Lượt đi V-League 2017: Nhức nhối vấn đề trọng tài

(Dân trí) - Có 2 vấn đề được nói đến nhiều nhất sau lượt đi V-League năm nay, đó là vấn đề trọng tài và sự sụt giảm nghiêm trọng lượng khán giả. Cả hai vấn đề đấy đều khiến giải đấu đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Trọng tài gây nhức nhối

Chưa khi nào công tác trọng tài lại gây nhức nhối như hiện nay. Cần nhắc lại rằng trọng tài thì ở đâu cũng có thể sai, vì đấy là một phần của bóng đá. Nhưng nằm ngoài chuyện sai hay đúng, vấn đề chính của giới trọng tài Việt Nam là họ không tạo được niềm tin nơi các đội bóng, nơi những người theo dõi bóng đá nội.

Mà khi người ta không tin nhau, tất yếu người ta dễ phản ứng với nhau. Đỉnh điểm của màn phản ứng trọng tài là sự cố ở sân Thống Nhất tối 19/2: Đội Long An bỏ khung thành để chống lại các quyết định của trọng tài Nguyễn Trọng Thư.

Hàng loạt thành viên của đội bóng miền Tây Nam bộ sau đó bị xử lý kỷ luật, nhưng cách giới trọng tài xử lý đối với ông Nguyễn Trọng Thư mới là đáng nói, khiến cho nỗi bất bình trong dư luận tăng cao, và sau khi trọng tài Trọng Thư “trắng án” sau sự cố đó, niềm tin vào giới trọng tài gần như còn lại bằng 0.

Trọng tài liên tục dính sự cố ở lượt đi V-League 2017 (ảnh: Anh Hải)
Trọng tài liên tục dính sự cố ở lượt đi V-League 2017 (ảnh: Anh Hải)

Người ta cho rằng giả sử giới trọng tài nghiêm khắc hơn trong việc xử lý trọng tài Nguyễn Trọng Thư, công bằng hơn trong việc xem xét chuyện toàn bộ trận đấu, ông Thư luôn có các quyết định nhạy cảm làm lợi cho CLB TPHCM, gây thiệt hại cho Long An, dẫn đến chuyện toàn bộ hai mươi mấy con người của đội này nhất tề phản ứng. Giả sử giới trọng tài có lời giải thích rõ ràng và minh bạch hơn xung quanh chuyện của ông Thư và đội Long An, làn sóng phản ứng của dư luận có lẽ đã không mạnh mẽ đến thế.

Và thế là người ta nhìn xuyên suốt lại cả quá trình và cả bộ máy điều hành Ban trọng tài, đứng đầu chính là cha của ông Trọng Thư, tức trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi. Nhìn lại để dư luận tiếp tục nhận định rằng quá thiếu công bằng trong công tác quản lý và điều hành ban này, trước khi sự ngờ vực đó cứ âm ỉ được các đội mang trong lòng ở các vòng đấu sau.

Suýt có sự cố Long An thứ 2 trên sân Pleiku ở vòng 12 V-League, nếu như các cầu thủ HA Gia Lai không giữ được bình tĩnh vào đúng thời điểm quyết định, khi đối diện với các tiếng còi gây bất bình của trọng tài Trần Xuân Nguyện.

Trước đó và sau đó, Quảng Nam, Thanh Hoá, SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC, Hải Phòng, SL Nghệ An... đều có lúc phản ứng trọng tài. “Bẻ còi”, “phạt đền tưởng tượng”, sai lỗi kỹ thuật (giơ biển báo bù giờ đến 2 lần trong 1 hiệp), sai phương pháp nghiệp vụ... lỗi nào cũng thấy ở trọng tài V-League, chứng tỏ chất lượng trọng tài nội bây giờ quá kém.

Khán giả sụt giảm nghiêm trọng

Tỷ lệ nghịch với số lượng sự cố liên quan đến trọng tài mỗi lúc một tăng lên, số lượng khán giả đến sân mỗi lúc một giảm sút.

khán giả mỗi lúc một vắng (ảnh: Trọng Vũ)
khán giả mỗi lúc một vắng (ảnh: Trọng Vũ)

Mất niềm tin nơi đội ngũ cầm cân nẩy mực, người hâm mộ cũng mất niềm tin luôn vào giải đấu, nơi vai trò quản lý của VFF quá mờ nhạt.

Trọng tài kém, cơ quan quản lý nền bóng không có phương án chấn chỉnh, hoặc vừa chấn chỉnh, vừa... né trách nhiệm, theo hướng đẩy vấn đề trọng tài ra tập thể Ban chấp hành (BCH) VFF giải quyết, hòng đẩy trách nhiệm sang... tập thể, khiến người hâm mộ mất niềm tin luôn ở VFF.

Bản thân các uỷ viên BCH đại diện ở các đội bóng cũng yếu kém khi quay lại quản lý chính các CLB của mình.

Họ không có phương án khắc phục tình trạng vắng khán giả, không có phương án giúp cho đội bóng của mình có chất lượng tốt hơn, cả về chất lượng chuyên môn lẫn chất lượng phục vụ, họ chỉ cố tìm cách đẩy sự yếu kém của mình, của chính đội mình cho bên thứ ba, khi có cơ hội (như kiểu uỷ viên BCH VFF Lê Nguyên Hồng phát biểu xúc phạm trọng tài, khi ví đội ngũ này được đào tạo tại trường mù, lúc đội Quảng Nam của ông Hồng thua HA Gia Lai).

Khán giả giảm vì tính sòng phẳng của V-League không cao. Tình trạng bầu Hiển có ảnh hưởng đến 4 – 5 đội bóng khiến cho tính khách quan của giải đấu giảm sút, từ đó cự công bằng trong cạnh tranh cũng giảm đáng kể, khiến khán giả mất niềm tin vào sự sòng phẳng của sân chơi vô địch quốc gia.

Đây một lần nữa là lỗi của VFF trong khâu quản lý. VFF là tổ chức thành viên của FIFA, nhưng lại đi ngược quy tắc của FIFA, hay chí ít là không chịu vận dụng luật FIFA trong việc xử lý tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” mà FIFA vốn cấm tiệt!

Kim Điền

Lượt đi V-League 2017: Nhức nhối vấn đề trọng tài - 3