này trở nên thái quá, từ Ultras mang tính tiêu cực hơn rất nhiều so với ý nghĩa nguyên thủy của nó.

Những người hâm mộ đã quen với cảnh holigan Nga, Anh gây loạn trước mỗi trận đấu. Ở từng quốc gia, có từng nhóm Ultras khác nhau, với tính chất nguy hiểm khác nhau. Trong đó, nguy hiểm nhất phải kể đến những nhóm Ultras sử dụng bóng đá vì mục đích chính trị.

Nhóm Ultras của Serbia là một trong những nhóm Ultras nguy hiểm nhất thế giới cũng vì lý do này. Trận đấu giữa Serbia và Italia ở sân Marassi vào năm 2010 (vòng loại Euro 2012) chứng kiến nỗi kinh hoàng mang tên Ultras. Nó đã biến thành cuộc bạo loạn, khiến Ban tổ chức phải hoãn trận đấu ngay lập tức.

Nhóm Ultras đã biến trận đấu thành sân khấu riêng của mình. Trong bức ảnh chụp lại, những kẻ áo đen, bịt mặt đã trèo lên thành của hàng rào an ninh và cầm trên tay pháo sáng. Ở trên khán đài, những kẻ quá khích hò hét theo "kẻ thủ lĩnh" để nên không khí rợn người.

CĐV Malaysia và mối đe dọa từ những kẻ bịt mặt, áo đen - Ảnh 2.

Nhóm Ultras Serbia được xem là nguy hiểm bậc nhất trên thế giới

Trước trận đấu, pháo được ném trúng đầu thủ thành Stojkovic bên phía Serbia, khiến thủ thành này phải nhập viện. Đây là sự phản đối của CĐV Red Star Belgrade dành cho người gác đền này khi anh cả gan dám đầu quên cho CLB kình địch Partizan. Ngay cả thủ thành dự bị Zeljko Brkic cũng suýt lĩnh trọn pháo sáng vào đầu thủ thành dự bị Zeljko Brkic.

Nhưng sự phản đối ấy chỉ ở "cấp thấp". Đối tượng mà nhóm Ultras Serbia hướng tới không chỉ là những cầu thủ. Nó còn để phản đối LĐBĐ Serbia khi sa thải HLV Antic và xa hơn là mục đích chính trị. Nhóm Ultras đã mang vào sân những dòng biểu ngữ lớn: "Kosovo is Serbia" (Kosovo là của Serbia) để nhắm vào nước Kosovo (khi tuyên bố độc lập) và cả khối NATO.

"Tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như vậy" - HLV Italia ở thời điểm đó, Cesare Prandelli nhớ lại. Trong khi đó, thủ thành Viviano thừa nhận: "Tôi không dám thi đấu ở điều kiện ấy. Tôi đứng trước khung thành và chẳng dám chắc mình không lĩnh nguyên quả pháo sáng vào đầu". Trong khi đó, theo mô tả của báo giới Italia, thủ quân Serbia, Dejan Stankovic đã khóc rưng rức trong nỗi buồn vô hạn vì CĐV nhà.

Nhóm Ultras Serbia gây loạn trong trận đấu với Italia vào năm 2010

Chủ tịch LĐBĐ Serbia, Tomislav Karadzic buông lời kêu gọi yếu ớt: "Cả châu Âu đang chứng kiến nỗi ô nhục và CĐV Serbia mang lại. Còn chúng tôi đã phải giam mình trong khách sạn 2 ngày vì sự bao vây của nhóm Ultras".

Nhiều quốc gia châu Âu đã coi Ultras là "bệnh dịch". Nhưng họ cũng chỉ có biện pháp chống lại ở chừng mực nào đó (như việc cấm một số kẻ quá khích tới sân). Thế nhưng, biện pháp ấy vẫn quá "hiền lành" để ngăn chặn những cái đầu nóng.

Những vụ bạo loạn trước, trong và sau trận đấu vẫn xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Âu (thậm chí ở giải đấu lớn như Euro 2016). Nhiều kẻ đã bị bắt nhưng nó chẳng "thấm thía" vào đâu. Việc ngăn chặn nhóm Ultras gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Ở Đông Nam Á, người ta cũng thấy nhiều nhóm Ultras nổi loạn như ở Indonesia và Malaysia. Trong đó, nhóm Ultras Malaysia được xem là quá khích nhất. Họ cũng xuất hiện với trang phục màu đen, bịt kín mặt như ở châu Âu. Trong quá khứ, họ từng nhiều lần gây họa, khiến LĐBĐ Malaysia phải ôm hận.

Ultras Malaysia và lần gây họa trong quá khứ


Một trong những câu chuyện buồn mà bất cứ người Việt Nam nào cũng muốn quên, đó là khi những CĐV của chúng ta bị tấn công ngay trên sân Shah Alam ngay sau trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014. Ngay khi trận đấu còn chưa kết thúc, một nhóm Ultras của Malaysia đã trèo qua hàng rào an ninh để tấn công CĐV đội khách.

CĐV Malaysia và mối đe dọa từ những kẻ bịt mặt, áo đen - Ảnh 4.

Hình ảnh CĐV Việt Nam bị Ultras Malaysia tấn công trên khán đài sân Shah Alam ở AFF Cup 2014

Máu đã rơi trên gương mặt của những CĐV Việt Nam như "vết sẹo" không thể nào quên. Trước đó, theo những người có mặt ở hiện trường, nhóm Ultras đã đốt pháo sáng và thậm chí, những tiếng nổ lớn đã xuất hiện trên khán đài Shah Alam.

Nhớ về câu chuyện đã qua, tuyển thủ Việt Nam, Võ Huy Toàn kể lại: "Những CĐV Malaysia hò hét liên tục và gây sức ép với đội khách. Tôi chưa bao giờ thi đấu dưới sức ép nặng nề như vậy".

Khán đài Đông Bắc ở sân Bukit Jalil (Kuala Lumpur) được xem là nơi tụ tập của những Ultras. Đó được ví như chảo lửa (theo đúng nghĩa đen). Pháo sáng chưa bao giờ tắt ở khu khán đài này. Thậm chí, trong nhiều trận đấu, pháo sáng đã được ném thẳng xuống sân.

Còn nhớ, trong trận lượt đi vòng bảng AFF Cup 2018, nhóm Ultras Malaysia đã diễu hành ở phố cổ. Họ mang trang phục đen, hò hét liên tục, kèm theo những biểu ngữ biểu dương sức mạnh của đội tuyển.

Việt Nam không phải là đội tuyển duy nhất hứng chịu "cơn thịnh nộ" của nhóm Ultras Malaysia. Họ đã biến trận đấu với Saudi Arabia ở vòng loại World Cup 2018 trở thành… bữa tiệc pháo sáng. Trận đấu đã phải tạm dừng vì pháo sáng liên tục được ném xuống sân, tạo nên khung cảnh kinh hoàng. Khói mù mịt khắp sân Bukit Jalil. Cảnh sát chống bạo động đã vào cuộc, ngăn chặn những cái đầu quá khích. Cuối cùng, 11 kẻ đã bị bắt vì gây loạn ở trận đấu này. Vì vụ trên, LĐBĐ Malaysia đã bị FIFA phạt 40.000 franc Thuỵ Sỹ.

CĐV Malaysia và mối đe dọa từ những kẻ bịt mặt, áo đen - Ảnh 5.

Trận đấu giữa Malaysia và Saudi Arabia phải tạm hoãn vì nhóm Ultras Malaysia ném pháo sáng xuống sân

Ở trận chung kết SEA Games 2017, nhóm Ultras Malaysia cũng tổ chức biểu tình, gây loạn ở địa điểm bán vé khi LĐBĐ nước này quyết định không bán vé online, buộc cảnh sát phải can thiệp. Tới 7 giờ tối, tình hình mới được xoa dịu.

Trước đó, trong trận đấu giao hữu giữa Malaysia và Philippines năm 2014, nhóm Ultras Malaysia đã gây rối trên khán đài, ném nhiều vật lạ xuống sân. Hậu quả, LĐBĐ Malaysia đã phải lĩnh án phạt 10.000 USD từ AFC. Cũng trong năm 2014, những kẻ quá khích đã xuống đường biểu tình và đập phá tất cả mọi thứ sau trận đấu giữa CLB Sarawak và Perak ở cúp quốc gia.

Tạp chí danh tiếng Four Four Two từng có bài viết: "Ultras Malaysia, phước lành hay đáng nguyền rủa?". Tạp chí này từng nhấn mạnh: "Ultras Malaysia thực sự là vết nhơ của nền bóng đá nước này".

Thế nhưng, trong giới bóng đá ở Malaysia, nhóm Ultras có quyền lực rất lớn. LĐBĐ nước này nhiều lần phải thỏa hiệp và buộc chấp nhận sự có mặt của những kẻ quá khích xuất hiện trên khán đài Bukit Jalil.

Hình ảnh Ultras Malaysia trong trận đấu với Campuchia ở vòng bảng AFF Cup 2018

Nhóm Ultras đã phát động một chiến dịch có tên "30 phút im lặng" hòng phản ứng với 30 năm lãnh đạo của LĐBĐ Malaysia (FAM). Trong trận đấu của đội tuyển Malaysia, nhóm này đứng "im như tượng" trong 30 phút. Nhưng tay chân của họ không hề… im lặng. Quả pháo sáng đầu tiên được bắn lên bầu trời, kèm theo 6 quả khác được bắn theo, khiến một góc khán đài sáng rực.

Người sáng lập ra nhóm Ultras Malaysia, Freddie Arifin tự hào tuyên bố: "Chúng tôi làm thế để LĐBĐ Malaysia và thế giới biết được ý nghĩa sau hành động của mình. Chúng tôi muốn bóng đá Malaysia có một cú hích".

Quy mô ngày càng mở rộng


Theo trang wikipedia ở Malaysia, nhóm Ultras Malaysia ra đời vào năm 2007 (được thành lập trước giải Asian Cup 2007) với tên gọi Ultras Malaya - 07 với quy mô 20 người. Nhóm này tăng nhanh về quân số, trước khi đạt tới đỉnh cao vào năm 2014 với ước tính hàng chục nghìn người. Đây là nhóm Ultras được thành lập dựa trên những Ultras của nhiều CLB.

CĐV Malaysia và mối đe dọa từ những kẻ bịt mặt, áo đen - Ảnh 7.

Ultras Malaysia ngày càng mở rộng quy mô trong những năm qua

Ultras Malaysia không nhận được sự tài trợ từ bất kỳ công ty nào. Kinh phí hoạt động của nhóm này tờ từ việc bán vật dụng cổ vũ và sự quyên góp của các thành viên. Họ sáng tác riêng 20 bài hát, nổi tiếng nhất là các bài "selamanya Harimau Malaya", "demi Malaysia"…

Ban đầu, nhóm Ultras Malaysia chỉ tuyển những người có dòng máu "thuần", không nhận những người gốc Trung Quốc, Ấn Độ… Nhưng sau này, quy mô được mở rộng. Họ đã chấp nhận những người "lai".

Kevin Tan là một trong những thành viên như vậy. Chàng trai gốc Trung Quốc 30 tuổi này là thành viên tích cực của nhóm Ultras Malaysia. Chính anh là người đã phá vỡ định kiến về sự phân biệt chủng tộc trong nhóm Ultras.

Kevin Tan chia sẻ: "Khi bạn nghĩ mình là người gốc Trung Quốc hay Ấn Độ thì bóng đá không dành cho bạn. Bạn phải nghĩ về Malaysia. Chúng tôi ủng hộ đội tuyển Malaysia với niềm tự hào lớn. Chúng tôi là người Malaysia, bất kể màu da hay tôn giáo. Bóng đá đã tạo nên nguồn sức mạnh to lớn để gắn kết mọi thành phần".

CĐV Malaysia và mối đe dọa từ những kẻ bịt mặt, áo đen - Ảnh 8.

Đội tuyển Việt Nam sẽ phải đối diện với sức ép nghẹt thở từ sân Bukit Jalil

Vĩ thanh

Sự nguy hiểm của nhóm Ultras Malaysia là điều không phải bàn tới. Sức ép trên khán đài Bukit Jalil cũng vô cùng khủng khiếp. Nhưng trận đấu sắp tới sẽ là thời điểm để những tuyển thủ Việt Nam chứng tỏ bản lĩnh của mình. Họ đã vượt qua nhiều giông bão trong vòng 1 năm qua và Bukit Jalil chính là thử thách lớn cuối cùng.

Bất chấp sự tồn tại của nhóm Ultras, bóng đá đẹp sẽ không thể mất đi. Đó là điều mà con người hướng tới. Chúng ta được kỳ vọng sẽ tạo nên nét đẹp ngay tại "chảo lửa" đầy hiểm nguy mang tên Bukit Jalil.

Ngày 11/12 tới, những chiến binh Việt Nam sẽ xuất trận. Ở phía sau họ luôn là tình cảm thuần khiết từ những người hâm mộ bóng đá nước nhà. Nó sẽ tạo thành nguồn sức mạnh chính nghĩa để vượt qua thử thách "rợn người" từ Ultras Malaysia.

H.Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm